Du lịch
Các đại sứ Việt Nam tại nước ngoài bật mí cách thu hút du khách quốc tế
Hồ Hạ - 17/03/2022 10:50
Các đại sứ Việt Nam tại nước ngoài đã bật mí phương cách giúp ngành kinh tế xanh Việt Nam thu hút du khách quốc tế.

Tại Hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả, các đại sứ Việt Nam tại nước ngoài đã chia sẻ nhu cầu du lịch của các thị trường nguồn đến Việt Nam và bật mí phương cách giúp ngành kinh tế xanh Việt Nam thu hút du khách quốc tế.

Nhu cầu của du khách Mỹ như “lò xo nén lại”

Theo Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng, hiện nhu cầu du lịch của người Mỹ tăng cao, như “lò xo nén lại”. 80% người Mỹ có nhu cầu đi du lịch trong 6 tháng tới, tập trung vào các hình thức du lịch an toàn, an ninh, du lịch bền vững, du lịch xanh; hạ tầng y tế tốt, bảo đảm về chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm, đồng thời cần linh hoạt trong thay đổi lịch trình trước những rủi ro có thể đột xuất xảy ra.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng.

Người Mỹ thích du lịch gia đình và trải nghiệm; ưa thích lưu trú tại homestay, đặt phòng qua mạng, áp dụng công nghệ thông tin, tránh tiếp xúc trực tiếp nhân viên. Du khách Mỹ đánh giá Việt Nam là điểm đến yêu thích, đông đảo người Việt tại Mỹ có nhu cầu về Việt Nam thăm thân, đầu tư. Hiện Việt Nam - Mỹ đã có đường bay thẳng. Đây là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam thu hút du khách Mỹ.

Tuy nhiên, đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cho biết, Việt Nam đã công bố chủ trương mở cửa du lịch từ 15/3, nhưng do số ca bệnh ở Việt Nam đang tăng cao, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ xếp Việt Nam vào nhóm khuyến cáo hạn chế đi lại, dù nhóm này có tới 130 nước.

Bên cạnh đó, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhận định, Việt Nam đóng cửa du lịch dài so với nhiều nước trong khu vực, khi mở cửa trở lại chưa có nhiều sản phẩm mới hấp dẫn để thu hút khách. Đây là những trở ngại đối với du lịch Việt Nam.

Từ thực tế đó, đại sứ Nguyễn Quốc Dũng khuyến nghị chủ trương mở cửa du lịch của Việt Nam nên triển khai nhất quán từ Trung ương đến địa phương để có thể thông báo một cách thống nhất đến các cơ quan đại diện, các hãng hàng không, đối tác… tránh thay đổi đột ngột, có văn bản bằng tiếng Anh để dễ dàng quảng bá.

Đồng thời, các sản phẩm du lịch cần bám sát xu hướng du lịch mới, có chương trình khuyến mãi, cơ sở y tế chất lượng cao, sản phẩm du lịch hấp dẫn, có tính cạnh tranh. Các cơ quan cần tăng cường phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, đặc biệt là an toàn phòng chống dịch bệnh. Cần đẩy mạnh số hóa và quảng bá du lịch qua Internet, thực tế ảo.

Người Nhật thích du lịch theo tập thể, qua các công ty lữ hành

Trái ngược với thói quen của người Mỹ là không thích đi theo tour đông người, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam thông tin người Nhật thích du lịch theo tập thể, qua các công ty lữ hành, do đó cần vận động để các doanh nghiệp lữ hành đối tác phía Nhật Bản chuẩn bị trước từ 2 tháng.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam.

Hiện Nhật Bản chưa mở cửa với du lịch quốc tế, nhưng có thể sớm mở cửa trở lại. Các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam có thể tận dụng thời điểm người Nhật hay đi du lịch nước ngoài là vào tháng 6,7,8 là thời điểm mùa hè và trẻ em nghỉ học.

Cũng theo đại sứ Vũ Hồng Nam, Chính phủ Nhật Bản có rất nhiều hỗ trợ để du lịch trong nước giảm giá, khi du lịch trong nước rẻ hơn du lịch nước ngoài, du khách Nhật Bản sẽ chọn du lịch trong nước. Đây là trở ngại đòi hỏi doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần làm việc với các công ty Nhật Bản để có mức giá hợp lý, cạnh tranh, tạo sức hấp dẫn.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản cũng đề nghị Việt Nam tập trung khuyến khích, có chính sách thuận lợi chào đón doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam. Bởi sau 2 năm Covid-19, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản không vào được Việt Nam, nhu cầu căng như dây đàn, chỉ chờ chúng ta bung cửa là vào. Con số này không hề nhỏ và khả thi nhất, ngay lập tức đáp ứng chính sách mở cửa của Việt Nam cũng như việc kết nối làm ăn, phục hồi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này tại Việt Nam.

