Bà Cao Thị Ngọc Quỳnh, Giám đốc phụ trách dịch vụ ngân hàng đầu tư (Công ty Chứng khoán SSI) |
Với bối cảnh thị trường hiện nay, thương vụ của các PE gặp thách thức gì, thưa bà?
Để có thể tăng khả năng thành công, các PE phải đáp ứng được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong giai đoạn này, bởi nhu cầu tìm kiếm thương vụ là có. Nhưng, định giá là vấn đề muôn thuở trong các giao dịch M&A, hiện vẫn có độ vênh giữa giữa bên mua và bên bán.
Để có thể vượt qua giai đoạn này, các đơn vị tư vấn phải giúp các bên hiểu rõ, thời gian hoàn thành thương vụ bây giờ kéo dài hơn trước, thay vì 6 tháng, thì có thể là 12 tháng. Đồng thời, cần có sự nhượng bộ nhất định giữa các bên.
Một điều quan trọng không kém là cần mở rộng tệp nhà đầu tư hơn, thay vì tập trung vào những nhà đầu tư truyền thống trong khu vực như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Tuy nhiên, vẫn phải quay lại vấn đề tìm điểm chung giữa các bên, đó là định giá.
Bà có thể chia sẻ rõ hơn về định giá thương vụ trong vài năm qua?
Trong năm 2020-2021, các nhà tư vấn, người kinh doanh có thể dễ dàng đẩy một thương vụ có định giá EV/EBITDA 18 - 20 lần, nhưng hiện tại, chỉ chào thương vụ 12-15 lần đã gặp vô vàn câu hỏi và quá trình làm việc kéo rất dài.
Tác động chung từ vĩ mô, từ nền kinh tế tới doanh nghiệp thể hiện bức tranh lợi nhuận tụt giảm cũng kéo định giá giảm theo. Cả bên mua và bán đều chờ đợi, chưa đi đến vùng tiệm cận, bởi vậy số lượng giao dịch khớp trong 2 năm qua không nhiều.
Luôn có kỳ vọng khác nhau về định giá giữa bên mua và bên bán, vậy trong giai đoạn hiện nay, yếu tố chính nào tác động đến sự chênh lệch này?
Với nhiều biến động khó lường trong vài năm qua, cộng thêm việc không gặp nhau về “định giá” đã khiến quá trình giao dịch từ khâu tiếp nhận nhu cầu, đến khi chốt có thể mất 18 tháng.
Với các doanh nghiệp PE, có 2 nhóm sở hữu là sáng lập/chủ sở hữu và các cổ đông từ giai đoạn trước. Với các nhà sáng lập, họ luôn neo mức định giá ở giai đoạn trước năm 2021, vẫn kỳ vọng có thể bán được ở vùng định giá này. Nhưng thực tại, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp giảm, ảnh hưởng nhiều đến định giá của bên mua.
Còn với nhóm cổ đông giai đoạn trước (gồm cả các quỹ PE), họ cũng không muốn thoái vùng giá thấp dù thừa nhận rằng, hiện tại không phải là thời điểm tốt, nhưng “cửa ra” cũng chỉ có thể lựa chọn thời gian này, vì nếu chờ đến năm 2025 thì sẽ sang một chu kỳ đầu tư mới của các quỹ PE. Khi đó, họ cần hiện thực hóa lợi nhuận, chuẩn bị nguồn vốn.
“Chênh lệch” trong giai đoạn này chủ yếu do bên bán cho rằng, rủi ro hiện tại là ngắn hạn, trong khi bên mua cho đây là rủi ro dài hạn.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cao ảnh hưởng đến chi phí vốn của nhà đầu tư, nên họ cũng không muốn giải ngân khi không thấy được sự chắc chắn về lợi nhuận. Thực tế, lãi suất cao làm nhiều biến số trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhưng lớn nhất là chi phí huy động và hoạt động.
Giải pháp để chốt giao dịch chỉ có thể là nhà đầu tư muốn thoái vốn quyết định bán lại cho ban lãnh đạo hiện tại, hoặc chấp nhận tính lại giá trị theo tình hình thực tế doanh nghiệp.
Lãi suất của Mỹ hiện mới chững, chứ chưa thể quay đầu giảm. Điều này định hình xu hướng dòng vốn M&A vào Việt Nam ra sao, thưa bà?
Nhà đầu tư nhìn nhận, từ nay đến giữa năm 2024 sẽ không có gì đột biến, nên đều ở trạng thái chờ đợi, quan sát. Với các doanh nghiệp Việt Nam, họ cũng không thể đẩy nhanh quá trình, mà cần thời gian để hồi phục và có hiệu quả kinh doanh trở lại. Khi đó mới kỳ vọng nhà đầu tư quay lại và xem xét giao dịch.
Nửa cuối năm 2024, kinh tế thế giới được kỳ vọng ổn định hơn, riêng Việt Nam cũng mong đợi các động thái về mặt chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế, từ đó giúp doanh nghiệp có bức tranh kinh doanh sáng sủa hơn. Khi có các con số rõ ràng, sẽ có sự chuyển động tích cực hơn về số thương vụ vào cuối năm 2024 - đầu năm 2025. Bản thân doanh nghiệp cũng xác định khung thời gian này.
Doanh nghiệp muốn IPO phải có 2 năm có lãi, nên năm 2024 là năm nỗ lực và nếu tích cực, từ cuối năm 2025, có thể bùng nổ hơn các vụ IPO. Đó cũng là lý do tôi nói rằng, cuối năm 2025 bắt đầu chu kỳ đầu tư mới của các quỹ đầu tư PE.