Bộ Y tế Singapore hôm nay báo cáo thêm 1.111 ca nhiễm nCoV, nhưng chỉ 20 ca là công dân Singapore và thường trú nhân, còn lại là lao động nước ngoài trong các ký túc xá, và không ghi nhận thêm ca tử vong nào. Số liệu mới đưa ca nhiễm tại Singapore lên 9.125, trong đó 11 người đã tử vong.
Đây là ngày thứ hai liên tiếp Singapore ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ. Bộ Y tế cho biết đang xem xét chi tiết các ca nhiễm và sẽ cung cấp thêm thông tin sau.
Một phòng cách ly Covid-19 dành cho lao động nhập cư tại Westlite Toh Guan, Singapore hôm 7/4. Ảnh: Reuters. |
Singapore hôm qua công bố số ca nhiễm mới tăng đột biến với 1.426 trường hợp, trong đó có 1.369 lao động nước ngoài trong các ký túc xá. Sự xuất hiện liên tục các cụm dịch liên quan đến ký túc xá cùng xét nghiệm tích cực của giới chức cho lao động nước ngoài đưa số ca nhiễm ở Singapore tăng đáng kể. Tính đến ngày 6/4, Singapore mới có 1.375 ca nhiễm. Con số này tăng lên 2.918 hôm 13/4 và vượt 8.000 chỉ một tuần sau đó.
Tuy nhiên, Bộ Y tế Singapore cũng nhấn mạnh số ca lây nhiễm cộng đồng đã giảm, từ trung bình 39 ca xuống 29 ca trong tuần trước.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm nay cho biết chính phủ sẽ gia hạn một phần gói biện pháp "cầu dao" để ngắt chuỗi lây nhiễm đến ngày 1/6, thêm một tháng so với kế hoạch ban đầu. Ông kêu gọi người dân duy trì các biện pháp cách biệt cộng đồng để ngăn dịch bệnh lây lan.
Quốc đảo 5,6 triệu dân này là một trong những nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất châu Á xét trên tỷ lệ dân số. Phó giáo sư Alex Cook, phó khoa nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore, ước tính ít nhất 10.000 - 20.000 lao động nước ngoài nhiễm nCoV vào cuối tháng 4.
Vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á đã ban hành nhiều biện pháp để ngăn nCoV lây lan như đóng cửa trường học và các doanh nghiệp không thiết yếu tới 4/5. Người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà hoặc tới công sở, những người vi phạm sẽ bị phạt 300 SGD (khoảng 210 USD) lần đầu, 1.000 SGD (700 USD) lần hai và có nguy cơ bị truy tố nếu tái phạm nhiều lần. Người nước ngoài vi phạm các quy tắc phòng chống dịch có thể bị đuổi việc hoặc hủy tình trạng thường trú nhân.