Luật sư Vũ Ánh Dương, Phó chủ tịch thường trực Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tham luận tại Hội thảo |
Tại hội thảo "Thúc đẩy giải quyết tranh chấp trực tuyến trong Thương mại điện tử nhằm bảo vệ người tiêu dùng" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 28/4 tại Hà Nội, nhóm nghiên cứu của CIEM nhận định, số vụ tranh chấp trên môi trường thương mại điện tử xu hướng gia tăng. Ngay cả với thị trường truyền thống với hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh hơn, nhưng tốc độ giải quyết những tranh chấp này cũng không nhanh, thậm chí không dễ dàng. Trên môi trường trực tuyến, việc giải quyết những vấn đề tranh chấp càng trở phức tạp.
Đối với những quan ngại về các hành vi gian lận về hàng giả, thông tin, dữ liệu thanh toán và các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường trực tuyến, thì "đối sách" phổ biến hiện nay là tăng cường hiệu quả quản lý đối với thương mại điện tử và các bên tham gia hoạt động thương mại điện tử. Trong khi đó, việc làm sao để đơn giản hóa, giảm thời gian và/hoặc chi phí cho xử lý tranh chấp giữa các bên tham gia thương mại điện tử lại ít được lưu tâm.
Luật sư Vũ Ánh Dương, Phó chủ tịch thường trực Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam dẫn báo cáo năm 2020 của Vietnam Ecommerce and Digital Economy Agency (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương) cho biết, có 72% số người được hỏi cho biết sản phẩm họ mua có chất lượng thấp hơn so với quảng cáo và rao bán. ông Vũ Ánh Dương cho rằng, với tỷ lệ người tiêu dùng không hài lòng cao như vậy, cần có cơ chế thích hợp để bảo vệ người tiêu dùng/người mua hàng, sao cho đơn giản, thuận tiện, chi phí thấp, và dễ dàng tiếp cận đối với người tiêu dùng.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với quy mô thị trường thương mại điện tử đạt 3 tỷ USD năm 2015 tăng gấp 4 lần lên 12 tỷ USD vào năm 2019, với tốc độ tăng trung bình là 38%.
Năm 2020, dù bị ảnh hưởng trong bối cảnh Covid-19, nhưng thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn tăng trưởng 16% và đạt quy mô 14 tỷ USD. Theo dự báo của Google, Temasek và Bain, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt 52 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng trung bình cho giai đoạn 2020 - 2025 là 29%.
Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, số lượng tranh chấp phát sinh có xu hướng gia tăng. Mặc dù cơ chế xử lý tranh chấp được thiết lập trực tiếp trong các sàn thương mại điện tử, cơ chế này có thể chưa đủ hữu hiệu để xử lý tranh chấp phức tạp giữa các bên.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, gián đoạn chuỗi cung ứng cũng làm gia tăng tranh chấp trong hoạt động thương mại truyền thống, kể cả thương mại qua biên giới, trong khi khả năng các bên gặp gỡ trực tiếp và/hoặc gặp bên thứ ba (trọng tài, hòa giải viên…) càng trở nên hạn chế, thậm chí không khả thi thời dịch.
Những thực tế đó đã dẫn đến nhu cầu cấp bách phát triển nền tảng giải quyết tranh chấp trực tuyến đủ rộng, đủ hữu hiệu để áp dụng được trong cả môi trường thương mại điện tử và thương mại truyền thống.
Hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) trong thương mại điện tử được xem là chìa khóa giải quyết vấn đề phát sinh đơn giản và tốn ít chi phí hơn. Tuy vậy, hệ thống này đến nay vẫn chưa phổ biến đối với doanh nghiệp, cá nhân tham gia giao dịch thương mại điện tử.
Tại Việt Nam, giai đoạn 2016-2019 ít nhiều đã có những thảo luận về mức độ phù hợp của hệ thống ODR. Đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong đó đề ra một giải pháp là nghiên cứu, xem xét áp dụng hệ thống ODR nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong thương mại điện tử, thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM, hệ thống ODR có ưu điểm là khả thi về kinh tế, hiệu quả, nhanh chóng, linh hoạt; tạo ra tương tác đồng bộ, không đối đầu; cho phép giao tiếp nhiều hơn, thuận tiện hơn và tiếp cận trung lập tốt hơn, lại không giới hạn phạm vi lãnh thổ. Ngoài ra, hệ thống này giúp việc lưu trữ hồ sơ, dữ liệu, quản lý và tìm kiếm tài liệu trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, hệ thống này bộc lộ những nhược điểm như rào cản ngôn ngữ và thiếu những tiêu chuẩn pháp lý rõ ràng.
Còn theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, phản hồi từ một số doanh nghiệp nước ngoài cho thấy, đang có sự khác biệt lớn về văn hóa hợp đồng. Doanh nghiệp nước ngoài coi việc ký hợp đồng dường như đã xong việc, nhưng ở Việt Nam, ký xong hợp đồng có lẽ chỉ là bước ban đầu, sau đó còn rất nhiều việc phát sinh đi kèm và những thay đổi trong quá trình tuân thủ các điều khoản và thực thi hợp đồng, chưa nói đến chuyện giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng.
Trong thế giới công nghệ vận động nhanh như hiện nay, thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới khiến nhu cầu giải quyết tranh chấp qua môi trường trực tuyến tăng cao. Do vậy, ông Nguyễn Hoa Cương cho rằng, những lĩnh vực truyền thống liên quan đến tòa án, cơ quan giải quyết tranh chấp và hòa giải, cần phải có bước chuyển dịch song hành, ít nhất là áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp, hòa giải trên môi trường trực tuyến.