Nhiều đoạn sụp lún nghiêm trọng trên đê biển Tây Cà Mau, đoạn từ Kênh Mới đến Đá Bạc |
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã huy động lực lượng, thiết bị, máy móc chuyên dụng để xử lí tình huống khẩn cấp sụp lún trên tuyến đê biển Tây đoạn hơn 4.000 mét từ Kênh Mới đến Đá Bạc.
Từ chủ trương đã thống nhất của tỉnh, tại 2 vị trí đã sụp lún trước đó nằm gần Khu du lịch Hòn Đá Bạc, lực lượng chức năng tiến hành bơm cát vào con kênh ven đê nhằm tạo phản áp, giảm thiểu sụp lún. Riêng khu vực sụp lún nhẹ từ đầu Cống Kênh Mới hướng về phía Đá Bạc (khoảng 800 mét), lực lượng chức năng đang tiến hành bơm bùn từ ngoài biển vào để lấp con kênh nằm dọc thân đê. “Việc bơm bùn thực hiện trong 2 ngày qua, khu vực gần cống Kênh Mới không tiếp tục sụp lún nữa”, ông Nam cho biết.
Trước đó, từ ngày 18 đến 23/02/2020, công trình trên đê biển Tây ( đoạn từ Kênh Mới đến Đá Bạc) bị sụp lún rất nghiêm trọng với chiều dài hơn 200m. Hiện trạng sụp lún sâu từ 1,5 đến 2 mét, nền đất 2 bên lề đường bị kéo ra ngoài và mặt đường bê tông (ngang 5,5m) có nhiều nơi bị hư hỏng, đứt gãy, khiến giao thông trên tuyến bị tê liệt hoàn toàn. Vụ sụp lún gần đây vào rạng sáng ngày 19/3, đoạn cách Cống Kênh Mới khoảng 800 mét về hướng Đá Bạc, chiều dài sụp lún khoảng 30m, sâu từ 0,8 đến 1 mét, trượt về phía biển. Qua khảo sát, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau nhận định, nếu không có giải pháp can thiệp kịp thời, tuyến đê biển Tây tỉnh Cà Mau (đoạn hơn 4.000 mét, từ Kênh Mới đến Đá Bạc) sẽ tiếp tục sụp lún và hư hỏng nhiều hơn.
Cơ giới và các thiết bị chuyên dụng đang bơm cát và bùn lấp con kênh dọc tuyến đê biển Tây. |
Ngoài tuyến đê biển Tây, từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau xảy ra hơn 1.000 vị trí sụp lún làm hư hỏng công trình giao thôn, đặc biệt vùng ngọt hoá tỉnh Cà Mau, tổng chiều dài hơn 23.500m. Hạn hán kéo dài làm kênh rạch khô cạn được cho là “thủ phạm” chính gây nên tình trạng sụp lún đường giao thông ven các kênh, rạch ở Cà Mau. Đến nay, việc xử lý sụp lún công trình giao thông vùng nội đồng Cà Mau gần như bế tắc hoàn toàn, bởi nhiều nơi giao thông bị chia cắt, trong khi cơ giới không thể vận chuyển vật tư, phương tiện thi công bằng đường thủy dưới những con kênh khô cạn.