Đầu tư
Cần “khóa sổ” tranh cãi về đấu thầu Nhà ga T2 sân bay Nội Bài
Anh Minh - 02/04/2019 09:04
Rất khó có thể bắt lỗi được chủ đầu tư và các bộ, ngành liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu cho 2 gói thầu xây lắp số 10A, 10B thuộc Dự án Xây dựng Nhà ga T2, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Nhà ga T2 đã được hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng cao, đáp ứng hiệu quả đầu tư dự án. Ảnh: Đức Thanh

Xin trắng án

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vẫn bảo lưu quyết liệt quan điểm “không có sai sót và từ chối quy trách nhiệm liên quan” trong việc phê duyệt giá gói thầu 10A, 10B thuộc Dự án Xây dựng Nhà ga T2, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - một trong những điểm gợn lớn trong quá trình thực hiện Kết luận số 2569/KL - TTCP ngày 12/10/2017 của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV).

Trong công Văn số 1977/BGTVT - CQLXD vừa được gửi tới Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ GTVT tiếp tục tái khẳng định việc phê duyệt điều chỉnh dự toán gói thầu 10A, 10B đảm bảo phù hợp trình tự, thủ tục theo quy định, hướng dẫn của nhà tài trợ JICA, tuân thủ quy định pháp luật trong nước trong việc quản lý, thực hiện các dự án sử dụng ODA.

Bộ GTVT đồng thời  kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận không xử lý về kinh tế và trách nhiệm của các bộ liên quan đến việc đấu thầu 2 gói thầu 10A, 10B do các cơ quan, đơn vị đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn của mình theo quy định trong việc tổ chức lựa chọn nhà thầu 2 gói thầu và thực hiện dự án đúng tiến độ, đạt hiệu quả.

Đây đã là lần thứ tư tiến hành rà soát quá trình đấu thầu 2 gói thầu 10A, 10B được Bộ GTVT thực hiện trong vòng hơn 1 năm qua kể từ khi Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận số 2569.

Cần phải nói thêm rằng, Dự án Xây dựng nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài là công trình hàng không lớn, có tính chất đặc thù, sử dụng khoản vay ODA Nhật Bản theo điều kiện STEP (đấu thầu giữa các nhà thầu Nhật Bản có năng lực, kinh nghiệm thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực hàng không).

Tại dự án này, phần vốn ODA của Nhật Bản sử dụng cho 2 gói thầu chính của dự án là gói thầu số 10A - Xây lắp, cung cấp và lắp đặt thiết bị Nhà ga và gói thầu số 10B - Giám sát thi công xây dựng công trình; áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi giữa các nhà thầu Nhật Bản.

Tại mục 1.4, phần III, Kết luận thanh tra số 2569, Thanh tra Chính phủ cho rằng, tại 2 gói thầu trên, chủ đầu tư đã thực hiện đấu thầu rộng rãi, xử lý tình huống trong đấu thầu do chỉ có một nhà thầu tham dự, khi giá trúng thầu cao hơn giá gói thầu, nên đã phê duyệt giá gói thầu bằng giá bỏ thầu của nhà thầu để làm cơ sở xét thầu mà không thực hiện đấu thầu lại hoặc làm rõ với nhà thầu về nguyên nhân chênh lệch giá cao hơn so với giá dự toán gói thầu được duyệt theo quy định.

Thanh tra Chính phủ xác định các bộ chưa tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy định cụ thể đối với việc xử lý tình huống đấu thầu khi có 1 nhà thầu tham gia thì cho phép mở thầu ngay hoặc đấu thầu lại và hướng dẫn phương pháp lập dự toán đối với dự án sử dụng vốn ODA cho phù hợp với hiệp định vay vốn, làm cơ sở để quản lý chi phí. Điều này dẫn đến việc gói thầu 10A, 10B thực hiện đấu thầu nhưng không có tính cạnh tranh về kỹ thuật, năng lực và giá gói thầu. Thanh tra Chính phủ ước tính, tổng giá trị trúng thầu của nhà thầu cao hơn giá dự toán 2 gói thầu là 5.713.482.041 JPY, tương đương 1.450.081,7 triệu đồng.

Trên cơ sở đó, tại Kết luận thanh tra số 2569, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý về kinh tế và trách nhiệm liên quan đến việc đấu thầu gói thầu 10A, 10B của Dự án nhà ga T2, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Được biết, trong Công văn số 8978/VPCP - VI của Văn phòng Chính phủ được phát đi vào cuối tháng 9/2018 về việc xử lý sau thanh tra tại ACV, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ và một số bộ có ý kiến chính thức về việc chủ đầu tư phê duyệt gói thầu 10A, 10B với giá trúng thầu cao hơn dự toán của cả 2 gói thầu là hơn 1.450 tỷ đồng có đảm bảo đúng căn cứ pháp luật hay không.

Trước đó, trong Văn bản số 821/TTCP - GSTĐXLSTT ngày 29/5/2018 về xử lý sau thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho biết, việc phê duyệt giá gói thầu 10A, 10B vẫn chưa được thực hiện đầy đủ theo kết luận thanh tra cũng như ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 590/TB - VPCP ngày 21/12/2017 (rà soát lại việc phê duyệt giá gói thầu gói thầu 10A, 10B theo quy định của Hiệp định vay và các quy định của pháp luật Việt Nam, trong trường hợp có vi phạm, kiến nghị hình thức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật).

Vướng víu giá trần

Tại Công văn số 1977, Bộ GTVT cho biết, trong quá trình lựa chọn nhà thầu cho gói thầu 10A, chỉ có 1 nhà thầu duy nhất dự sơ tuyển (Taisei Corporation). JICA và Bộ GTVT đã thống nhất hủy sơ tuyển và tổ chức đấu thầu rộng rãi, không sơ tuyển để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao tính cạnh tranh.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đấu thầu cũng chỉ có 1 nhà thầu nộp Hồ sơ dự thầu (Liên danh Taisei - Vinaconex). Vì vậy, JICA chấp thuận cho phép mở thầu; giá đề nghị trúng thầu vượt 19,49% (7.406.489.784 JPY) so với dự toán gói thầu được ACV phê duyệt. Mặc dù ACV đã cập nhật dự toán gói thầu tại thời điểm 28 ngày trước ngày mở thầu, nhưng giá đề nghị trúng thầu vẫn vượt 13,13% (tương đương 5.268.054.787 JPY) so với dự toán được cập nhật.

Theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ACV đã cập nhật dự toán 28 ngày trước ngày mở thầu và có tham chiếu thành phần chi phí đã thực hiện tại Dự án Xây dựng nhà ga Tân Sơn Nhất, nhưng giá đề nghị trúng thầu vẫn vượt dự toán cập nhật theo phương án này 2.008.114.418 JPY (khoảng 4,63%).

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Gói thầu 10B khi chỉ có 1 nhà thầu nộp hồ quan tâm (Công ty Tư vấn sân bay Nhật Bản - Japan Airports Consultants, Inc). JICA đã chấp thuận hủy quá trình mời quan tâm để đấu thầu rộng rãi, không qua lựa chọn danh sách ngắn. Giai đoạn đấu thầu cũng chỉ có 1 nhà thầu duy nhất mua hồ sơ mời thầu và nộp hồ sơ dự thầu (Công ty Tư vấn sân bay Nhật Bản). Sau khi được JICA chấp thuận, ACV đã tiến hành mở và đánh giá Hồ sơ dự thầu; giá sau đàm phán và đề nghị trúng thầu (chỉ tính lương và chi phí khác) vượt 2,8% (tương đương 46.188.566 JPY) so với giá gói thầu 10B trong Biên bản ghi nhớ ký ngày 30/8/2011 ký giữa JICA và chủ đầu tư.

Theo Bộ GTVT, các nhà tài trợ ODA nói chung và JICA nói riêng đều không quy định về giá trần (mức giá tối đa) khi xem xét, đánh giá kết quả lựa chọn nhà thầu như quy định pháp luật trong nước (yêu cầu giá đề nghị trúng thầu không vượt giá hoặc dự toán gói thầu được duyệt).

