Doanh nghiệp
Cần chính sách phát triển nhóm doanh nghiệp tư nhân lớn nhất
Mạnh Bôn - 02/04/2023 12:52
TS. Trần Toàn Thắng, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, bên cạnh Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất (VNR500) do Công ty Báo cáo đánh giá Việt Nam công bố và 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất do Tổng cục Thuế xếp hạng hàng năm, kể từ năm 2022, Việt Nam có thêm Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500).
TS. Trần Toàn Thắng, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) 

Thưa ông, hiện đã có VNR500 và Danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất, có nhất thiết phải thêm VPE500 nữa không?

Thông thường, quốc gia nào cũng có nhiều bảng xếp hạng doanh nghiệp lớn nhất với các tiêu chí khác nhau. Chẳng hạn, Mỹ có Fortune 500 là danh sách 500 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất, S&P500 là danh sách 500 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất trên Sở Giao dịch chứng khoán New York...

Tại Việt Nam, Tổng cục Thuế hàng năm công bố Danh sách 1.000 doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách nhà nước lớn nhất chỉ dựa vào số thuế thu nhập của các doanh nghiệp. Còn VNR500 là bảng xếp hạng được thực hiện với mục tiêu tôn vinh 500 doanh nghiệp có quy mô lớn nhất, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, có đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế. Doanh nghiệp trong VNR500 được xếp hạng dựa vào tiêu chí đánh giá gồm doanh thu, lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng, tài sản và  lao động, nhưng dựa chủ yếu vào tiêu chí doanh thu, các tiêu chí khác được tham chiếu để đánh giá hiện trạng sức mạnh tổng thể của doanh nghiệp.

Ngoài VNR500, Việt Nam còn FAST500 - Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất và PROFIT500 - Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp Việt Nam có lợi nhuận tốt nhất.

VNR500 cũng như PROFIT500, FAST500, Danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất, Danh sách doanh nghiệp niêm yết có báo cáo thường niên niên tốt nhất... chỉ xếp hạng doanh nghiệp dựa trên một vài tiêu chí nào đó, chủ yếu để vinh danh doanh nghiệp, phục vụ nhà đầu tư, mà không đề cập vai trò, ảnh hưởng của nhóm doanh nghiệp tới khu vực doanh nghiệp khác.

Vì vậy, cần phải có thêm VPE500. VPE500 không chỉ đơn thuần là sự tôn vinh doanh nghiệp, mà là tài liệu chủ yếu phục vụ việc hoạch định chính sách phát triển doanh nghiệp Việt Nam.

Mỗi danh sách doanh nghiệp được xếp hạng dựa vào các tiêu chí khác nhau, vậy VPE500 dựa vào tiêu chí gì và tính toán thế nào để ra được kết quả xếp hạng?

Để có VPE500, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế, xã hội quốc gia (nay là Viện Chiến lược phát triển) thực hiện. Về số liệu, chúng tôi dựa trên số liệu điều tra hàng năm về doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê, một số số liệu về hiệu quả tài chính doanh nghiệp  được tổng hợp từ các báo cáo tài chính của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, nên khách quan và tương đối chính xác.

Còn xếp hạng và chấm điểm, chúng tôi dựa trên 3 tiêu chí là quy mô lao động, tổng tài sản và doanh thu thuần. Chỉ số sử dụng cho xếp hạng là trung bình cộng của thứ hạng theo 3 tiêu chí này.

Xếp hạng doanh nghiệp liệu có chính xác không khi dựa vào điểm chung bình cộng của 3 tiêu chí?

Cũng có người cho rằng, việc xếp hạng dựa vào điểm trung bình cộng của 3 tiêu chí là chưa chính xác. Nhưng thực ra, rất khó để tính ra quyền số của mỗi tiêu chí, vì doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thâm dụng lao động có lợi thế về lao động, nhưng không có lợi thế về doanh thu thuần. Doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại có lợi thế về doanh thu, nhưng không có lợi thế về lao động. Doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng lại càng bất lợi về lao động. Vì thế, lấy điểm trung bình cộng của 3 tiêu chí là khách quan nhất.

VPE500 không phải là bảng xếp hạng nhằm tôn vinh và quảng bá thương hiệu doanh nghiệp tới cộng đồng kinh doanh, không phải là sự đánh giá của xã hội đối với sự cống hiến của doanh nghiệp và cũng không phải là cơ sở để các nhà đầu tư tham khảo khi đầu tư vào doanh nghiệp. VPE500 thiên về phục vụ công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách phát triển doanh nghiệp.

Cụ thể, VPE500 đã giúp ích gì cho công tác nghiên cứu và hoạch định chính sách phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất?

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, doanh nghiệp lớn có lợi thế trong việc tiếp cận các nguồn lực như đất đai, cơ hội về đầu tư, thị trường, tài chính và cung ứng hàng hoá, dịch vụ… thông qua các ưu đãi thu hút đầu tư, hoặc quy định về điều kiện tham gia đấu thầu. Những lợi thế này sẽ tạo tiền đề để doanh nghiệp lớn phát triển mạnh hơn.

Nghiên cứu 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất trong vòng 5 năm qua cho thấy, VPE500 hoạt động vượt trội so với doanh nghiệp tư nhân trong nước nói chung trên khía cạnh quy mô và kết quả kinh doanh, cũng như tham gia hoạt động xuất nhập khẩu và liên kết doanh nghiệp. Trung bình trong 5 năm qua, quy mô lao động và tổng tài sản bình quân của VPE500 cao gấp hơn 83 lần và hơn 132 lần doanh nghiệp tư nhân trong nước nói chung, doanh thu thuần gấp khoảng 123 lần.

Tỷ lệ doanh nghiệp trong VPE tham gia hoạt động xuất nhập khẩu là 58%, trong khi chỉ có 7,73% doanh nghiệp tư nhân còn lại có tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. VPE500 chỉ chiếm khoảng 0,09% tổng số doanh nghiệp, nhưng thu hút 10,4% lao động, chiếm 13% tổng tài sản và tạo ra 15,8% doanh thu thuần trong khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Những nghiên cứu đó có hàm ý chính sách gì, thưa ông?

VPE500 có thể coi như lực lượng dẫn dắt, tạo ảnh hưởng trên thị trường và kết quả hoạt động của nhóm doanh nghiệp này có thể coi như hàn thử biểu của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước. Vì vậy, cần phải có chính sách, cơ chế hỗ trợ lực lượng này phát triển mạnh mẽ hơn nữa mới đủ tầm vươn ra khu vực và thế giới.

Ngay từ khi Đổi mới, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm phát triển khu vực kinh tế tư nhân và sau gần 40 năm Đổi mới, chúng ta đã có lực lượng doanh nghiệp tư nhân hùng hậu, khi bình quân mỗi năm có hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới. Nhưng so với 10 năm trước, thì quy mô vốn, lao động bình quân của mỗi doanh nghiệp càng ngày càng nhỏ đi, doanh nghiệp siêu nhỏ (sử dụng tối đa 5 lao động, vốn điều lệ dưới 5 tỷ đồng) chiếm trên 60%. Chúng ta đã có doanh nghiệp vươn ra thế giới, nhưng chưa nhiều, vì chưa có cơ chế, chính sách riêng để tập trung phát triển khu vực này.

Nhìn vào các nền kinh tế phát triển trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc... đều thấy, để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế, phải dựa vào các tập đoàn tư nhân hùng mạnh, chứ không phải doanh nghiệp nhỏ và vừa, càng không phải là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Samsung, Deawoo, LG, Asus, Foxconn, Alibaba, Huawei, Toyota, Sony... lớn mạnh như ngày nay đều xuất phát là các doanh nghiệp tư  nhân nhỏ, nhưng có năng lực, có khát vọng, cộng thêm sự hỗ trợ của Chính phủ.

Việt Nam rất cần các cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, vì chính doanh nghiệp lớn mới là đầu tàu, là “sếu đầu đàn” dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như cả nền kinh tế và là nền tảng để xây dựng nền kinh tế tự chủ.

Tin liên quan
Tin khác