Mặc dù Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã thực hiện hơn nửa chặng đường, song đến nay, vẫn chưa có ngân hàng nào được tòa án áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo.
Việc bán nợ xấu cũng khó khăn, do vướng mắc nhiều thủ tục pháp lý.
. |
Ngân hàng vẫn chật vật đòi nợ, bán nợ
Sau 16 lần đấu giá không thành công, hôm nay (20/7), BIDV chi nhánh Phú Tài tiếp tục bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn lần thứ 17. Cùng ngày, BIDV cũng thực hiện bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty CP Thúy Đạt lần thứ 29.
Không chỉ BIDV, mà rất nhiều ngân hàng, thậm chí cả Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng chật vật bán nợ xấu. Covid-19 khiến thị trường bất động sản trầm lắng, song các vướng mắc pháp lý mới là nguyên nhân khiến khách mua nhụt chí.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay, có khoản nợ đã bán thành công, song một thời gian sau, người mua quay lại “bắt vạ”, bởi sau cả năm vẫn không thể hoàn tất giấy tờ sang tên đổi chủ vì vướng mắc thủ tục pháp lý.
Thế nhưng, trường hợp nêu trên vẫn còn may mắn, vì ít nhất đã đòi được tài sản đảm bảo để rao bán. Rất nhiều ngân hàng, thậm chí cả VAMC vẫn đang rất khó khăn trong việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm do sự chống đối của con nợ, trong khi chính quyền địa phương hầu như không can thiệp.
Mặt khác, dù Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) cho phép tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về quyền xử lý tài sản đảm bảo nợ xấu của tổ chức tín dụng, song hầu hết tòa án đều chưa áp dụng, dù Nghị quyết đã đi qua hơn nửa chặng đường.
Báo cáo của Agribank cho biết, ngân hàng này có 11 hồ sơ xin áp dụng thủ tục rút gọn được Tòa án thụ lý, song chưa hồ sơ nào được xử lý do Tòa kết luận chưa đủ điều kiện. Tương tự, trong số 12 hồ sơ của BIDV đang được Tòa án xem xét xử lý, thì có 6 hồ sơ đã được trả lời là sẽ chuyển sang xét xử theo thủ tục thông thường. Như vậy, trình tự rút gọn theo Nghị quyết 42 hầu như chưa được tòa án áp dụng.
“Thủ tục pháp lý quá phức tạp, vướng mắc nhiều khâu là rào cản chính của thị trường mua bán nợ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.
Nghị quyết 42 có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 và được thực hiện trong thời hạn 5 năm. Sau gần 3 năm triển khai, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Nghị quyết 42 đã giúp ngành ngân hàng giải quyết được hàng loạt vướng mắc pháp lý, khiến công tác xử lý nợ xấu chuyển biến rõ rệt.
“Sau khi Nghị quyết 42 ra đời, tốc độ xử lý nợ xấu tại VAMC tăng gấp 1,5 lần, kết quả thu hồi nợ của VAMC từ khi Nghị quyết có hiệu lực đạt 91.381 tỷ đồng, bằng 60% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến cuối tháng 3/2020”, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC cho biết.
Mặc dù vậy, VAMC và các tổ chức tín dụng cho hay, vẫn còn rất nhiều vướng mắc liên quan đến thực hiện quyền thu giữ tài sản đảm bảo, áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ về thuế, phí khi xử lý tài sản bảo đảm, thiếu hướng dẫn từ các bộ, ngành…
Cần “luật hóa” Nghị quyết 42
Trong buổi gặp gỡ với lãnh đạo NHNN về kết quả triển khai Nghị quyết 42 tuần qua, lãnh đạo nhiều tổ chức tín dụng đều bày tỏ mong muốn, các bộ, ngành vào cuộc tích cực hơn trong xử lý nợ xấu.
Đơn cử, theo quy định tại Nghị quyết 42, số tiền thu được từ xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, án phí… Tuy nhiên, thực tế, các cơ quan thuế đều bắt buộc phải hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế trước, nếu không, sẽ không thể làm thủ tục sang tên cho người mua trúng đấu giá.
Tương tự, nhiều cơ quan thi hành án sau khi xử lý tài sản đảm bảo nợ vay lập tức trích luôn án phí, thuế thu nhập cá nhân với tài sản thế chấp ngân hàng đã bán đấu giá thành công trước khi chuyển tiền về ngân hàng, dù tài sản thế chấp khoản vay ở ngân hàng sau khi bán xong không trả đủ nợ cho ngân hàng.
Các ngân hàng cũng đề nghị tòa án sớm áp dụng trình tự rút gọn, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện quy định về điều kiện chuyển nhượng tài sản đảm bảo nợ xấu là dự án bất động sản, đề nghị Bộ Công an, chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt hơn cùng với ngành ngân hàng xử lý nợ xấu.
Về lâu dài, để giải quyết căn cơ vấn đề nợ xấu, ông Nguyễn Tiến Đông cho rằng, cần phải “luật hóa” Nghị quyết 42.
“Một trong những lý do chính khiến việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 chưa có hiệu quả cao là do Nghị quyết chưa được luật hóa, nên các chế tài chưa rõ ràng. Nhiều quy định tại Nghị quyết khi triển khai phải dựa vào nhiều bộ luật, mà giá trị pháp lý thậm chí quy định còn cao hơn cả Luật Các tổ chức tín dụng, nên rất khó cho VAMC và các ngân hàng khi triển khai. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, thời gian tới, nhất thiết phải luật hóa Nghị quyết 42, đưa ra chế tài và quy rõ nhiệm vụ cho từng ngành, địa phương”, ông Đông đề nghị.
- Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh