Gia tăng hoạt động xúc tiến thương mại
Ngày 16/7, Cơ quan Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) trực thuộc Bộ Thương mại - Công nghiệp - Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) tổ chức sự kiện “Tuần lễ Quan hệ đối tác tăng cường Việt - Hàn 2024” (2024 Vietnam - Korea Plus Partnership Week) tại TP.HCM.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã được nâng cấp thành quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” sau tuyên bố của lãnh đạo cấp cao hai nước trong chuyến viếng thăm cấp nhà nước đến Hàn Quốc của Chủ tịch nước Việt Nam vào tháng 12/2022.
Tuần lễ Quan hệ đối tác tăng cường Việt - Hàn 2024. |
Với chủ đề về các ngành công nghiệp thông minh và thân thiện với môi trường như: Năng lượng và môi trường, y tế và chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp thông minh… KOTRA hướng tới đặt nền móng cho hợp tác kinh tế “cộng” Việt Nam – Hàn Quốc triển vọng tương lai.
Ông Lee Ji Hyung, Giám đốc phụ trách hợp tác kinh tế thương mại của KOTRA cho biết, Tuần lễ Quan hệ đối tác tăng cường Việt - Hàn năm nay tập trung vào những hoạt động chính như: Kết nối giao thương B2B với doanh nghiệp Hàn Quốc trong ngành công nghiệp thông minh; hội nghị giới thiệu dự án triển vọng ODA (Hỗ trợ phát triển chính thức) và PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công - tư) tại khu vực phía Nam…
Trong đó, hoạt động kết nối giao thương B2B trong ngành công nghiệp thông minh thu hút sự tham gia của hơn 70 doanh nghiệp Hàn Quốc và khoảng 150 doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, có cả các doanh nghiệp Việt Nam đến từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Trong ngày mai, ngày 17/7, Hội nghị giới thiệu các dự án ODA và PPP khu vực phía Nam cũng được tổ chức. Theo đó, sẽ có 6 chủ đầu tư dự án là các cơ quan, tổ chức nhà nước có trụ sở tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam sẽ giới thiệu hàng chục dự án mà các nhà thầu, các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm.
Sự kiện này thu hút khoảng 40 doanh nghiệp Hàn Quốc, trong đó có các tên tuổi lớn như Dohwa Engineering, Hyundai E&C, Kumho E&C, Posco E&C, Samsung (Samsung SDS, Samsung E&A), Taihan Cable & Solution…
Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư
Hiện nay, Việt Nam và Hàn Quốc đã có nhiều cơ chế, khuôn khổ hợp tác tương đối đa dạng, bao gồm cả hợp tác đa ngành và chuyên ngành, đa phương và song phương, ở nhiều cấp độ khác nhau.
Có thể kể đến là Diễn đàn Hợp tác Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Cấp cao Á - Âu (ASEM), cơ chế hợp tác Mekong - Hàn Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN+3, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Đối thoại chiến lược Ngoại giao - An ninh - Quốc phòng cấp Thứ trưởng, Đối thoại an ninh Việt - Hàn cấp Thứ trưởng, Đối thoại Quốc phòng Việt - Hàn cấp Thứ trưởng …
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ tại 2024 Vietnam - Korea Plus Partnership Week. |
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thông tin, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư đóng vai trò trụ cột trong quan hệ hai nước. Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí đối tác số 1 của Việt Nam về đầu tư trực tiếp nước ngoài; đứng thứ 2 trong vai trò nhà tài trợ ODA song phương cho Việt Nam; và đứng thứ 3 về trao đổi mậu dịch hai chiều với Việt Nam.
Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 6/2024, tổng đầu tư trực tiếp từ Hàn Quốc vào Việt Nam đạt gần 87,5 tỷ USD với hơn 10.000 dự án đầu tư. Trong đó, đầu tư vào công nghiệp chế biến chế tạo chiếm gần 3/4 tổng vốn đăng ký và gần 1/2 tổng số dự án.
Về hợp tác phát triển (ODA), Việt Nam tiếp tục là đối tác ưu tiên hàng đầu mà Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ phát triển, chiếm khoảng 20% tổng viện trợ của Hàn Quốc. Những lĩnh vực ưu tiên nhận ODA của Hàn Quốc là hạ tầng giao thông đô thị, giáo dục - đào tạo, môi trường, năng lượng sạch, công nghệ thông tin…
Tháng 6/2023, hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2023-2030 trị giá 2 tỷ USD để triển khai các dự án phát triển có quy mô lớn trong lĩnh vực giao thông, hạ tầng đô thị Việt Nam. Tính đến hết năm 2023, viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc dành cho Việt Nam thông qua KOICA – Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc, đạt khoảng 600 triệu USD và viện trợ vốn vay ưu đãi thông qua EDCF – Quỹ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Hàn Quốc, đạt gần 2,6 tỷ USD.
Về kim ngạch thương mại, trao đổi mậu dịch song phương đã tăng trưởng ngoạn mục từ con số khiêm tốn 500 triệu USD vào năm đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao, lên đến 87 tỷ USD năm 2022 và 76 tỷ USD năm 2023. Riêng 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 39 tỷ USD. Hai nước đang hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch 150 tỷ USD vào năm 2030.
Ngoài ra, Hàn Quốc đã vượt qua Trung Quốc để vươn lên vị trí số 1 về số lượng khách đến Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19 từ 2022 đến nay, và đứng thứ 3 về thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam.
“Do đó, để thu hút dòng vốn FDI, Việt Nam nhiều năm qua kiên trì ổn định, phát triển kinh tế vĩ mô; liên tục có những cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, đầu tư cơ sở hạ tầng… Đồng thời, Việt Nam cũng ưu tiên đầu tư nước ngoài có liên kết với các doanh nghiệp trong nước để tạo sự bổ trợ lẫn nhau trong thời gian tới”, ông Đỗ Nhất Hoàng chia sẻ.
Giai đoạn tới, Việt Nam sẽ ưu tiên các nhóm ngành để thu hút đầu tư như điện tử, bán dẫn, năng lượng tái tạo, kinh tế số - chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển…