Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Social Media Week) |
Facebook, YouTube và Twitter ngày 23/9 đã đạt được thỏa thuận với các nhà quảng cáo chủ chốt liên quan những nội dung độc hại trong các thông tin và video đăng tải trên những nền tảng trực tuyến này, trong đó đưa ra những nhượng bộ nhằm hàn gắn mối quan hệ đã bị rạn nứt sau chiến dịch tẩy chay các nền tảng truyền thông xã hội hồi tháng 7 vừa qua.
Đạt được sau các cuộc thương lượng thông qua Liên đoàn các nhà quảng cáo thế giới, thỏa thuận trên lần đầu tiên thiết lập các định nghĩa chung về nội dung như ngôn từ kích động thù địch và gây hấn; thiết lập tiêu chuẩn báo cáo các nội dung độc hại trên các nền tảng trực tuyến; đồng thời trao quyền cho các giám sát viên bên ngoài hệ thống. Thỏa thuận này sẽ được áp dụng bắt đầu từ nửa cuối năm 2021.
Kể từ khi các cuộc đàm phán giữa hai bên bắt đầu vào năm ngoái, một trong những vấn đề khó khăn nhất cần thương lượng là xác định nội dung không mong muốn. Thỏa thuận trên xác định 11 danh mục thông tin độc hại cần được xóa khỏi nền tảng sau khi bị phát hiện, trong đó bao gồm các nội dung khiêu dâm, thô tục hay sử dụng ma túy bất hợp pháp. Dựa theo tính chất rủi ro của vấn đề, thỏa thuận trên cũng thiết lập giới hạn cho phép khi đề cập các chủ đề như vũ khí và đạn dược.
Các nhà quảng cáo như Unilever và Mars cho biết những cam kết được nêu trong thỏa thuận trên cũng bao gồm việc phát triển các công cụ mới để tạo cho các doanh nghiệp nhiều quyền kiểm soát hơn đối với vị trí đặt quảng cáo, và điều này đã mang lại cho các doanh nghiệp sự tự tin để chi tiền trở lại cho việc quảng cáo trên các nền tảng trực tuyến này.
Phát biểu với báo giới, bà Jane Wakely - Giám đốc tiếp thị cấp cao của Mars - cho biết ngành công nghiệp quảng cáo "không tuyên bố chiến thắng" cho đến khi các giải pháp được thực hiện, nhưng thừa nhận thỏa thuận nói trên là "dấu mốc quan trọng trong việc tạo dựng lại niềm tin."
Sau nhiều năm bày tỏ quan ngại với Facebook, Google và Twitter, các nhà quảng cáo đã thành lập Liên minh toàn cầu về truyền thông trách nhiệm vào năm 2019 để đàm phán với các nền tảng trực tuyến này. Những cuộc thảo luận giữa các bên đã tăng tốc vào mùa Hè năm nay sau khi hơn 1.000 thương hiệu cắt giảm chi tiêu cho quảng cáo, chủ yếu là trên mạng xã hội Facebook và ứng dụng Instagram.
Tuy chỉ là một đòn đánh tài chính ở mức độ khiêm tốn, nhưng chiến dịch tẩy chay nói trên đã gây ra thiệt hại nặng nề cho danh tiếng của các nền tảng này và gia tăng đáng kể sự giám sát của công chúng đối với các hoạt động của các nền tảng nêu trên trong một năm bầu cử đầy biến động ở Mỹ./.