Doanh nghiệp
Cả nước có gần 518.000 doanh nghiệp, còn cách xa mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020
Hà Nguyễn - 19/09/2018 14:19
Kết quả Tổng điều tra kinh tế 2017, do Tổng cục Thống kê công bố sáng ngày 19/9 cho thấy, cả nước hiện có gần 517.900 doanh nghiệp đang tồn tại. Tuy tăng nhanh về số lượng nhưng vẫn còn cách khá xa mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020.

Doanh nghiệp tăng nhanh về số lượng

Tổng cục Thống kê vào sáng 18/9 đã chính thức công bố kết quả Tổng điều tra kinh tế 2017. Theo đó, số lượng đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp, tôn giáo tiếp tục tăng, tập trung ở khu vực dịch vụ, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Trong đó, số lượng đơn vị và lao động trong khu vực kinh tế tăng nhanh hơn khu vực hành chính, sự nghiệp thể hiện xu hướng tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

“Khu vực doanh nghiệp có tốc độ tăng cao nhất cả về số lượng đơn vị và lao động, với gần 517.900 doanh nghiệp đang tồn tại, tăng 176.300 doanh nghiệp - tăng 51,6% so với năm 2012. Khối doanh nghiệp thu hút hơn 14 triệu lao động, tăng 28,2% (tương đương 3,1 triệu người) so với năm 2012”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.

.

Kết quả tổng điều tra của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển nhanh. Tính đến 1/7/2017, số lượng các đơn vị hoạt động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất tới 81,1% và cao hơn mức 78,7% của năm 2012.

Không chỉ tăng nhanh về số lượng, theo Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp còn tham gia sản xuất - kinh doanh ngành nghề mới, đẩy mạnh tái cơ cấu, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Kết quả Tổng điều tra cho thấy, số doanh nghiệp có đến thời điểm ngày 1/1/2017 là 517.900 doanh nghiệp, trong đó tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động điều tra được là 505.100 doanh nghiệp và 12.860 doanh nghiệp đã đăng ký nhưng đang đầu tư, chưa đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Trong số doanh nghiệp, có 10.100 doanh nghiệp lớn, tăng 29,6% (tăng gần 2.300 doanh nghiệp) so với thời điểm 01/01/2012 và chiếm tỷ lệ khiêm tốn với 1,9%; số doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ (gọi chung là doanh nghiệp vừa và nhỏ - DNVVN) là 507.860 doanh nghiệp, tăng 52,1% (tương đương 174.000 doanh nghiệp) so với thời điểm 01/01/2012, chiếm 98,1%.

Doanh nghiệp FDI thu hút nhiều lao động nhất, tỷ suất lợi nhuận đạt cao

Kết quả Tổng điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, tuy doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa tăng nhanh nhất về số lượng nhưng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới thu hút nhiều nhất về lao động trong vòng 5 năm qua.

Cụ thể, số doanh nghiệp FDI tăng tới 54% và lao động tăng tới 62,8% so với thời điểm 01/01/2012; bình quân giai đoạn 2012-2017, số doanh nghiệp FDI tăng 9% và lao động tăng 10,2%, cao hơn 2 lần so với doanh nghiệp nhà nước.

Một điều quan trọng, theo Tổng cục Thống kê, xét theo loại hình doanh nghiệp, xét theo loại hình doanh nghiệp, thì số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm 18,4% và lao động giảm tới 23,1% so với thời điểm 1/1/2012.

“Nghĩa là bình quân giai đoạn 2012-2017, mỗi năm giảm 4,0% về số doanh nghiệp và 5,1% về số lao động. Điều này cho thấy chủ trương cổ phần hóa, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước đã có tiến triển nhưng quá trình thực hiện còn khá chậm”, Tổng cục Thống kê nhận định.

Một kết quả khác, theo Tổng cục Thống kê, mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn trong tổng số doanh nghiệp, chỉ với 0,5% nhưng nguồn vốn của khu vực doanh nghiệp này chiếm tới 28,4% tổng nguồn vốn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, cao hơn cả nguồn vốn của khu vực FDI (chiếm 18,1%), các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 53,5% tổng nguồn vốn nhưng số lượng các doanh nghiệp thuộc loại hình này chiếm tới 96,7% tổng số doanh nghiệp.

“Mặc dù nguồn vốn của khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng lớn song xét về cơ cấu lại chủ yếu là vốn vay, vốn chủ sở hữu của khu vực doanh nghiệp này so với tổng nguồn vốn chỉ chiếm 23,2% trong khi tỷ lệ này của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là 30,7% và của khu vực FDI là 39,6%”, kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho biết.

Tuy nhiên, điểm đáng mừng là theo điều tra của Tổng cục Thống kê, kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh trong năm 2016 của doanh nghiệp được cải thiện hơn 5 năm trước đây. Cụ thể, doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp năm 2016 đạt 17.858 nghìn tỷ đồng, tăng 71,6% (7.450 tỷ đồng) so với năm 2011. Theo đó, doanh thu thuần bình quân năm giai đoạn 2011-2016 tăng 11,4% (tương đương 1.400 nghìn tỷ đồng).

Nhưng trong khi khu vực doanh nghiệp FDI có doanh thu thuần tăng mạnh nhất với 134,5% so với năm 2011, chiếm 27,4% tổng doanh thu thuần, thì khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 16,7%. Doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp này tăng thấp nhất với 244.000 tỷ đồng (tăng 8,9%), doanh thu thuần bình quân năm tăng 1,7% (tương đương 48,8 nghìn tỷ đồng).

Cũng theo Tổng cục Thống kê, hiệu suất sinh lời trên tài sản (tính bằng tổng lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản) của khu vực FDI vào năm 2016 đạt cao nhất và vượt trội so với các loại hình doanh nghiệp khác, với 6,9% (cao hơn so mức 4,8% của năm 2011). Tiếp đến là khu vực doanh nghiệp nhà nước, đạt 2,6% (thấp hơn mức 3,2% của năm 2011) và thấp nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 1,4% (năm 2011 là 1,2%).

Còn nếu tính hiệu suất sinh lời trên doanh thu (tính bằng tổng lợi nhuận trước thuế/tổng doanh thu), thì doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước là hai loại hình doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu năm 2016 đạt khá cao, với 6,7% và 6,6% (năm 2011 là 5,2% và 5,1%).

Tin liên quan
Tin khác