Ngoài ra, hai người con trai của nhà sáng lập Navico là Doãn Chí Thanh và Doãn Chí Thiên đã có đơn từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT.
Bà Trần Minh Cảnh (sinh năm 1965), hiện là Phó tổng giám đốc được đề cử bổ sung.
Ông Doãn Tới, nhà sáng lập kiêm Phó chủ tịch HĐQT/ Tổng giám đốc Navico sở hữu 56,3% vốn Navico.
Trong khi đó, ông Doãn Chí Thanh (sinh năm 1983) hiện là giám đốc kinh doanh của công ty, sở hữu 13,45% - tỷ lệ tương đương người em trai là ông Doãn Chí Thiên (sinh năm 1989), trợ lý Tổng giám đốc.
Song, hôm 9/6, ông Doãn Chí Thiên đăng ký bán ra 5 triệu cổ phiếu ANV, giảm tỷ lệ sở hữu còn 9,52% theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận, với thời gian từ 15/06 đến 15/07.
Như vậy, khi việc miễn nhiệm và bầu bổ sung này được thông qua tại Đại hội dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 06/2021, HĐQT Navico có 5 thành viên gồm ông Đỗ Lập Nghiệp, Chủ tịch HĐQT; ông Doãn Tới, Phó chủ tịch HĐQT; bà Trần Minh Cảnh, thành viên HĐQT cùng hai thành viên HĐQT độc lập là bà Nguyễn Thị Minh Ý và bà Doãn Hải Phượng.
Doanh thu của Navico giai đoạn 2016-2020 (tỷ đồng) và cơ cấu doanh thu năm 2019-2020 từ các nhóm sản phẩm. |
Navico hiện có 6 công ty con trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, bảo quản thủy sản, các sản phẩm từ thủy sản; chế biến dầu cá, bột cá, sản xuất phân bón hữu cơ, điện mặt trời và 1 công ty liên kết, với tỷ lệ sở hữu 50% là Công ty TNHH Amicogen Nam Việt chuyên sản xuất collagen và gelatin (công suất 780 tấn/năm).
Trong năm vừa qua, doanh nghiệp này đã tiếp tục đầu tư dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản Bình Phú được khởi động từ năm 2019.
Hiện tại, tiến độ của dự án đã hoàn thành được 229 ao cá thịt, 64 ao cá giống và lắp đặt các hệ thống, các máy móc thiết bị phục vụ sản xuất công nghệ cao như hệ thống cho ăn tự động, máy xử lý nước công nghệ nano.
Sở hữu chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất thức ăn, nuôi trồng thủy sản và chế biến thủy sản, từ đó chủ động 100% thức ăn cho việc nuôi trồng, 100% cá nguyên liệu cho các nhà máy chế biến là một trong những lợi thế nổi bật của Navico trong ngành cá tra.
Cùng với đó, doanh nghiệp này cũng có thể tận dụng cơ hội từ thuế nhập khẩu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) khi được giảm từ mức hiện tại 5,5% xuống 0% trong 3 năm đối với cá phi lê đông lạnh.
Dù vậy, Navico nói riêng và doanh nghiệp nuôi trồng chế biến thuỷ hải sản nói chung đều phải đối mặt với thách thức từ nguồn lao động không ổn định thường di chuyển giữa các doanh nghiệp trong và ngoài ngành.
Cùng với đó, một số thị trường dựng lên các hàng rào phi thuế quan để hạn chế và thắt chặt kiểm soát hàng hóa nhập khẩu và giá bán hàng có thể giảm vì đại dịch đã ảnh hưởng nhu cầu tiêu thụ cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tính đến tháng 4/2021, doanh nghiệp này có hơn 5.900 người lao động.
Trước làn sóng dịch lần thứ 4 hiện nay, chia sẻ với Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Doãn Chí Thiên cho biết, Navico đã cho lập các chốt kiểm tra thân nhiệt ở các cổng bảo vệ, tất cả cán bộ công nhân viên và khách hàng khi đến đều phải đo thân nhiệt và khai báo y tế hàng ngày trước khi vào công ty.
Cùng với đó, trong thời gian này, cán bộ công nhân viên được yêu cầu hạn chế ra khỏi địa phương và đi đâu phải khai báo cho ban giám đốc để có hướng xử lý.
“Hiện chúng tôi gặp thách thức giá nguyên liệu giảm, giá bán thấp trong khi chi phí vận chuyển cao (cước tàu tăng mạnh). Do đó, Navico đang tìm mọi cách để tiết giảm các chi phí để ổn định sản xuất cho người lao động”, ông Doãn Thiên chia sẻ.