Đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ dẫn đầu, cùng lãnh đạo Vụ KHCN, Cục QLXD&CLCTGT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban QLDA 85 (Bộ GTVT) vừa thực hiện kiểm tra công trường hầm Hải Vân 2, vết nứt sơn vỏ hầm Hải Vân 1.
Đoàn công tác Bộ GTVT do Thứ trưởng Lê Đình Thọ kiểm tra tiến độ thi công mở rộng hầm Hải Vân 2 |
Theo báo cáo của Vụ KHCN (Bộ GTVT), các vết nứt vỏ hầm Hải Vân 1 có từ trước khi thi công mở rộng hầm Hải Vân 2, tổng số vết nứt được ghi nhận là 321 vết; 8 vết nứt có trạng thái bất lợi đã được Bộ GTVT cho phép sửa chữa. Các vết nứt còn lại được quan trắc, theo dõi.
PGS.TS Hoàng Hà đánh giá, các vết nứt hiện nay không phát triển so với thời điểm tháng 1/2016. Điều này thể hiện thông qua: Các thông số về độ rộng, chiều dài của vết nứt không biến động. Vết nứt được gắn các tấm thạch cao nhỏ, nếu các tấm thạch cao bị nứt vỡ, chứng tỏ vết nứt phát triển; tuy nhiên, hiện các tấm thạch cao không bị nứt, vỡ.
Lý giải về hình ảnh các vết nứt lan rộng mà các cơ quan báo chí ghi lại, PGS.TS Hoàng Hà cho hay: Lớp vỏ hầm hiện được phủ lớp sơn epoxy từ năm 2005. Qua 13 năm sử dụng, lớp sơn này đã lão hóa (thời hạn sử dụng lớp sơn này theo tiêu chuẩn kỹ thuật là 5 – 7 năm), đặc biệt tại các vết nứt.
Ngoài ra, do công tác vệ sinh, rửa vỏ hầm bằng nước đã làm các vết bong tróc sơn lan rộng. “Các vết nứt không phát triển nhưng hiện tượng bong tróc sơn khiến cho cảm quan vết nứt phát triển, dẫn đến lo ngại về an toàn của hầm. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định vết nứt đang được kiểm soát chặt chẽ, chưa có hiện tượng phát triển, không xảy ra nguy cơ mất an toàn”.
PGS.TS Hoàng Hà cũng cho biết, các vết nứt chỉ tồn tại ở lớp vỏ hầm và lớp vỏ hầm này không có tác dụng chịu lực (bộ phận chịu lực là kết cấu neo và bê tông phun phía trong). Về ảnh hưởng của việc nổ mìn thi công hầm Hải Vân 2, lãnh đạo Vụ KHCN cho biết đã làm việc với tư vấn của Hiệp hội Nổ mìn Việt Nam, tư vấn giám sát Cộng hòa liên bang Đức khẳng định biện pháp thi công đảm bảo an toàn cho hầm Hải Vân 1.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ quan sát độ sâu của vết nứt vỏ hầm Hải Vân 1 bằng kính lúp |
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã chỉ đạo như sau: Dù các vết nứt chưa có dấu hiệu phát triển nhưng nhà đầu tư cần lập tổ công tác, tiếp tục thường xuyên kiểm tra đánh giá các vết nứt. Khi có hiện tượng bất thường phải báo cáo Bộ GTVT. Thứ trưởng GTVT cũng yêu cầu lập tổ công tác giám sát độc lập thuộc Bộ GTVT giám sát, hỗ trợ nhà đầu tư.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá: Chủ đầu tư đã nghiêm túc tuân thủ quy trình quản lý giám sát vết nứt do Bộ GTVT yêu cầu trước khi bắt đầu thi công và hiện đang thực hiện tốt yêu cầu này. Ngoài ra, Thứ trưởng biểu dương Chủ đầu tư (Công ty CPĐT Đèo Cả), Nhà thầu thi công (Tập đoàn ĐTXD cầu đường Sài Gòn), tư vấn giám sát tổ chức công trình khoa học, chuyên nghiệp; đến nay đã thi công được gần 1.300 mét hầm (hơn 20% tổng chiều dài hầm); đề nghị phấn đấu sớm đưa dự án vào vận hành, khai thác vào cuối năm 2020, trước tiến độ đặt ra 6 tháng.
Trước đó, sáng 25/10 Công ty CPĐT Đèo Cả đã có buổi gặp gỡ báo chí tại Hà Nội để làm rõ thêm các thông tin về các vết nứt tại hầm Hải Vân 1 mà báo chí đã đưa tin thời gian vừa qua. Tham dự buổi gặp gỡ có GS.TS Trần Chủng – Nguyên Cục trưởng Cục giám định nhà nước và ông Lê Quỳnh Mai, PTGĐ Công ty.
Tại buổi trao đổi này đã làm rõ việc các vết nứt hình thành là do đặc tính của bê tông vỏ hầm, không phải do nguyên nhân tác động bên ngoài và các vết nứt không gây nguy hiểm cho kết cấu, đảm bảo sử dụng an toàn công trình.