Đầu tư
Bước nước rút giải ngân dự án hạ tầng giao thông
Anh Minh - 02/12/2021 09:09
Chỉ còn đúng 2 tháng để chủ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tăng tốc hoàn thành mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.
Thi công Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Ảnh: A.M

Không nhân nhượng

Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 (PMU7) là lãnh đạo đại diện chủ đầu tư mới nhất phải nhận “thẻ vàng” từ Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể do để chậm tiến độ thực hiện và giải ngân Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2021, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết).

Cụ thể, tại Công văn số 12402/BGTVT-QLXD gửi PMU7 vào giữa tuần trước, “Tư lệnh” ngành GTVT đã yêu cầu ông Nguyễn Chung Khánh (nguyên Giám đốc PMU7, người vừa nghỉ chế độ từ ngày 1/11/2021) phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, điều hành, dẫn đến chậm tiến độ thực hiện Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Ngoài ông Khánh, Bộ GTVT cũng nghiêm khắc phê bình ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc PMU7 do chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo điều hành, giải quyết khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ thực hiện Dự án.

Đặc biệt, Bộ GTVT yêu cầu Giám đốc PMU7 đương nhiệm phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan đến chậm giải ngân Dự án; rút kinh nghiệm sâu sắc, đề ra các giải pháp triển khai, đẩy nhanh tiến độ thi công trong thời gian tới.

“Lãnh đạo PMU7 phải chịu trách nhiệm về việc chỉ đạo điều hành, chủ động giải quyết hoặc kiến nghị giải quyết các khó khăn, vướng mắc của Dự án. Kiên quyết xử lý đối với các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát vi phạm các quy định của hợp đồng, làm chậm tiến độ Dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.

Sự sốt ruột của lãnh đạo Bộ GTVT là có cơ sở, bởi Dự án có tổng mức đầu tư 11.000 tỷ đồng này được khởi công vào đầu tháng 11/2020 và sẽ phải hoàn thành trong năm 2022. Tuy nhiên, đến này, giá trị sản lượng Dự án mới đạt hơn 14%, trong khi các gói thầu đã triển khai hơn một nửa thời gian hợp đồng.

Tại cuộc kiểm tra hiện trường Dự án vào giữa tháng 11/2021, lãnh đạo Bộ GTVT đã ghi nhận nhiều gói thầu xây lắp tại Dự án thi công chậm so với tiến độ điều chỉnh và tiến độ ban đầu được duyệt; công tác huy động máy móc, thiết bị, các mũi thi công của nhà thầu chưa đạt yêu cầu, triển khai thi công cầm chừng (đặc biệt là công tác đắp đất nền đường), một số nhà thầu năng lực còn hạn chế trong quá trình thực hiện.

“Ngoài một số nguyên nhân khách quan như dịch Covid-19, tình trạng khan hiếm vật liệu đất đắp… tiến độ công trình trọng điểm này bị chậm còn do công tác chỉ đạo của PMU7 chưa quyết liệt và hợp lý”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đánh giá.

Trước đó, vào cuối tháng 9/2021, PMU2 là đơn vị đầu tiên phải nhận được “thẻ vàng” từ Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của Bộ GTVT do chậm triển khai Dự án Đầu tư kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc có tổng mức đầu tư 235,3 triệu USD do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Australia tài trợ.

Ngoài 2 dự án trên, Tổ công tác đang xem xét, báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT ra “thẻ vàng” cảnh cáo 1 - 2 dự án khác, nếu không có chuyển biến về tiến độ trong 1 - 2 tuần tới.

“Trên cơ sở kiến nghị của Tổ công tác, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát để tiếp tục thực hiện điều chỉnh kế hoạch từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ thực hiện, giải ngân tốt, đồng thời sẽ xử lý nghiêm, khắc đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

Bám công trường để thúc giải ngân

Cần phải nói thêm, việc dùng “bàn tay sắt” là việc đặng chẳng đừng, nhưng giải pháp này đã buộc người đứng đầu các ban quản lý dự án - đơn vị chịu trách nhiệm cao nhất đối với kết quả giải ngân - phải chuyển động.

Tháng 11/2021, Bộ GTVT ước giải ngân được 3.283 tỷ đồng; lũy kế 11 tháng giải ngân được 31.869 tỷ đồng, đạt 73,4% kế hoạch, gồm: 28.881/38.564 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 74,9% và 2.986/4.837 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 61,7%.

Nhờ những biện pháp quyết liệt nói trên, nên dù phải đối diện với những khó khăn chưa từng có do dịch Covid-19 và tình trạng thiếu vật liệu đất đắp, cát sỏi trên diện rộng, nhưng giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng đầu năm 2021 vẫn là một trong những điểm sáng trong hoạt động của Bộ GTVT.

“Kết quả giải ngân của cả Bộ GTVT hiện cao hơn mức giải ngân bình quân chung của cả nước và đáp ứng tiến độ giải ngân theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ”, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) thông tin.

Để đạt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, trong tháng 12/2021 và tháng 1/2022, Bộ GTVT sẽ phải giải ngân khoảng 9.932 tỷ đồng, cao gần gấp ba so với bình quân 11 tháng trước đó. Đây là áp lực rất lớn trong bối cảnh nhiều điều kiện thi công vẫn chưa trở lại trạng thái bình thường và một số khu vực dự án đang là mùa mưa, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.

Bộ GTVT đã thông báo số lượng vốn đăng ký chưa giải ngân tới từng chủ đầu tư, yêu cầu sớm có giải pháp mang tính đột phá để đẩy nhanh tiến độ thi công.

“Giám đốc các ban quản lý dự án phải bám công trường, đặc biệt là tại các dự án trọng điểm để giải quyết sớm các khó khăn nhằm thông nhanh dòng vốn trong giai đoạn nước rút này”, ông Nguyễn Ngọc Đông chỉ đạo.

Tin liên quan
Tin khác