Tài chính - Chứng khoán
Cá nhân nước ngoài được đầu tư vào chứng khoán Việt Nam
Thùy Linh - 14/12/2015 09:08
Theo lý thuyết về Bộ ba bất khả thi trong mô hình kinh tế học Mundell - Fleming ra đời từ thập kỷ 1960, một quốc gia không thể đồng thời thực hiện cùng một lúc 3 mục tiêu chính sách vĩ mô, gồm ổn định tỷ giá, tự do hóa dòng vốn và chính sách tiền tệ độc lập. Xét về Bộ ba bất khả thi, các lựa chọn chính sách tiền tệ của Việt Nam về tổng thể có nhiều điểm giống Trung Quốc, theo hướng cùng thi hành chính sách kiểm soát dòng vốn nhằm theo đuổi mục tiêu lạm phát và ổn định tỷ giá.

Trong các bài viết trước, chúng tôi đã đề cập việc kiểm soát dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài của Trung Quốc trong tương quan so sánh với Việt Nam. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung mô tả việc quản lý vốn đầu tư gián tiếp của cá nhân không cư trú tại Trung Quốc để tham khảo.

Trên lãnh thổ Trung Quốc, có hai loại tiền tệ được sử dụng: đồng nhân dân tệ ở Trung Quốc đại lục và đô-la Hồng Kông tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông. Theo lý thuyết Bộ ba bất khả thi đề cập ở trên, trong khi đồng nhân dân tệ được kiểm soát với việc quản lý dòng chu chuyển vốn, thì đồng đô-la Hồng Kông được quản lý theo cách lựa chọn chu chuyển vốn tự do và nguồn cung tiền tệ độc lập.

Có một số ý kiến đề xuất Việt Nam nới lỏng thủ tục giấy tờ cho nhà đầu tư cá nhân nước ngoài khi đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ở Trung Quốc đại lục, có hai loại cổ phiếu khác nhau và cả hai đều được giao dịch tại các sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến. Cổ phiếu loại A được niêm yết giá bằng đồng nhân dân tệ. Chỉ các công dân Trung Quốc và các tổ chức nước ngoài được công nhận đáp ứng đủ điều kiện đầu tư (QFII) mới được phép giao dịch loại cổ phiếu này. Việc quản lý ngoại hối của Trung Quốc đối với các QFII đã được phân tích trong bài viết đăng trên Báo Đầu tư số ra ngày 30/11/2015.

Loại cổ phiếu thứ hai là cổ phiếu loại B - được yết giá bằng USD (tại sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải) và đô-la Hồng Kông (tại sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến). Tất cả người nước ngoài và các công dân Trung Quốc đều được phép giao dịch loại cổ phiếu này từ các tài khoản ngoại tệ thích hợp. Thị trường cổ phiếu loại B có quy mô nhỏ, trong đó có nhiều công ty chất lượng kém và giá cổ phiếu thường ít biến động.

Như vậy, tại Trung Quốc đại lục, các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài chỉ được phép mua cổ phiếu loại B, với giá niêm yết bằng USD và đô-la Hồng Kông - những loại tiền tệ được thả nổi tự dọ. Về vấn đề này, cơ quan chức năng của Trung Quốc không phải quản lý ngoại hối đối với đồng nhân dân tệ do các cá nhân người nước ngoài đầu tư gián tiếp.

Trong khi cổ phiếu loại B được cơ cấu là sản phẩm chính cho người nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc, thì hầu hết người nước ngoài lại thích đầu tư vào các công ty Trung Quốc đại lục niêm yết tại Hồng Kông hơn. Các cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông cho phép tất cả các loại nhà đầu tư được mua bán. Các công ty này chia thành 3 nhóm. “Cổ phiếu H” do công ty tại đại lục phát hành và giao dịch tại thị trường Hồng Kông (do đó, cùng một doanh nghiệp có thể có các loại cổ phiếu loại A, loại B và loại H cùng lưu hành). “Chip đỏ” là các doanh nghiệp do Nhà nước kiểm soát, về mặt kỹ thuật được đăng ký tại Hồng Kông, nhưng phần lớn doanh thu của họ ở đại lục. “Chip P” là các công ty được đăng ký kinh doanh tại Hồng Kông, nhưng do các đơn vị tư nhân trong đại lục sở hữu.

Về dài hạn, các quy định về việc đầu tư vào cổ phiếu hạng A có thể sẽ được nới lỏng, nhưng việc này có thể phải mất ít nhất một thập kỷ nữa. Hiện nay, nhà đầu tư cá nhân nước ngoài chỉ được phép đầu tư vào các cổ phiếu còn lại.

Gần đây, có một số ý kiến đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới lỏng bớt các yêu cầu về thủ tục giấy tờ cho nhà đầu tư cá nhân nước ngoài khi đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy vậy, so với Trung Quốc, việc kiểm soát của Việt Nam đối với các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài được xem là lỏng hơn nhiều. Ở Việt Nam, mặc dù giới hạn sở hữu cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng, song nhà đầu tư cá nhân nước ngoài được phép đầu tư vào tất cả các loại chứng khoán niêm yết bằng đồng Việt Nam, được giao dịch ở cả trong và ngoài sàn giao dịch chứng khoán.

Khi mở tài khoản giao dịch chứng khoán, người nước ngoài không phải nộp nhiều giấy tờ. Tuy vậy, nhà đầu tư nước ngoài nước ngoài phải nộp nhiều loại tài liệu khi mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp tại ngân hàng. Đây được xem là việc làm cần thiết nhằm chống rửa tiền theo cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Tin liên quan
Tin khác