Đại sứ Vũ Hồng Nam cho rằng, cần có những hội nghị, tọa đàm trao đổi với các doanh nghiệp Nhật Bản để biết bạn muốn gì. Từ đó có những đáp ứng cụ thể với từng thị trường.

80% người Pháp cho biết muốn du lịch châu Á

Chia sẻ về nhu cầu, xu hướng du lịch của du khách Pháp, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho hay, Pháp là quốc gia có ngành du lịch rất phát triển. Chính phủ Pháp đã công bố bỏ quy định đeo khẩu trang, bỏ giấy thông hành y tế từ 14/3 tại Pháp.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng.

Người Pháp hiện dần quay lại thói quen đi du lịch. Nếu 2020, 90% người Pháp ưu tiên du lịch nước và châu Âu thì nay 43% người Pháp đã sẵn sàng du lịch ngoài châu Âu trong 2022. 80% người Pháp cho biết muốn du lịch châu Á.

Với Việt Nam, Pháp luôn luôn là thị trường truyền thống nhờ mối liên hệ lịch sử, văn hóa. Việt Nam cũng là điểm đến quen thuộc với người Pháp. Bạn bè Pháp đánh giá cao vẻ đẹp thiên nhiên, giá trị văn hóa, ẩm thực, con người Việt Nam.

Việt Nam cũng được Pháp xếp vào nhóm nước xanh, an toàn. Các doanh nghiệp du lịch tại Pháp đang tìm hiểu những thông tin về du lịch Việt Nam để thúc đẩy du lịch giữa 2 nước trong thời gian tới.

Để ngành kinh tế xanh Việt Nam cất cánh, đại sứ Đinh Toàn Thắng đề xuất 6 giải pháp. Thứ nhất, mở cửa du lịch cần có chính sách nhất quán, rõ ràng, để đảm bảo sự yên tâm với du khách. Thứ hai, đề nghị du lịch Việt Nam chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, nguồn lực phục vụ du khách.

Thứ ba, cần xây dựng các sản phẩm phù hợp nhu cầu mới của du khách Pháp. Hiện người Pháp ưu tiên cho du lịch bền vững, quan tâm đến các vấn đề môi trường, phương tiện di chuyển, lưu trú bảo đảm các điều kiện thân thiện với môi trường. Xu hướng du lịch của người Pháp là du lịch chậm, kéo dài ngày hơn, kỳ nghỉ ít điểm đến hơn. Họ ưu tiên các loại hình du lịch bảo đảm yếu tố an toàn như du lịch ngoài trời, du lịch xanh, du lịch vận động, du lịch nông thôn, tập trung ít người, ít nguy cơ lây nhiễm, quy định y tế rõ ràng, có cơ sở y tế tốt.

Bên cạnh đó, các yếu tố linh hoạt về hoãn, hủy tour, ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch được 53% du khách Pháp ưu tiên khi lựa chọn điểm đến.

Thứ tư, Việt Nam cần đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ trong hoạt động du lịch.

Thứ 5, cần có kế hoạch quảng bá sớm cho các sự kiện lớn; các chương trình, sản phẩm du lịch hấp dẫn; các điểm đến và những trải nghiệm du lịch mới. Truyền thông phải đi trước du lịch, vì du lịch là bán hàng, là cạnh tranh.

Thứ 6, các cơ quan, doanh nghiệp cần xây dựng cơ sở dữ liệu để quảng bá sản phẩm, du lịch trên mạng xã hội và các kênh truyền thông. Cần phổ biến dữ liệu quảng bá du lịch cho các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài để quảng bá du lịch. Đại sứ quán Pháp mong muốn có những ấn phẩm quảng bá du lịch Việt Nam bằng tiếng Pháp để tiếp cận người tiêu dùng, du khách Pháp.

Du khách Việt Nam đến Singapore không cần cách ly

Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng cho biết, lượng người Singapore đi du lịch khá lớn. Người Singapore cũng như cộng đồng quốc tế đang làm việc tại Singapore rất háo hức mong chờ trước thông tin mở cửa du lịch từ ngày 15/3 để quay trở lại Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng.

