Triều cường gây sạt lở sát mép tường nhà dân tại thôn Mỹ Quang Nam (xã An Chấn, huyện Tuy An) vào đầu tháng 1/2023. |
Báo động tình trạng sạt lở
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, tính đến tháng 12/2022, tỉnh này có đến 44 địa điểm bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài gần 90 km.
Trong đó, trên sông Ba, Kỳ Lộ, Bàn Thạch, sạt lở bờ sông diễn ra phức tạp với 17 điểm, tổng chiều dài hơn 65 km.
Sạt lở bờ biển cũng trong tình trạng đáng báo động khi có đến 19 điểm, khu vực với tổng chiều dài hơn 20 km.
Ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên thông tin, trong tháng 10/2022, trên địa bàn tỉnh có mưa to, lũ, ngập lụt, đã gây thiệt hại cho các công trình kè, kênh mương bị sạt lở, bồi lấp, trôi, hư hỏng với khối lượng 12.618 m3 đất, đá, bê tông các loại; diện tích bị mất, bong xô 50 m2; tổng thiệt hại 500 triệu đồng. Bờ biển, bờ sông, suối bị sạt lở với chiều dài sạt lở là 1.180 m; diện tích bị mất, cuốn trôi 6.740 m2; tổng thiệt hại hơn 1,22 tỷ đồng.
Cụ thể, tại huyện Tuy An, triều cường xâm lấn nhà dân, sóng biển làm sập tường rào, công trình phụ với chiều dài khoảng 120 m của thôn Giai Sơn (xã An Mỹ); thôn Mỹ Quang Bắc (xã An Chấn) thiên tai gây hư hỏng bờ biển với chiều dài sạt lở 483 m; thôn Mỹ Quang Nam (xã An Chấn) triều cường xâm thực, uy hiếp nhà dân khoảng 46 hộ, với chiều dài khoảng 500 m.
Tương tự, tại TP. Tuy Hòa, sóng biển lớn làm sạt lở hoàn toàn bờ hữu sông Ba (đoạn từ cầu Hùng Vương đến cầu Đà Rằng) với chiều dài khoảng 70 m. Nước lũ sông Ba chảy siết làm sạt lở kè bờ hữu sông Ba, đoạn từ cầu Hùng Vương đến cửa Đà Diễn với tổng chiều dài 103,5 m.
Tại thị xã Đông Hòa cũng xảy ra sạt lở mái taluy bờ phía Bắc của Khu tái định cư thôn Hảo Sơn Nam, nguyên nhân do lũ lụt từ suối Đập Hàn chảy siết gây hư hỏng với chiều dài 30 m.
Để khắc phục, UBND tỉnh Phú Yên kiến nghị Trung ương hỗ trợ 145 tỷ đồng đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu kè biển, kè sông tại các địa phương trên.
Đến tháng 12/2022, tỉnh Phú Yên tuy không có công trình kè nào bị hư hại, nhưng mưa lớn, lũ, ngập lụt diễn ra chưa đầy 1 tuần đã khiến bờ biển, bờ sông, suối sạt lở với chiều dài 410 m; khối lượng đất sạt lở, bồi lấp 1.730 m3; tổng thiệt hại hơn 214
triệu đồng.
Cũng thời gian này, tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Phú Yên khóa VIII, cử tri huyện Sông Hinh phản ánh, thời gian gần đây, bờ sông Ba qua các xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây và Sơn Giang cũng bị sạt lở nghiêm trọng, đề nghị xây kè bảo vệ.
UBND tỉnh Phú Yên ghi nhận đề nghị này và cho biết, chiều dài sạt lở có mức độ nguy hiểm, ảnh hưởng đến người dân qua 3 xã là gần 18 km. Với tổng vốn đầu tư xây dựng kè ở một số vị trí trọng yếu phải cần khoảng 410 tỷ đồng, nhưng nguồn ngân sách địa phương hạn chế, nên tỉnh kiến nghị Trung ương phân bổ kinh phí để đầu tư trong thời gian tới.
