Cùng với Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), Cienco 1 là hai doanh nghiệp nhà nước trong khối xây lắp của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) nhận được đề nghị trở thành cổ đông chiến lược của đối tác ngoại khi tiến hành cổ phần hóa công ty mẹ.
| ||
Cienco 1 vừa nhận được đề nghị trở thành cổ đông chiến lược của đối tác ngoại khi tiến hành cổ phần hóa công ty mẹ |
Tại tờ trình về phương án cổ phần hóa công ty mẹ - Cienco 1, vừa được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ, tổng công ty xây dựng số một trong lĩnh vực cầu đường này có tới 3 nhà đầu tư chiến lược tên tuổi đăng ký mua cổ phần là: Công ty TNHH Yên Khánh - 7 triệu cổ phần (10% vốn điều lệ); Công ty cổ phần Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm FECON - 7 triệu cổ phần (10% vốn điều lệ) và Hassyu (Nhật Bản) - 7,7 triệu cổ phần (11% vốn điều lệ).
Được biết, phương án bán cổ phần Cienco 1 cho các các nhà đầu tư này đã được Bộ GTVT chốt là thỏa thuận trực tiếp với giá bán không thấp hơn giá khởi điểm (10.000 đồng/cổ phần).
“Chúng tôi lựa chọn Hassyu làm đối tác chiến lược nhằm tận dụng tiềm lực công nghệ của một doanh nghiệp thi công cầu hàng đầu Nhật Bản”, ông Phạm Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cienco 1 cho biết.
Ông Dũng cho biết thêm, Cienco 1 cũng phải từ chối không ít lời đề nghị tham gia làm cổ đông chiến lược, do không thấy phù hợp với tiêu chí là giúp đơn vị tăng tiềm lực công nghệ và mở rộng thị trường.
Theo định giá của đơn vị tư vấn, Cienco 1 có giá trị thực tế tại thời điểm ngày 30/6/2013 là 3.133 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 478 tỷ đồng. Trong đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) tới, Cienco 1 sẽ phát hành khoảng 70 triệu cổ phần, trong đó Nhà nước nắm giữ khoảng 35% vốn điều lệ, phần còn lại sẽ do các cổ đông bên ngoài và cán bộ, công nhân viên đơn vị nắm giữ.
Trong khi đó, TEDI - đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tư vấn dù chỉ xây dựng mức vốn điều lệ khá khiêm tốn (125 tỷ đồng), nhưng cũng “hút” được một nhà đầu tư Nhật Bản khá nổi tiếng đăng ký mua 15,4% vốn điều lệ là Oriental Consultant, bên cạnh nhà đầu tư nội - FECON.
Ngoài các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, thông tin từ Bộ GTVT cho biết, 2 cienco vừa hoàn thành phương án cổ phần hóa công ty mẹ có nhà đầu tư chiến lược là các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội đăng tham gia mua cổ phần để trở thành cổ đông chiếc lược tại Cienco 4, Tổng công ty Xây dựng Thăng Long với khối lượng mua dự kiến lần lượt là 60 tỷ đồng và 30 tỷ đồng.
Ngay tại Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco), đơn vị nhiều năm trước còn ngập trong tai tiếng kinh doanh thua lỗ, cũng nhận được đề nghị của 3 nhà đầu tư chiến lược từ các công ty tư nhân lớn trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông.
Như vậy, trái ngược với lo ngại của nhiều người về nguy cơ “ế” cổ phần, việc các Cienco nhận được sự quan tâm lớn từ các đối tác trong và ngoài nước là những tín hiệu tích cực cho thấy tính khả thi của các đợt IPO sắp được tổ chức.
Cần phải nói thêm rằng, nếu “soi” vào phương án cổ phần hóa vừa được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ, điều kiện để trở thành cổ đông chiến lược tại các Cienco là khá khắt khe. Đối với các tổ chức tín dụng, điều kiện cần là phải có tổng tài sản tối thiểu 50.000 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn trên 10%; có khả năng hỗ trợ vốn cho đơn vị trong sản xuất, đặc biệt là tại các dự án BOT, PPP…
Theo một nhà đầu tư, có hai lý do chính khiến việc cổ phần hóa công ty mẹ cienco lại thu hút sự quan tâm khá lớn của các nhà đầu tư.
Thứ nhất, hầu hết công ty mẹ có năng lực thi công khá tốt, bao gồm cả máy móc thiết bị và công nghệ thi công cầu đường vượt trội so với các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Trong bối cảnh nhiều dự án đường cao tốc, cảng biển lớn sắp được triển khai, nguồn việc làm cho các cienco thời gian tới được dự báo là khá phong phú. Bên cạnh đó, ngoài trừ công ty mẹ của Cienco 8 đang gặp khó khăn về tài chính, các cienco còn lại đều có lợi nhuận đạt 40 - 100 tỷ đồng/năm.
“Với sự tham gia tích cực từ các đối tác bên ngoài, mục tiêu cổ phần hóa 8 cienco trong quý I/2014 là hoàn toàn khả thi”, một lãnh đạo Vụ quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) đánh giá.
Anh Minh