Ngân hàng - Bảo hiểm
Các nhà băng khởi động mùa đại hội “sóng gió”
Trần Mạnh - 06/03/2017 08:07
Mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) ngân hàng năm nay dự báo sẽ nóng hơn nhiều so với năm 2016. Ngoài những xáo trộn về nhân sự cấp cao, những thương vụ mua bán - sáp nhập mới cũng sẽ được hé lộ cùng áp lực tăng vốn và xử lý ngân hàng yếu kém.

Rầm rộ lên lịch ĐHĐCĐ

Cho đến thời điểm này, nhiều ngân hàng như Vietcombank, SCB, ACB, Sacombank… đã công bố lịch ĐHĐCĐ năm 2017. Theo thông báo của Vietcombank, ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 của ngân hàng này diễn ra vào ngày 28/4 tại Hà Nội.

Tăng vốn là một trong những nội dung được đưa ra để bàn thảo. Tuy phương án cụ thể chưa được Vietcombank công bố, song theo phán đoán của nhà đầu tư, khả năng Vietcombank có thể tăng vốn bằng nhiều cách như: chia cổ tức bằng cổ phiếu, bán vốn cho đối tác ngoại hay sáp nhập ngân hàng yếu kém. 

ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 của Vietcombank sẽ diễn ra vào ngày 28/4 tại Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh

Năm ngoái, Vietcombank đã đàm phán bán 7,7% cổ phần cho đối tác nước ngoài là Quỹ đầu tư GIC (Singapore), song giá cổ phiếu Vietcombank quá cao khiến thương vụ này chưa được hiện thực hóa.

Khả năng Vietcombank “gánh vác” một ngân hàng yếu kém cũng đang được bỏ ngỏ và có thể được làm rõ hơn trong ĐHĐCĐ năm nay. Hiện Vietcombank đã đăng ký với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hỗ trợ một ngân hàng yếu kém và sẽ bắt tay thực hiện tái cơ cấu ngân hàng này sau khi được Chính phủ phê duyệt.

Cũng giống Vietcombank, ĐHĐCĐ VietinBank năm nay sẽ nóng với chất vấn của cổ đông về phương án tăng vốn, khi hệ số an toàn vốn (CAR) rất thấp. Bên cạnh đó, thương vụ sáp nhập PGBank đang là dấu hỏi khi đã qua 2 mùa ĐHĐCĐ mà vẫn lỡ hẹn.

Ngoài hai ông lớn trên, ĐHĐCĐ của những ngân hàng trong “trọng tâm tái cơ cấu năm 2017” sẽ nằm trong tầm ngắm của dư luận, đặc biệt là Sacombank và Dong ABank. Hiện Sacombank đã thông báo tổ chức ĐHĐCĐ vào ngày 28/4. Là ĐHĐCĐ đầu tiên sau khi cha con ông Trầm Bê chấm dứt vai trò của mình tại Ngân hàng, Sacombank sẽ tập trung vào kiện toàn bộ máy quản trị, điều hành. Trong khi đó, DongABank chưa thông báo lịch ĐHĐCĐ sau khi cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng này là ông Trần Phương Bình bị bắt tạm giam vào cuối năm ngoái để phục vụ công tác điều tra.

Dù không nằm trong 5 ngân hàng phải tập trung tái cơ cấu năm 2017, song ĐHĐCĐ Eximbank năm nay (diễn ra ngày 21/4) cũng sẽ rất được dư luận quan tâm. Bởi như mọi lần, bên cạnh nợ xấu, vấn đề nhân sự của ngân hàng này rất phức tạp.

Cổ đông sẽ “nhịn” cổ tức tiền mặt

Ngoài những vấn đề nóng như tăng vốn, tái cơ cấu, bầu nhân sự cấp cao…, thì cổ tức cũng là vấn đề được cổ đông quan tâm nhất tại mùa ĐHĐCĐ năm nay. Còn nhớ, năm ngoái, BIDV và VietinBank đã xin Bộ Tài chính trả cổ tức bằng cổ phiếu. Phương án này cuối cùng bị bác, song nhiều khả năng, bắt đầu từ năm nay, cổ đông BIDV, VietinBank và cả Vietcombank sẽ phải “nhịn” cổ tức tiền mặt do áp lực tăng vốn để đáp ứng yêu cầu của Basel II.

Tỷ lệ sinh lời của các ngân hàng Việt Nam rất thấp so với thế giới

Tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của toàn bộ khối ngân hàng cổ phần chỉ đạt 3,49%

Tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) là 0,26%.

Lợi nhuận thấp, lại phải trích lập lớn cho dự phòng rủi ro, khiến ngân hàng khó chia lợi nhuận bằng tiền mặt.

Nguồn: Thống kê của NHNN cập nhật đến quý III/2016

Theo nguồn tin từ NHNN, cơ quan này đã xin phép Chính phủ cơ chế cho phép các ngân hàng TMCP có vốn nhà nước được giữ lại phần lợi nhuận để tăng vốn. Nhiều khả năng, đề xuất này sẽ được Chính phủ thông qua.

Thực tế, không chỉ các ông lớn năm nay tìm cách “né” trả cổ tức bằng tiền mặt, mà từ nhiều năm qua, nhà đầu tư hiếm khi nhận được cổ tức tiền mặt của các ngân hàng. Có thể điểm danh nhiều ngân hàng cho cổ đông “nhịn” cổ tức tiền mặt nhiều năm như: MB, MSB, SCB, NCB, VietABank, OCB, BacABank, NamABank, Techcombank…

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc ngân hàng muốn giữ lại cổ tức để tăng vốn là bình thường. Với ngân hàng tốt, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu cũng có lợi cho nhà đầu tư, bởi sẽ làm khối tài sản tăng lên. Tuy nhiên, ở Việt Nam, niềm tin của nhà đầu tư với tương lai của một số ngân hàng không lớn, do đó họ luôn có tâm lý được trả cổ tức bằng tiền mặt. Đây cũng là vấn đề thường được cổ đông đem ra chất vấn mỗi kỳ ĐHĐCĐ.

Tin liên quan
Tin khác