Ngay sau yêu cầu quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, ngày mai (18/5), hội nghị đầu tiên triển khai Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết 19-2016) sẽ được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với USAID tổ chức.
Trong chương trình, Ban tổ chức đã thiết kế phần lớn thời gian cho doanh nghiệp phát biểu về vướng mắc liên quan tới chính sách, thủ tục hành chính trên các lĩnh vực của môi trường kinh doanh mà Nghị quyết 19-2016 đã đề cập.
Ngày mai (18/5), hội nghị đầu tiên triển khai Nghị quyết 19-2016/NQ-CP sẽ được diễn ra |
“Chúng tôi mong doanh nghiệp tham gia có trách nhiệm. Nội dung Nghị quyết 19-2016 đã được Chính phủ xây dựng trên cơ sở tham vấn mong muốn và kỳ vọng của doanh nghiệp, theo các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế mà Ngân hàng Thế giới (WB) đang áp dụng để xếp hạng cho 189 nền kinh tế. Hiệu quả thực tiễn của Nghị quyết sẽ không như kỳ vọng nếu không tiếp tục có sự tham gia phản biện, thậm chí tạo áp lực của doanh nghiệp tới việc thực thi”, bà Nguyễn Minh Thảo, Phó trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) trao đổi trước thềm Hội nghị.
Không phải vô cớ mà bà Thảo đề cập đến vấn đề này. Là người trực tiếp tham gia xây dựng nghị quyết cùng số, cùng nội dung trong 3 năm, từ năm 2014 đến nay, bà Thảo đối diện với khá nhiều thách thức trong cả quá trình xây dựng và thực thi.
Năm đầu tiên, Ban soạn thảo chỉ dám đưa thí điểm 6 trong số 10 tiêu chí của Bảng xếp hạng Doing Business của WB, nhưng đã phải chịu áp lực từ các bộ, ngành cho rằng, Việt Nam phải được xem xét riêng. May thay, quan điểm thắng thế là không thể đứng ngoài chuẩn chung về môi trường kinh doanh mà nhà đầu tư nước ngoài đang sử dụng để cân nhắc các quyết định đầu tư của họ. Tuy vậy, tiến độ triển khai trên thực tế khá chậm. Chỉ có 8 bộ, ngành, địa phương thực hiện có kết quả rõ ràng. Số còn lại đều ở trạng thái đang triển khai…
Cho đến thời điểm này, sau 3 năm, các bộ, ngành dù muốn hay không cũng phải thực hiện các đầu việc mà Chính phủ đã giao chi tiết theo kiểu “soi gương để thực hiện”, không có cửa bàn lùi, nhất là sau thông điệp mạnh mẽ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về một nền hành chính “xóa rào cản, ủng hộ và bảo vệ kinh doanh”.
“Nhưng hiệu quả của những giải pháp này chỉ tác động tích cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh nếu doanh nghiệp sẵn sàng lên tiếng. Vì chỉ doanh nghiệp mới hiểu khó khăn mình đang vướng phải là gì, nhất là trong những lĩnh vực thuộc quản lý của nhiều bộ, ngành. Hơn thế, tiếng nói từ thực tiễn cũng là cách để cơ quan quản lý có chế tài cụ thể với đội ngũ công chức, những người trực tiếp làm việc với doanh nghiệp”, bà Thảo nói.
Cuộc họp đối chất không đem lại kết quả như mong muốn giữa đại diện Bộ Công thương và doanh nghiệp ngành dệt may mà CIEM đã cất công tổ chức để xử lý các vướng mắc phát sinh từ Thông tư 37/2015/TT-BCT, quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may, ngay trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực (15/12/2015), có thể coi là ví dụ điển hình của sự chưa hết trách nhiệm của doanh nghiệp trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.
“Trước đó, doanh nghiệp dệt may kiến nghị dừng hiệu lực của Thông tư 37. Nhưng khi chúng tôi tổ chức để hai bên làm rõ các vướng mắc, thì không nhiều doanh nghiệp đến. Có thể doanh nghiệp “ngại va chạm”, nhưng đây là lúc doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước thẳng thắn hành xử như những đối tác”, bà Thảo khuyến nghị.
Phải nhấn mạnh, vai trò doanh nghiệp đang được kỳ vọng lớn trong thực hiện cải thiện khá nhiều tiêu chí cần sự phối hợp của nhiều cơ quan. Ví như chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới, 72% thời gian đang nằm ở khoảng 10 cơ quan quản lý chuyên ngành. Trong 2 năm liền, chỉ số này gần như không cải thiện cho dù Bộ Tài chính đã vào cuộc rất mạnh mẽ.
“Lúc đầu, chúng tôi không lường trước được sự phức tạp của chỉ số này. Đến khi gặp các doanh nghiệp mới thấy, có mặt hàng chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định khác nhau, thuộc thẩm quyền của nhiều đơn vị trong cùng một bộ, hoặc của nhiều bộ dẫn đến kiểm tra trùng lặp giữa các cơ quan như chè, cà phê, dầu cá, cỏ nuôi bò, tơ tằm, dấm... Hay như các mặt hàng xuất nhập khẩu của ngành sữa phải có chịu kiểm tra từ 2 cơ quan trở lên”, bà Thảo cho biết.
Tương tự, chỉ số về cấp phép xây dựng cũng có thể tiếp tục hạ bậc nếu doanh nghiệp không thẳng thắn chỉ ra họ đang bị vướng vào những thủ tục gì, khi mà năm vừa rồi, WB đã ghi nhận tăng thêm 52 ngày, lên 166 ngày. Nghĩa là, mục tiêu giảm 77 ngày của Nghị quyết 19 không những không đạt được, mà còn bị đẩy xa hơn.