Do yêu cầu tiến độ triển khai rất cấp bách của dự án để giảm tải cho nhà ga hành khách T1, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo về vấn đề nêu trên (văn bản số 5859/BGTVT-CQLXD ngày 20/9/2011; văn bản số 7169/BGTVT - CQLXD ngày 2/11/2011) trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Chủ đầu tư được sử dụng giá dự thầu của nhà thầu sau sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch (đối với gói thầu 10A), giá dự thầu sau đàm phán (đối với gói thầu 10B) làm giá gói thầu để xét thầu và quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu.

Trên cơ sở ý kiến của các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng và Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 2070/TTg - KTN ngày 9/11/2011 chỉ đạo, thực hiện, trong đó: “Đồng ý về nguyên tắc điều chỉnh giá gói thầu 10A và gói thầu 10B thuộc Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; Bộ GTVT chịu trách nhiệm chỉ đạo chủ đầu tư điều chỉnh giá và phê duyệt kết quả đấu thầu đối với gói thầu 10A và gói thầu 10B nêu trên theo quy định, trên cơ sở bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện và hiệu quả tổng thể Dự án”.

Dự án Xây dựng nhà ga T2 Nội Bài có công suất xây dựng 10 triệu hành khách/năm, có tổng mức đầu tư 43,2 tỷ Yên và 6.145 tỷ đồng; được khởi công vào tháng 2/2012 và hoàn thành vào tháng 12/2014.

Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, theo Hiệp định vay vốn ODA của JICA và Biên bản thảo luận (MD) ký ngày 29/10/2009 giữa giữa JICA với đại diện Chính phủ Việt Nam đã thống nhất việc đấu thầu sẽ phải tuân thủ theo Hướng dẫn đấu thầu đối với các khoản vay ODA của Nhật Bản, phát hành tháng 3/2009.

Trong quá trình lựa chọn nhà thầu, ACV đã thực hiện đầy đủ các thủ tục xử lý tình huống trong đấu thầu các gói thầu 10A, 10B theo thẩm quyền của chủ đầu tư, theo quy định của nhà tài trợ JICA (cập nhật dự toán gói thầu 10A, thương thảo về giá gói thầu 10B) nhằm hài hòa với quy định pháp luật trong nước. Giá trúng thầu các gói thầu này không vượt tổng mức đầu tư dự án và đã được các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng có ý kiến đồng thuận.

Cụ thể, tại Văn bản số 1676/BXD - KTXD ngày 7/10/2011, Bộ Xây dựng khẳng định do Dự án  chưa vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt, vì vậy Bộ Xây dựng thống nhất với những ý kiến đề xuất của Bộ GTVT tại Văn bản số 5859/BGTVT - CQLXD”. Tại Công văn số 7719/BKHĐT - QLĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, giá đề nghị trúng thầu gói thầu 10A và 10B chưa vượt tổng mức đầu tư của dự án, JICA đã có Thư không phản đối về kết quả đấu thầu gói thầu 10A, do đó xuất phát từ tính cấp thiết của dự án và trên cơ sở các nội dung trong hiệp định vay vốn đã được phía Việt Nam và Nhật Bản thống nhất, Thủ tướng Chính phủ có thể xem xét, chấp thuận kết quả đấu thầu gói thầu 10A và 10B và giao Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu theo đúng thẩm quyền của mình.

Như vậy, việc chủ đầu tư xử lý tình huống đấu thầu, phê duyệt điều chỉnh giá gói thầu bằng giá bỏ thầu của nhà thầu làm cơ sở phê duyệt kết quả đấu thầu đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất và chỉ đạo thực hiện. Được biết, nhà tài trợ JICA cũng đã có Thư chấp thuận.

“Thực tế, Bộ GTVT, ACV đã chỉ đạo và các nhà thầu đã hoàn thành dự án đúng tiến độ, đạt chất lượng cao, đáp ứng hiệu quả đầu tư dự án”, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác