Sự kiện trên được tổ chức trong ít ngày tới chắc chắn sẽ vượt khỏi tầm vóc của một bộ, ngành cụ thể, để trở thành phong trào thi đua toàn quốc, tạo dấu ấn kinh tế đặc biệt trong cả giai đoạn 2021 - 2026, tạo cú hích mạnh trong việc hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng với điểm nhấn chính là mạng đường cao tốc quốc gia.
Cần phải nói thêm rằng, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác 3.000 km đường cao tốc và đến năm 2030 phấn đấu đưa vào khai thác 5.000 km.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, việc triển khai đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được các bộ, ban, ngành, địa phương đặc biệt chú trọng với tư duy mới, cách làm mới, bảo đảm cả 3 mục tiêu "chất lượng, tiến độ, hiệu quả".
Đến nay, cả nước đã hoàn thành thêm gần 700 km đường bộ cao tốc, đi qua 15 tỉnh, thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên hơn 2.000 km.
Các dự án hoàn thành đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo không gian phát triển mới, các khu đô thị, dịch vụ, công nghiệp mới, làm tăng giá trị đất đai, giảm chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, thay đổi diện mạo đất nước, góp phần tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Bên cạnh những thành tích đạt được, việc giải phóng mặt bằng còn lại tại một số dự án vẫn chậm, tiến độ triển khai thi công tại một số công trình chưa đạt kế hoạch đề ra. Công tác triển khai lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật tại một số dự án cũng chưa sát dự kiến. Chính vì vậy, việc phát động Đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” sẽ góp phần khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển quốc gia, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong toàn hệ thống chính trị và trong nhân dân về xây dựng các dự án đường bộ cao tốc, hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thiết thực chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Trên thực tế, đây là mục tiêu đầy thách thức, bởi để hoàn thành 3.000 km cao tốc vào cuối năm 2025, tốc độ triển khai phải nhanh hơn gấp nhiều lần so với công tác đầu tư, xây dựng loại hình công trình giao thông đặc biệt này trong thời gian qua.
Ngoài việc tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “không thua đại dịch”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “thi công 3 ca, 4 kíp”…, các bộ, ngành và địa phương liên quan, trong đó vai trò chủ công là Bộ Giao thông - Vận tải, cần có cách làm sáng tạo, tổ chức triên khai bài bản, khoa học để đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cao chất lượng công trình, dự án. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông - Vận tải cũng cần nhanh chóng rà soát lại các tuyến đường bộ đã đưa vào khai thác có khả năng nâng lên thành đường bộ cao tốc (như đoạn Nội Bài - Bắc Ninh đi trùng Quốc lộ 18, đoạn Hưng Yên - Hà Nam đi trùng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn Phủ Lý - TP. Nam Định đi trùng tuyến đường bộ mới Phủ Lý - Nam Định theo hình thức BT và BOT...) để tham mưu báo cáo Thủ tướng phương án đầu tư nâng cấp các tuyến này lên thành đường cao tốc theo quy định.
Trong mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025, thì nhiệm vụ tiên quyết là phải hoàn thành thông toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra. Do đó, Bộ Giao thông - Vận tải và các cơ quan, đơn vị liên quan phải hết sức tập trung, trách nhiệm, huy động toàn bộ nguồn lực để triển khai, trong đó đặc biệt lưu ý tuyến cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau tuy đã tháo gỡ được một số khó khăn, vướng mắc, nhưng vẫn có nguy cơ chậm tiến độ.
Trong mọi trường hợp, khi gặp khó khăn, vướng mắc, trở ngại, các cấp, các ngành, các lực lượng tham gia triển khai dự án, công trình cần đồng tâm hiệp lực, “chỉ bàn tiến, không bàn lùi”, quyết tâm cao nhất, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để vượt qua mọi thách thức, đưa công trình về đích. Đây chính là giải pháp căn cơ nhất để ngành giao thông tận dụng mọi nguồn lực, cùng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025, đảm bảo chất lượng, hiệu quả đầu tư theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.