Chuyện làng, chuyện phố
Cái sự sắp xếp lệch lạc!
Đinh Thu Hiền - 11/09/2016 14:18
Những con đường ngập trong nước, những căn nhà xây không phép, những túp lều ổ chuột… Chúng ta phải làm sao trước sự “kê thế nào cũng không bằng”…

1.

Chiều tối hôm trước, cả Sài Gòn chìm trong biển nước. Cô bán hàng mướn mặt bằng bán dép ở dưới tầng trệt nhà tôi nói, người ta đổ vô mua dép xỏ ngón ầm ầm. Người thì mua để thay cho đôi giày đang ướt mèm, người thì chỉ còn 1 bên dép, bước thấp bước cao vô than đau chân vì chiếc dép kia đã bị trôi trong làn nước cống cuồn cuộn đổ ra. Ai cũng mặt mũi đăm chiêu, người và xe lạnh cóng.

Sân bay Tân Sơn Nhất ngập sâu, ảnh hưởng rất nhiều đến việc vận chuyển của phương tiện được coi là hiện đại. Xe hơi 4 chỗ đi không bám được mặt đường, dự liệu ngày hôm sau các garage xe chật ních. Xe gắn máy chết máy, dịch vụ lau khô bugie được dịp chém hơn 100.000 đồng/xe mà còn gắt gỏng không muốn làm.

Quan trọng hơn cả, “phố bỗng là dòng sông uốn quanh” ở khắp nơi trên toàn thành phố, không chừa nơi nào. Người dân nghi ngờ những con đường đang nâng cao quá nhà dân đến cả mét, chẳng những không chống ngập được, mà còn dồn nước hết vào trong nhà, và đổ sang những con đường kế bên. Dần dần, các “ông” nâng chỗ này, rồi chạy qua nâng chỗ kia. Dự liệu cả đời chạy vòng quanh như vậy, thì tầng trệt nhà phố đều biến thành hầm cả. Hầm không phải để xe, vì vốn chức năng của nó không phải làm công việc này. Do vậy, mùa mưa thì để chứa nước mưa, còn mùa khô thì để chứa bụi.

Cũng rất may, Sài Gòn chỉ có 2 mùa. An ủi thế, cho đỡ phải than thở, buồn phiền. Cứ đến mùa mưa, mong sao cho đến mùa khô. Tới mùa khô, thì lại mong sao cho tới mùa mưa. Xà quần vậy, cũng xong một kiếp đời.

2.

Một ngày, tôi nhận được điện thoại của một cậu em làm công việc xây dựng và “set-up” vườn tược. Em từ Quảng Ngãi vô Sài Gòn, tất bật làm việc, chịu thương chịu khó bao năm nay. Tết lễ có khi cũng không dám về quê, vì tham công tiếc việc. Nhờ vậy, mà em có chút vốn dắt lưng. Vừa rồi, em khoe mua được miếng đất 2 mặt tiền ở gần khu công nghiệp. Miếng đất nhỏ thôi, có giá khoảng 900 triệu đồng. Em khen rẻ, đặt cọc mua ngay. Rồi bán sang tay cho người ta giá 1 tỷ. Xong, lại mua căn nhà không có giấy tờ ở kế đó, giá 300 triệu đồng, bán sang tay cho người ta được 350 triệu đồng. Và làm hoài, kiếm vài ba chục triệu suốt. Cái vườn gần nhà em đang ở, người ta rao bán, em làm môi giới, cũng ăn chênh lệch được 75 triệu nữa.

“Trong tháng 7 Âm lịch này, mà em kiếm được 200 triệu đó chị”. Thông tin của cậu em khiến tôi muốn rụng tim.

Ở khu Vĩnh Lộc A, B, những con đường bụi mờ bụi mịt. Và đất ở đây hầu hết là đất vườn tách ra. Cứ xây đại lên, có thời gian chính quyền cấm triệt để, xây lên là phá, nhưng cũng có thời gian im im cho xây dựng. Vì vậy, cả một khu rộng lớn ấy mới có hàng trăm căn nhà như thế. Bán bán mua mua cứ hà rầm. Quy hoạch chẳng tới nơi tới chốn. Không thành khu công nghiệp, cũng chẳng ra khu dân cư. Mà thôi, “nhờ” vậy mà cậu em cũng kiếm chác được tiền bạc đổi đời. Không kinh doanh, thì hiện thực cũng vẫn vậy thôi, sao khác đi được.

3. 

Chạy xe trên Đại lộ Võ Văn Kiệt khúc quận 8, nhìn qua dòng kênh Tàu Hũ, thấy bao nhiêu là nhà ổ chuột lấn ra kênh. Các căn nhà ấy tiêu tiểu thẳng xuống sông, vứt rác đầy sông, hỏi sao mà cá sống nổi! Chưa có cách nào “giải phóng” nhà ổ chuột, chưa tính được ra cách di dân, hoặc phạt khi người ta chỉ mới manh nha xây cất các căn nhà này. Vậy nhưng, tới đây, chắc cũng sẽ giống kênh nước đen Thị Nghè, cả đống tiền sẽ được “đổ” xuống để có thể làm sạch sẽ dòng kênh ăn ra sông Sài Gòn này.

Căn nhà không phép, những dự án quy hoạch treo vài chục năm, nhà ổ chuột và chỉ qua trận mưa lớn cả Sài Gòn thành sông, đã trở thành chuyện quá đỗi bình thường. Người Sài Gòn luôn lạc quan. Trong khi con hẻm ngập nước mênh mang, hay vỉa hè ngập gần tới ghế nhựa cao, trẻ nít vẫn vui vẻ ngồi ăn hột vịt lộn bên cạnh những ông bố cầm ly bia cụng nhau hào sảng. Cũng cứ xà quần vậy, rồi cũng qua ngày.

Tin liên quan
Tin khác