Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Yeah1. |
Vết thương mang tên ScaleLab
Kết thúc năm 2019, doanh thu của Yeah1 đạt 1.457 tỷ đồng, chỉ bằng 73% kế hoạch đề ra và ghi nhận khoản lỗ 382 tỷ đồng. Nguyên nhân chính đến từ sự cố vận hành ScaleLab trên Youtube, khi Yeah1 đã phải trích lập quỹ dự phòng cho khoản phải thu từ việc chuyển nhượng 100% cổ phần đơn vị này, tương đương 276 tỷ đồng.
Thời điểm mua lại, ScaleLab là đại diện cho hơn 1.700 người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, thu hút 400 triệu người theo dõi và đóng góp 3 tỷ lượt xem mỗi tháng cho Youtube. Năm 2017, doanh thu ScaleLab đạt 27,3 triệu USD và Công ty chấp nhận bán mình cho Yeah1 với giá 20 triệu USD vì vẫn đang lỗ.
Việc mua lại ScaleLab của Yeah1 là có tính toán. Mô hình ScaleLab dù doanh thu rất lớn, nhưng sau khi trả chi phí cho các đối tác thì không còn được bao nhiêu. Bên cạnh đó, chi phí nhân sự đắt đỏ ở Mỹ đã khiến ScaleLab “có tiếng, nhưng không có miếng”.
Yeah1, với chi phí vận hành tốt hơn nhờ đặt ở Việt Nam, đã nhanh chóng nhận ra món hời khi mua lại ScaleLab, chủ yếu là tập khách hàng và lượt xem mà đơn vị này đang đem lại cho Youtube. Tuy nhiên, Công ty không tính đến rủi ro lớn nhất là tất cả tài sản ScaleLab có được là dựa vào nền tảng của Youtube, nên khi mạng xã hội này “hắt hơi”, thì ScaleLab trở về số không, người sở hữu nó sẽ trắng tay.
Theo ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Yeah1, Yeah1 có đủ thời gian để chuyển đổi. Trong vòng 6 tháng, Yeah1 đã hoàn thiện bộ máy quản trị, tái cấu trúc các mảng kinh doanh chiến lược. Giờ đây, thị trường nội địa sẽ đóng góp doanh thu và lợi nhuận chính cho Công ty.
Cụ thể, năm 2020, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 1.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng. Có hai lĩnh vực kinh doanh mà Công ty đang phát triển là phát hành game di động và ứng dụng thương mại điện tử Mega1.
Trong đó, Mega1 sẽ đóng góp chủ yếu cho doanh thu và lợi nhuận của Công ty trong năm nay. Mảng phát hành game, theo ông Tống, đã có lời, nhưng chưa đáng kể, với dự kiến bắt đầu đóng góp doanh thu từ quý III năm nay.
Và để xóa đi “nỗi đau” do ScaleLab để lại, Công ty đã thông qua việc sử dụng số tiền thặng dư từ vốn cổ phần để xóa khoản lỗ lũy kế hiện tại. Thặng dư cổ phần của Yeah1 ghi nhận cuối năm 2019 là 1.132 tỷ đồng, sau khi xóa đi khoản lỗ sẽ còn hơn 800 tỷ đồng. Động thái này cũng nhằm đưa cổ phiếu của Yeah1 thoát khỏi diện cảnh báo do thua lỗ.
Cơ hội nào cho Mega1?
Mega1 vừa được phát hành vào giữa tháng 5 này và hiện đã có 1 triệu lượt tải về. “Mega1 sẽ không đi theo hướng đốt tiền như các công ty thương mại điện tử lớn trên thị trường, vì chúng tôi là công ty đã niêm yết, yếu tố lợi nhuận phải đặt lên hàng đầu”, ông Tống nhấn mạnh.
Theo đó, các sản phẩm mua kinh doanh trên đây chủ yếu là voucher ngành dịch vụ, máy bay, khách sạn…, nên Mega1 sẽ không tốn chi phí để lưu trữ hàng hóa, kho bãi hay đội ngũ vận chuyển.
Tính năng chủ yếu đang được ứng dụng này đẩy mạnh là game trúng thưởng. Ví dụ, trong chương trình khuyến mãi 2 triệu giải thưởng trị giá 69 tỷ đồng của Tập đoàn Tân Hiệp Pháp, sau khi mua một sản phẩm bất kỳ của doanh nghiệp này, khách hàng sẽ lấy mã số tham gia được in phía trong bao bì và nhập mã này vào ứng dụng để chơi game trúng thưởng.
