Mô hình liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị đầu tiên của Việt Nam
Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) được thành lập năm 1996, đã phát triển và mở rộng nhanh chóng. Là nhà phát triển công nghiệp hàng đầu Việt Nam và đang vận hành bảy dự án hiện đại trên cả nước. VSIP được xem là một trong những biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác kinh tế tốt đẹp của Việt Nam và Singapore.
Trong hơn hai thập kỷ qua, VSIP cũng thành công khi tạo ra những tác động tích cực cho xã hội, cải thiện cuộc sống của người dân địa phương, tạo ra hơn 174.000 việc làm trong lĩnh vực công nghiệp dịch vụ, từ đó giúp gia tăng tỷ lệ tầng lớp trung lưu tại Việt Nam.
Đại diện lãnh đạo Chính phủ hai nước cùng lãnh đạo địa phương, Ban Giám đốc VSIP chúc mừng kỷ niệm 20 năm thành lập VSIP và ra mắt logo mới của VSIP. |
Phát biểu tại lễ kỷ niệm tổ chức tại Bình Dương, ông Trương Hòa Bình, Phó thủ tướng Chính phủ Việt Nam khẳng định, việc lãnh đạo cấp cao hai nước cùng hiện diện tại buổi lễ trọng thể này, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Việt Nam và Singapore đối với Khu công nghiệp VSIP nói riêng, cũng như đối với quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước nói chung. Điều này cũng chứng tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng cao của chúng ta đối với thành công trong tương lai của VSIP tại Việt Nam.
Singapore hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai tại Việt Nam, với số vốn gần 38 tỷ USD và hơn 1.600 dự án khác nhau. Các dự án đầu tư của Singapore hoạt động hiệu quả, trải rộng trên khắp các tỉnh thành và có mặt hầu hết ở các ngành kinh tế của Việt Nam, từ thăm dò dầu khí, sản xuất công nghiệp tới chế biến nông lâm hải sản, đặc biệt tập trung nhiều trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, dịch vụ và kinh doanh bất động sản; đóng góp tích cực vào việc tạo công ăn việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Mối quan hệ kinh tế thương mại - đầu tư tốt đẹp giữa Việt Nam và Singapore được ghi dấu bằng biểu tượng VSIP - một thương hiệu với bề dày 20 năm hình thành,phát triển.
Vận dụng kinh nghiệm quản trị quốc tế và phương thức vận hành hiệu quả từ Singapore, VSIP là một trong những đơn vị đầu tiên có quy trình hành chính đơn giản và thuận tiện cho nhà đầu tư, cũng như mô hình khu liên hợp công nghiệp - đô thị và dịch vụ được quy hoạch tổng thể hiện đại. Được sự hỗ trợ của Chính phủ hai nước, liên doanh VSIP cũng tham gia phát triển kỹ năng cho lao động địa phương thông qua Trung tâm Đào tạo Kỹ thuật Việt Nam - Singapore (VSTTC).
Một trong những điển hình thành công nhất của VSIP là việc chuyển hóa tỉnh Bình Dương, nơi triển khai dự án VSIP 1 và 2, từ một tỉnh thuần nông trở thành đô thị công nghiệp điển hình của cả nước. Tính đến cuối năm 2015, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm tới 97% trong cơ cấu kinh tế của địa phương, biểu trưng cho sức phát triển vượt bậc và củng cố vị thế của Bình Dương là một trong các tỉnh vững mạnh hàng đầu Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hùng, Đồng Chủ tịch HĐQT VSIP, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Becamex IDC cho biết: “Dự án VSIP đi tiên phong về tư tưởng quản lý và tổ chức điều hành, vì đây là KCN đầu tiên có Ban quản lý riêng, vừa sâu sát, vừa kịp thời, vừa uyển chuyển để hỗ trợ giải quyết ngay những khó khăn của nhà đầu tư. VSIP đã vận dụng tốt những kinh nghiệm quý giá, của các đối tác Singapore trong hoạch định và thu hút đầu tư quốc tế, và cả đầu tư nội địa; đồng thời, VSIP đã xây dựng và triển khai rất sớm, một chiến lược tiếp thị quốc tế và đào tạo một đội ngũ cán bộ năng động đi đến nhiều quốc gia mời gọi đầu tư. Nhờ đó, đến nay VSIP đã thu hút được 630 doanh nghiệp, với vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD, thuộc 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đến sản xuất - kinh doanh trong các KCN của VSIP”.
VSIP sẽ phát triển các trung tâm R&D cho Việt Nam
Chia sẻ về chiến lược phát triển sắp tới của VSIP tại Việt Nam, ông Kelvin Teo, đồng Chủ tịch HĐQT VSIP, Tổng giám đốc Điều hành Sembcorp Development cho biết: “Một câu hỏi đắt giá mà chúng tôi thường nhận được là "dự án VSIP tiếp theo sẽ tọa lạc ở đâu?" Tôi xin vui mừng thông báo rằng, chúng tôi đã ký hai biên bản ghi nhớ để tiếp tục mở rộng tại các tỉnh Bình Dương và Bắc Ninh. Hai dự án mở rộng này sẽ có thể tăng thêm khoảng 1.500 ha vào tổng diện tích 6.660 ha của bảy dự án VSIP hiện tại. Những dự án VSIP phát triển có thể được xem là mô hình “thành phố trong thành phố”, nơi có các tiện ích khép kín để phục vụ nhu cầu của các công ty hoạt động trong khu vực đó”.
Trả lời câu hỏi "VSIP còn có thể mang điều gì mới đến cho Việt Nam?”, ông Kelvin Teo cho biết, VSIP là một doanh nghiệp lấy khách hàng làm trọng tâm. VSIP luôn phục vụ nhu cầu của các khách hàng. Ngày nay, các tập đoàn kỳ vọng nhiều hơn ở các nhà máy chi nhánh nước ngoài của họ. Các nhà máy ngày nay ngoài chức năng sản xuất còn đảm nhiệm thêm nhiều chức năng cao hơn.
“Chúng tôi tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đảm đương những vai trò cao hơn chứ không đơn thuần chỉ là một địa chỉ nước ngoài cho các công ty đặt nhà máy sản xuất. Tuy vậy chúng tôi cũng rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, để giúp người lao động Việt Nam trang bị tốt nền tảng giáo dục và phát triển kỹ năng. Đồng thời, Sembcorp sẽ mang đến các công nghệ tiên tiến và giải pháp giúp đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam”, ông Kelvin Teo nhấn mạnh.
Như vậy, với kế hoạch mở rộng thêm khoảng 1.500 ha tại Bình Dương và Bắc Ninh, sẽ nâng tổng diện tích bảy dự án của VSIP lên 6.660 ha trải dài ở Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Hải Dương và Nghệ An. Trong buổi lễ, VSIP cũng chính thức giới thiệu logo mới, biểu trưng cho tinh thần hợp tác và sức mạnh của khát vọng chung của các đối tác. Đại diện lãnh đạo Chính phủ hai nước cùng lãnh đạo các địa phương, Ban Giám đốc VSIP nhấn nút chúc mừng kỷ niệm 20 năm thành lập VSIP và ra mắt logo mới của VSIP.
Ý kiến - Nhận định
VSIP gắn liền với công cuộc đổi mới và phát triển ở Việt Nam.
Ông Trương Hòa Bình, Phó thủ tướng Chính phủ Việt Nam
Trong 20 năm qua, các khu công nghiệp VSIP đã gắn liền với công cuộc đổi mới và phát triển ở Việt Nam, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của các địa phương và cả nước, thắt chặt quan hệ tin cậy, gắn bó giữa Việt Nam và Singapore.
Việt Nam đánh giá cao những đóng góp của các doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam và khẳng định sẽ giữ ổn định môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính có hiệu quả, hoàn thiện hệ thống luật pháp, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Singapore nói riêng vào đầu tư tại Việt Nam.
VSIP đặt “nền móng” cho làn sóng đầu tư vào Việt Nam.
Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương
VSIP đã tạo cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước được tiếp cận cơ sở hạ tầng khu công nghiệp hiện đại. VSIP đã góp phần tạo động lực to lớn và là nền tảng quan trọng để Bình Dương thu hút nguồn lực đầu tư trở thành một trong những tỉnh, thành có bước đột phá mạnh mẽ, đạt được những thành tựu quan trọng trong quá trình công nghiệp và hiện đại hóa.n
VSIP là nơi tiên phong thử nghiệm công nghệ cao cho Việt Nam.
Ông Teo Chee Hean, Phó Thủ tướng Cộng hòa Singapore
Sự thành công của VSIP đầu tiên đã mở đường cho quá trình phát triển mạng lưới của VSIP trong nước. Sau hơn 20 năm, chúng ta đã có bảy dự án VSIP trải dài khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam. Hai trong số đó, dự án VSIP tại tỉnh Hải Dương và Nghệ An vừa được công bố vào năm ngoái.
Đến nay, các dự án VSIP đã thu hút tổng vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD và khoảng 600 công ty, tạo công ăn việc làm cho hơn 170.000 lao động. Tôi rất vui mừng khi Singapore và VSIP đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Sắp tới, Biên bản ghi nhớ giữa VSIP và các lãnh đạo tỉnh Bình Dương và Bắc Ninh sẽ là động lực giúp VSIP tiếp tục khám phá các cơ hội mới tại các địa phương này.
Các dự án của VSIP đã phát triển trong suốt những năm qua để đáp ứng nhu cầu ngày một thay đổi của Việt Nam. Từ các khu công nghiệp ban đầu, VSIPđã phát triển các khu liên hợp công nghiệp – đô thị - dịch vụ, thu hút các ngành công nghiệp giá trị cao và nguồn nhân lực chất lượng cao. Khi chuỗi giá trị kinh tế trong nước ngày một nâng cao, VSIP sẽ là nơi để Việt Nam có thể tiên phong tiến hành việc thử nghiệm các lĩnh vực mới như giải pháp đô thị và sản xuất công nghệ cao.