Điểm nóng
Các bị cáo giúp sức Trương Mỹ Lan rửa tiền khai gì?
Việt Dũng - 25/09/2024 14:44
Để thực hiện việc tạo dòng tiền, bị cáo đã thành lập khoảng 600 công ty “ma” để vay khống, sử dụng nguồn tiền và những yêu cầu khác nhau của Trương Mỹ Lan.

Thành lập 600 công ty “ma” để “chạy” dòng tiền

Ngày 25/9, Toà án nhân dân TP.HCM tiếp tục xét xử các bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.

Trong phiên xét xử hôm nay, Hội đồng xét xử tiến hành xét hỏi đối với nhóm bị cáo liên quan đến hành vi rửa tiền. Là bị cáo bước lên bục trả lời đầu tiên, Nguyễn Phương Anh, cựu Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula (Công ty SPG) khai, đã thành lập khoảng 600 công ty “ma”. Những công ty này được sử dụng để chạy dòng tiền là chính, ngoài ra còn thực hiện các khoản vay và những yêu cầu khác.

Các bị cáo tại toà trước giờ xét xử.


Theo bị cáo Nguyễn Phương Anh, những khoản vay trên đều thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) nhằm lấy tiền từ các khoản vay khống để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.

Ngoài ra, Nguyễn Phương Anh còn nhận chỉ đạo của Trương Khánh Hoàng và Trần Mỹ Dung, cả hai đều là cựu Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB. Song, bị cáo Phương Anh cho rằng, chỉ đạo của Hoàng và Dung cũng tương tự như Nguyễn Phương Hồng. Kịch bản chạy dòng tiền như thế nào cũng thực hiện theo hướng dẫn của Hồng.

Nguyễn Phương Anh khai thêm, đối với các khoản nộp vào ngân hàng thì các cá nhân buộc phải lên ngân hàng để giao dịch. Các khoản vay của cá nhân là khống, hệ thống sẽ hiện con số. Việc sử dụng dòng tiền này sẽ thực hiện theo những mục đích khác nhau theo yêu cầu của bị cáo…

Theo cáo trạng, Nguyễn Phương Anh đã giúp Trương Mỹ Lan chuyển tiền ra nước ngoài khoảng 5.900 tỷ đồng. Trong đó, số tiền chiếm đoạt được thông qua hành vi phạm tội tham ô tài sản của Ngân hàng SCB là hơn 4.600 tỷ đồng.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Phương Anh thừa nhận những hành vi trên là sai phạm, trái với quy định của pháp luật. Bị cáo khai, bản thân làm việc nhưng không nhận thức được rõ sẽ vi phạm pháp luật ở mức nghiêm trọng như vậy. Khi thấy hậu quả xảy ra lớn, tiếp xúc với hồ sơ thì bị cáo thấy hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Thực hiện có hệ thống, tạo lập các công ty không có thực để tạo dòng tiền…

“Quá trình làm việc, bị cáo không được hưởng lợi gì, chỉ hưởng lương hàng tháng. Bị cáo nhận thấy hậu quả gây ra quá lớn, không biết làm được gì để khắc phục. Trong quá trình điều tra đã cố gắng phối hợp với gia đình để khắc phục hậu quả”, bị cáo Nguyễn Phương Anh nói.

Chuyển tiền ra nước ngoài theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan

Hội đồng xét xử tiếp tục xét hỏi đối với bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB). Theo cáo trạng, Dung đã chỉ đạo Nguyễn Phương Anh phối hợp với các chi nhánh của Ngân hàng SCB, giúp sức cho Trương Mỹ Lan che giấu nguồn gốc và sử dụng số tiền 69.000 tỷ đồng do phạm tội “Tham ô tài sản” của Ngân hàng SCB.

Tại toà, Trần Thị Mỹ Dung khai, liên quan đến các giao dịch tại Ngân hàng SCB, sau khi tiếp nhận và nghe báo cáo về việc chạy dòng tiền, bị cáo thấy rủi ro nên đã chỉ đạo phải có tiền và có người mới cho thực hiện.

Bị cáo không biết kịch bản dòng tiền này là gì, tất cả đều do Nguyễn Phương Hồng đã làm việc với Nguyễn Phương Anh. Bị cáo chỉ làm theo. Khi nào Trương Mỹ Lan cần tiền thì chỉ đạo bị cáo phối hợp với Nguyễn Phương Anh để tạo lập hồ sơ vay vốn. Chỉ đến khi lên làm Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB thì bị cáo mới biết dòng tiền được sử dụng như thế nào.

Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB.


Theo Trần Thị Mỹ Dung, dòng tiền được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như chi cho cá nhân, chi cho dự án, các khoản vay của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát… Đối với khoản chi cho dự án thì sẽ được Trương Mỹ Lan chỉ đạo liên hệ với quản lý Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để lập hồ sơ chi. Còn đối với các khoản vay của Tập đoàn thì sẽ có 2 phương án là thực hiện tại Ngân hàng SCB hoặc các ngân hàng khác.

Tại tòa, bị cáo Dung cho biết, bản thân không chỉ đạo Nguyễn Phương Anh, mà chỉ phối hợp để lên phương án khi xét dòng tiền. Trương Mỹ Lan đưa tài khoản thì Ngân hàng SCB sẽ làm phương án vay, sau đó Nguyễn Phương Anh sẽ làm các bước tiếp theo.

Đối với các khoản vay khống thì bị cáo thực hiện theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Các khoản trái phiếu khi tới kỳ thì sẽ được báo cho số tiền cần thanh toán… Tổng số tiền vay khống là gần 1.400 tỷ đồng.

Tương tự, việc chuyển tiền ra nước ngoài cũng được Trương Mỹ Lan yêu cầu. Sau đó, bị cáo liên hệ với Trịnh Quang Công (Tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn quản lý ACUMEN) để thực hiện. Công sẽ báo số tiền cần chuyển đi nước ngoài cụ thể… Các khoản chuyển đi nước ngoài theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan là khoảng 18.000 tỷ đồng.

“Ngay khi thời điểm làm việc, bị cáo chỉ hi vọng sẽ giúp Ngân hàng SCB phát triển. Sự việc xảy như hôm nay là bị cáo không mong muốn. Mong Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Bị cáo làm việc và hưởng lương hàng tháng”, Trần Thị Mỹ Dung khai.

Trong phiên xét xử hôm nay, bị cáo Trương Khánh Hoàng khai, bản thân phụ trách giải ngân các khoản vay của Trương Mỹ Lan. Hành vi rửa tiền được thực hiện theo chỉ đạo, thời điểm vào làm việc thì kế thừa các khoản vay đã có trước của Nguyễn Phương Hồng.

Theo bị cáo Hoàng, trong thời điểm làm việc thì Ngân hàng SCB quá khó khăn. Các khoản vay đến hạn liên tục, việc giải ngân mới để trả lãi khoản vay cũ trước đã có rồi… việc làm của bị cáo là thực hiện theo thói quen đã có ở Ngân hàng SCB.

Tin liên quan
Tin khác