Yeah1 tận dụng tất cả các nền tảng mình đang sở hữu, với khoảng 60 triệu lượt xem/tháng để quảng cáo cho chương trình này và thu hút người sử dụng tải ứng dụng Mega1. Chi phí quảng cáo thu hút người dùng là chi phí lớn nhất đối với bất kỳ ứng dụng di động nào mới gia nhập thị trường, song Yeah1 tiết kiệm được nhờ lợi thế “nhà trồng được”.
Theo ông Tống, với một chương trình khuyến mãi trị giá 7 tỷ đồng, thì doanh nghiệp phải tốn đến 14 tỷ đồng, vì phải thêm chi phí quảng bá chương trình. Khi hợp tác với Yeah1, doanh nghiệp vẫn chi 14 tỷ đồng, nhưng có 10 tỷ đồng dành cho chương trình khuyến mãi và 4 tỷ đồng còn lại được Yeah1 quảng cáo.
Một khác biệt nữa, theo ông Tống, là mức cam kết trên doanh số bán hàng. Nói cách khác, chi phí truyền thông mà Yeah1 nhận được phụ thuộc rất lớn vào doanh số bán hàng. Được biết, mục tiêu của Mega1 năm nay là phân phối 1 tỷ sản phẩm của Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
Khá tự tin, ông Tống cho biết, sau 6 ngày ra mắt, ứng dụng Mega1 đã ảnh hưởng đến 10% doanh số tiêu thụ của Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
“Chúng tôi khá tự tin với kế hoạch năm 2020, vì chỉ cần hoàn thành kế hoạch với Tân Hiệp Phát là đủ. Đó là chưa kể, chúng tôi đang có khoảng 10 khách hàng nữa”, ông Tống cho biết.
Bên cạnh đó, Công ty cũng đang dọn đường để Mega1 trở thành một siêu ứng dụng khi phân phối nhiều dịch vụ khác nhau, trong đó có cả game trên thiết bị di động và tích hợp ví điện tử webmoney.
Thông tin từ Yeah1 cho biết, nhiều khả năng trong quý III/2020, Công ty sẽ phát hành trò chơi hẹn hò ảo - thể loại game rất phổ biến ở Trung Quốc và Nhật Bản.
Theo dữ liệu nghiên cứu của Hãng Jiguang (Trung Quốc) trong năm 2018, trò chơi Love and Producer đã có hơn 2 triệu người dùng hàng ngày kể từ khi ra mắt vào tháng 12/2017. Ước tính, tổng số tiền người chơi chi cho ứng dụng kể từ khi phát hành ít nhất là 200 triệu nhân dân tệ, tương đương 32 triệu USD.
Trên thực tế, kế hoạch biến Mega1 thành siêu ứng dụng của Yeah1 phụ thuộc rất nhiều vào số lượng người sử dụng tải về. Ông Tống cho biết, con số kỳ vọng là có 10 triệu người sử dụng ứng dụng Mega1 vào cuối năm nay.
Để làm được việc đó, Yeah1 phải chuyển đổi 60 triệu lượt xem hằng tháng, chủ yếu là “xem ca hát nhảy múa” thành 10 triệu người sử dụng Mega1. Đây là điều không dễ dàng, nhưng ông Tống tin là có cơ sở, bởi có cùng tập khách hàng là nhóm người dùng trẻ, có khả năng chi trả phù hợp với các sản phẩm dịch vụ của Mega1.
Giá trị cổ phiếu quỹ mà Công ty đang nắm giữ trị giá hơn 140 tỷ đồng, với mức giá giao dịch bình quân gần 80.000 đồng/cổ phiếu. Ông Tống cho biết, Công ty sẽ có kế hoạch bán cổ phiếu cho các quỹ đầu tư chiến lược trong thời gian tới.
“Chúng tôi biết, giá bán hiện tại không được thị trường chào đón và để thu hút nhà đầu tư thì chỉ có thể là các giải pháp kinh doanh đột phá”, ông Tống nói.
Về mặt định giá, cổ phiếu của Yeah1 đã giảm hơn 60% so với mức đỉnh, hiện P/E trượt của YEG là 23 lần, không hấp dẫn so với tăng trưởng dự phòng. Nhìn chung, cổ phiếu Yeah1 chỉ dành cho những người đầu tư thực sự am hiểu ngành nghề này, khi tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Công ty chưa rõ ràng. Tuy tiềm năng của thị trường truyền thông kỹ thuật số là rất lớn, nhưng chỉ những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh theo chiều sâu mới có thể hưởng lợi một cách bền vững.
Chính vậy, hiện tại, chúng tôi đưa ra khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu YEG.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt