Doanh nghiệp
Camimex Group: Rắc rối các khoản chi phí
Chí Tín - 21/02/2019 08:00
Sau màn tăng trưởng lợi nhuận đột biến năm 2018, Công ty cổ phần Camimex Group (mã CMX, sàn HoSE) vẫn chưa dừng tham vọng trong năm 2019.
Camimex Group là đơn vị đầu tiên của Việt Nam triển khai tôm sinh thái từ năm 2000 và đạt được chứng nhận tôm sinh thái.

Mở rộng vùng tôm sinh thái

Một trong những thị trường mà Camimex Group có lợi thế và tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu tôm là Mỹ. Công ty này cho biết, đã nâng cấp cơ sở vật chất, xây mới một số hạng mục, lắp đặt máy móc thiết bị mới nhằm tăng hiệu quả hoạt động, đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất sang các thị trường khó tính. Công ty cũng đang đầu tư một nhà máy mới với công suất 6.000 tấn/năm, sẽ đi vào hoạt động trong quý II/2019. Với việc gia tăng tín dụng và công suất, Camimex Group đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 100 triệu USD và lợi nhuận 200 tỷ đồng năm 2019.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2018, ông Bùi Sỹ Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Camimex Group cho biết, Công ty vẫn định hướng phát triển kinh doanh mặt hàng cao cấp, hàng có giá trị gia tăng cao, tỷ suất lợi nhuận cao và việc đầu tư trang thiết bị cũng theo hướng đó.

Được biết, Camimex Group là đơn vị đầu tiên của Việt Nam triển khai tôm sinh thái từ năm 2000 và đạt được chứng nhận tôm sinh thái do Naturland, EU Organic, Bio Suisse cao cấp cho sản phẩm tôm sinh thái (từ con giống tới bàn ăn). Camimex là đơn vị tiên phong trong ngành thay đổi định hướng sản xuất từ phong trào nuôi tôm công nghiệp có tác động mạnh tới biến đổi môi trường rừng ngập mặn, sang hướng sản xuất sinh thái bền vững, thân thiện với môi trường. 

Camimex Group hiện quản lý vùng nuôi tôm sinh thái liên kết tại Cà Mau với diện tích hơn 7.000 ha. Công ty cũng đang triển khai thêm 1.700 ha tôm sinh thái, dự kiến dự án mở rộng này sẽ sớm hoàn thành đi vào hoạt động từ quý II/2019. Tôm sinh thái là tôm nuôi tự nhiên trong rừng ngập mặn, với tỷ lệ rừng che phủ khoảng 70%, còn lại 30% là diện tích nuôi tôm. Tôm sinh sống, tăng trưởng tự nhiên, không cần cho ăn, không sử dụng hóa chất hay kháng sinh.

Phức tạp các khoản chi phí

Trong năm 2018, lợi nhuận của Camimex Group tăng trưởng khá, ngoài lý do Công ty thúc đẩy được tăng trưởng doanh số, còn có việc kiểm soát các chi phí không tăng quá cao. Tuy nhiên, mổ xẻ các khoản chi phí cụ thể thì cơ cấu chi phí của công ty này vẫn còn quá phức tạp. Do đó, nhà đầu tư vẫn đặt kỳ vọng Công ty có thể kiểm soát các khoản chi phí tốt hơn để tối ưu hóa hơn nữa các hoạt động tài chính.

Trong các khoản chi phí, chi phí tài chính và chi phí bán hàng trong năm 2018 được Camimex Group kiểm soát khá tốt. Chi phí tài chính tăng 10,3%, chi phí bán hàng tăng khoảng 11% so với năm 2017, tốc độ tăng này là phù hợp với tốc độ tăng trưởng doanh thu của Công ty trong năm 2018. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp có xu hướng tăng mạnh hơn các khoản chi phí khác, với tốc độ lên tới 26,5%.  Đặc biệt, khoản chi phí tăng rất mạnh trong cơ cấu chi phí quản lý là chi phí quản lý doanh nghiệp khác tăng tới 46,6%.

Chí phí thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2018 cũng tăng mạnh, gấp tới 2,7 lần so với năm trước. Việc lợi nhuận tăng cao làm tăng chi phí thuế thu nhập cũng là chuyện bình thường, nhưng trong năm 2018, Camimex Group còn phát sinh các khoản chi do việc kê khai “bùng nhùng” trong năm trước khiến thanh tra thuế phải xử lý. Cụ thể, cơ quan thuế không chấp nhận các chi phí không trực tiếp tham gia vào sản xuất, kinh doanh thì không được áp thuế suất ưu đãi 10% đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Camimex Group phải thực hiện điều chỉnh thuế các năm từ nawăm 2014 đến 2016 do kê khai sai và nộp tiền xử phạt hành chính.

Tin liên quan
Tin khác