Theo đại sứ Mai Phước Dũng, hiện nay Singapore mở về nhập cảnh cho 30 nước, với Việt Nam quy định áp dụng từ ngày 16/3 là người nhập cảnh không cần cách ly với các điều kiện: Cần xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm nhanh âm tính 48 tiếng trước khi sang Singapore; xin phép nhập cảnh qua online miễn phí trước khi nhập cảnh 1 tuần đến 60 ngày và khi nhập cảnh không cần cách ly mà tự xét nghiệm (không cần đến cơ sở y tế chỉ định như trước đây), nếu âm tính sẽ được đi thoải mái. Singapore giới hạn nhập cảnh không quá 10.000 người/ngày.

Việc Chính phủ Việt Nam công bố mở cửa du lịch trở lại trong điều kiện bình thường mới là một tin vui, thể hiện quyết tâm sống chung với đại dịch, phục hồi kinh tế của Việt Nam. Việc mở cửa, cho phép các công dân nước ngoài, trong đó có công dân Singapore vào Việt Nam chắc chắn sẽ là một bước tiến lớn, một động lực mới cho mối quan hệ bền chặt nhiều mặt giữa hai nước.

Australia chi mạnh cho quảng bá, xúc tiến du lịch

Chia sẻ kinh nghiệm mở cửa du lịch quốc tế của Australia, đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành cho hay, quốc gia này có chính sách nhập cảnh rất thận trọng.

Tuy nhiên từ năm 2021, Australia đã có chính sách sống chung với Covid và mở cửa theo lộ trình. Tháng 4/2021, “xứ sở chuột túi” mở cửa đối với du khách New Zealand, từ tháng 11/2021 mở cửa với Singapore, và từ tháng 12/2021 với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành.

Nhờ tỷ lệ tiêm vaccine đạt trên 95%, từ ngày 21/2, Australia mở cửa hoàn toàn với tất cả các quốc gia.

Hiện mọi du khách quốc tế đến Australia không phải cách ly, không cần đeo khẩu trang, thủ tục đơn giản với 2 loại giấy tờ gồm: Giấy chứng nhận tiêm vaccine và Giấy chứng nhận có kết quả âm tính với Covid. Nếu là test nhanh thì có hiệu lực trong 24 giờ, với PCR hiệu lực trong 72 giờ.

Đặc biệt, để hấp dẫn du khách quốc tế, Australia đẩy mạnh truyền thông, quảng bá từ năm 2021. Từ năm 2021 đến hết tháng 1/2022, Australia đã chi khoảng 40 triệu USD quảng bá du lịch ở nhiều nước và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Từ sự thành công của Australia, đại sứ Nguyễn Tất Thành kiến nghị thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam càng đơn giản càng tốt, bởi đây là lý do vì sao Australia thu hút được đông đảo du khách trong thời gian ngắn. Ông minh chứng, từ 21/2 đến nay, đã có 9 chuyến bay từ Việt Nam đến Australia hàng tuần với 80% ghế có khách.

Australia hiện là một trong 5 thị trường có lượng khách đến Việt Nam lớn nhất với trung bình từ 500.000 đến 600.000 du khách/năm. Do đó, đại sứ Nguyễn Tất Thành mong Tổng cục Du lịch có chính sách quảng bá, tiếp thị du lịch tại Australia một cách mạnh mẽ hơn nữa.

Du khách Ấn Độ thường đi theo nhóm đông người

Trong khi đó, chia sẻ tiềm năng và gợi ý phương cách cho các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam thu hút du khách Ấn Độ, đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu bật mí, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn ở Ấn Độ đều có quỹ thưởng cuối năm cho nhân viên hoặc dùng quỹ này tổ chức cho nhân viên đi du lịch với khoản chi phí từ 10 triệu đến 50 triệu/người.

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu.

Bên cạnh đó, tại Ấn Độ có khoảng 20 doanh nghiệp chuyên tổ chức các tour du lịch kết hợp tổ chức đám cưới, với khoảng 100-1000 đám cưới mỗi năm. Do đó, các công ty du lịch có thể tiếp cận, làm việc với các tập đoàn lớn của Ấn Độ hoặc các doanh nghiệp chuyên tổ chức tour đám cưới để đón du khách đến Việt Nam.

Mặt khác, người Ấn Độ thường đi du lịch theo nhóm đông vài chục người, cả đại gia đình 3 thế hệ, họ có tâm lý thích mặc cả, do đó, các doanh nghiệp du lịch nên có ưu đãi cho họ. “Thời gian qua, nhu cầu du lịch của người Ấn như chiếc lò xo bị nén lại, hiện Ấn  Độ đã mở cửa, du khách không còn bị hạn chế, do đó, Việt Nam cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch tới đây”, đại sứ Phạm Sanh Châu nói.

Tin liên quan
Tin khác