Cấp bách nhưng triển khai “rùa bò”
Thời gian qua, UBND tỉnh Phú Yên đã thực hiện nhiều dự án kè biển, kè sông với kỳ vọng công trình hoàn thành sẽ phát huy hiệu quả đầu tư, khắc phục được tình trạng nêu trên. Đồng thời, dự án sẽ giúp người dân an tâm sinh sống, bám biển, tạo cảnh quan môi trường, phát triển du lịch; thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực thủy sản, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Đặng Khoa Đãm, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên cho hay, đơn vị đang được giao làm nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án đầu tư công về kè biển, kè sông.
Theo đó, hiện Ban Quản lý đang làm chủ đầu tư và triển khai thực hiện 54 dự án, tổ chức lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư xây dựng 16 dự án; đã tổ chức hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư 10 dự án; đang triển khai thi công xây dựng 28 dự án.
Về tiến độ cụ thể của các dự án này, ông Đãm cho biết, dù số lượng công trình tương đối nhiều, nhưng về tổng thể, tình hình thực hiện các dự án đã cơ bản đảm bảo tiến độ.
Tuy nhiên, ông Đãm thừa nhận: “Quá trình thực hiện các dự án gặp không ít khó khăn, vướng mắc như giải phóng mặt bằng, kế hoạch vốn được giao, nguồn vật liệu đất, cát phục vụ dự án, giá cả vật tư tăng cao, thời tiết thay đổi do biến đổi khí hậu... Những điều này đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các công trình, gây khó khăn cho thực hiện dự án theo kế hoạch đề ra”.
Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên cho rằng, thời gian qua, mặc dù địa phương đã có nhiều cố gắng, nhưng giải phóng mặt bằng vẫn là khâu kém, chưa kịp thời bàn giao mặt bằng để triển khai thực hiện các dự án, dẫn đến có nhiều dự án kéo dài, dậm chân tại chỗ trong nhiều năm.
“Khó khăn lớn trong công tác giải phóng mặt bằng là do việc quản lý đất đai trong thời gian trước đây chưa chặt chẽ, dẫn đến việc quy chủ, xác định nguồn gốc đất rất khó khăn. Công tác xác định giá đất, giá cây trồng, thủ tục qua nhiều bước nên kéo dài thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng”, ông Đãm lý giải thêm.
Chỉ trong 2 ngày, 20 và 28/12/2022, ông Lê Tấn Hổ đã phải ký 6 quyết định phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện các dự án liên quan đến kè biển, kè sông. Nội dung các quyết định này điều chỉnh thời gian kết thúc dự án sang năm 2023, thay vì trong năm 2022 như ghi tại quyết định chủ trương đầu tư.
Đáng lưu ý, có đến 5 dự án bị chậm tiến độ đều có nguyên nhân liên quan đến vướng mặt bằng, riêng TP. Tuy Hòa chiếm tới 3 dự án.
Tại TP. Tuy Hòa, các dự án được điều chỉnh gồm Dự án Kè chống sạt lở, bồi lấp cửa biển Đà Diễn (phê duyệt ngày 26/10/2018) có tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, tổng chiều dài 2,087 km; Dự án Cấp bách kè biển Xóm Rớ và khu vực sạt lở xã An Phú (12/5/2021) có tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng, tổng chiều dài gồm nâng cấp, xây dựng mới là 1,062 km; Dự án Kè chống sạt lở bờ tả sông Ba kết hợp với phát triển hạ tầng đô thị đoạn từ cầu Đà Rằng mới đến cầu Đà Rằng cũ, có tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, trong đó hệ thống kè dài 2,248 km.
Ngoài ra, Dự án Kè biển Xuân Hải (xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu) được phê duyệt ngày 26/11/2009; Dự án Kè chống xói lở bờ sông Ba, đoạn qua thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa được phê duyệt ngày 3/9/2020 (dài 3,3 km).
Riêng tại huyện Tuy An, Dự án Kè chống xói lở bờ biển khu vực xã An Hòa Hải (được phê duyệt ngày 30/12/2020) mặc dù không vướng mặt bằng, nhưng do ảnh hưởng của thời tiết, khu vực dự án thường xuyên chịu tác động của triều cường kết hợp sóng lớn. Cuối cùng, dự án này cũng phải dời thời gian hoàn thành sang năm 2023.
Tích cực đẩy nhanh tiến độ
Để đảm bảo tiến độ, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên cho biết, sẽ tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao cho các đơn vị thi công.
Bên cạnh đó, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị thi công để đẩy nhanh tiến độ theo kế hoạch đề ra; tổ chức đánh giá tiến độ thực hiện hàng tuần, tháng, quý để kịp thời có giải pháp xử lý; tập trung chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch.
Đối với nhà thầu, nếu không đủ năng lực, không đáp ứng tiến độ, chủ đầu tư (Ban Quản lý) sẽ điều chỉnh khối lượng thực hiện giữa các nhà thầu, nhà thầu thực hiện tốt đảm nhận công việc của nhà thầu thực hiện chưa tốt; bổ sung nhà thầu phụ có năng lực tốt để thực hiện.
“Trường hợp cần thiết, Ban Quản lý sẽ tiến hành xem xét, báo cáo người có thẩm quyền quyết định cho phép chấm dứt hợp đồng với nhà thầu; đồng thời kiến nghị hoặc cấm tham gia thực hiện các gói thầu khác theo thẩm quyền”, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên nhấn mạnh.
Trước tình trạng lũ trên sông Ba gây ra ngập lụt và xói lở hai bên bờ sông, làm mất nhà cửa và ruộng vườn của người dân, đặc biệt là đoạn qua khu vực thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) đang chịu ảnh hưởng nặng nề, HĐND tỉnh Phú Yên đã có chủ trương đầu tư Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Ba khu vực thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa), khu vực thôn Phú Sen (huyện Phú Hòa) và khu vực phường 6 (TP. Tuy Hòa).
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 700 tỷ đồng. Do kinh phí Trung ương chỉ bố trí 180 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn ngân sách tỉnh gặp khó khăn không đủ để bố trí đầu tư cho cả 3 đoạn kè, nên trước mắt, tỉnh Phú Yên đầu tư đoạn kè chống xói lở bờ sông Ba tại khu vực thị trấn Củng Sơn, với chiều dài 3,125 km, vốn đầu tư là 245 tỷ đồng.
Tính đến ngày 6/1/2023, Dự án chỉ mới dừng ở phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, sau khi đã có Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và Báo cáo đánh giá tác động môi trường vào cuối tháng 12/2022.
Tương tự, Dự án Xây dựng một số đoạn kè chống xói lở bờ hữu sông Bàn Thạch kết hợp với đường giao thông, đoạn từ cầu Bàn Thạch đi cầu Bến Lớn (thị xã Đông Hòa) có chiều dài 2 km; tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Dự án có chủ trương đầu tư từ ngày 11/8/2021, song đến ngày 10/11/2022 chỉ mới dừng lại ở việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (đợt 1).
Trong khi chờ các dự án đang thi công hoàn thành cũng như các dự án mới được phê duyệt triển khai, thì đầu tháng 1/2023, triều cường tiếp tục xâm thực, uy hiếp đến 2 khu dân cư tại huyện Tuy An. Trong đó, thôn Mỹ Quang Nam (xã An Chấn) có 10 hộ dân bị ảnh hưởng nặng nhất.
Giấc ngủ của nhiều người dân nơi đây lại “chập chờn” theo con sóng vỗ. 300 bao cát đắp tạm không đủ sức chống chọi với sự giận dữ của biển cả, thậm chí qua một đêm, mọi thứ có thể bị cuốn ra biển. Một cái Tết đang đến gần, trong khi nỗi lo âu vẫn thường trực.