Trang chủ
Cần một không gian mới cho Thanh Hóa
Khánh Linh - 05/07/2020 07:27
Sáng 4/7/2020, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Ông Nguyễn Văn Bình,Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 

3 đột phá quan trọng

Giai đoạn 2010 - 2020, Thanh Hoá đạt được nhiều thành tựu.

Thứ nhất là đột phá về tốc độ tăng trưởng kinh tế, GRDP bình quân hàng năm ước đạt 10,3%/năm, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và trong nhóm ít các tỉnh dẫn đầu cả nước. Quy mô nền kinh tế tăng gấp 4,5 lần năm 2010, đứng thứ 8 cả nước.

Thứ 2 là đột phá về thu ngân sách. Dự kiến năm 2020, thu ngân sách của tỉnh ước đạt 28.967 tỷ đồng, gấp 5,5 lần năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ, đứng thứ 11 cả nước.

Thứ 3 là đột phá về thu hút vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có 132 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 14,13 tỷ USD , đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ, đứng thứ 8 cả nước

Đặc biệt, các chuyên gia phân tích, cơ cấu kinh tế Thanh Hóa đã xác định những nét chính rõ ràng, đó là lấy công nghiệp làm nền tảng, động lực cho sự phát triển và nông nghiệp và dịch vụ là điểm tựa vững chắc cho nền kinh tế.

Hàng loạt những dự án công nghiệp lớn, trọng điểm, có sức lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy kinh tế của tỉnh và các tỉnh lân cận phát triển. Trong đó, Khu kinh tế Nghi Sơn - là hạt nhân, là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của Việt Nam với nhiều chính sách ưu đãi nổi trội, đã trở thành điểm đến hấp dẫn, sôi động trong mắt các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Đến nay, Khu kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được 246 dự án (trong đó có 19 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 130.000 tỷ đồng và 12,7 tỷ USD, thực sự trở thành một khu kinh tế ven biển phát triển năng động, một trọng điểm của vùng kinh tế Bắc Bộ.

Thanh Hoá cũng đã thu hút được hàng loạt các dự án nông nghiệp lớn như: Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp TH True milk; nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm VietAvis; các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn của công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam...

Đặc biệt, quy mô lớn về diện tích và dân số; có vị trí giống như “yết hầu” của cả nước; có đầy đủ 5 loại hình giao thông; nằm trên con đường huyết mạch từ Bắc vào Nam; là nơi kết nối đồng bằng sông Hồng với Bắc Trung Bộ; Tây Tây Bắc và Bắc Lào với biển..., Thanh Hóa đang có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển toàn diện các ngành kinh tế cả nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

 Cần nghị quyết cho Thanh Hóa

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho rằng, Thanh Hóa đang chờ một  cú hích, một động lực, một không gian mới để Thanh Hóa cất cánh trong những năm tới.

Về tổng thể, sau 10 năm xây dựng và phát triển, Thanh Hoá đã đạt được những thành tựu quan trọng, to lớn, có tính bứt phá, mở ra những cơ hội và là động lực tăng trưởng mạnh mẽ đối với sự phát triển của tỉnh cũng như của vùng. Tuy nhiên, Thanh Hoá chưa thực sự đảm đương được vai trò trung tâm, động lực phát triển của khu vực, chưa khắc phục được những khó khăn, vướng mắc nảy sinh và những thách thức mới.

Phát triển kinh tế, xã hội của Thanh Hoá thời gian qua vẫn bộc lộ những hạn chế, yếu kém như:  GRDP bình quân đầu người của Thanh Hoá vẫn thấp hơn bình quân chung cả nước; chất lượng tăng trưởng kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; kết cấu hạ tầng vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Khu Kinh tế Nghi Sơn là động lực phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực, nhưng đầu tư kết cấu hạ tầng còn chậm, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư. Hệ thống đô thị phát triển chậm.

Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh chưa đủ cân đối cho yêu cầu chi và đòi hỏi ngày càng cao của đầu tư phát triển. Khu vực miền núi của tỉnh rộng lớn, địa hình phức tạp, kết cấu hạ tầng còn thiếu, lại thường xuyên phải gánh chịu thiên tai, bão lũ nên đời sống của Nhân dân còn rất nhiều khó khăn.

Thanh Hóa cũng chưa khẳng định được là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ giao lưu trao đổi hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế thông qua hệ thống đường bộ, đường sắt và cảng biển Nghi Sơn...

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt với truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng; có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh; có nhiều tiềm năng, lợi thế với nguồn lực to lớn về đất đai, con người, giao thông thuận tiện.

Căn cứ vào kết quả 10 năm triển khai các chủ trương lớn của Đảng, các kiến nghị của Thanh Hóa và các tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương; để đảm bảo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa thời gian tới, thực hiện chương trình làm việc của Bộ Chính trị năm 2020, Ban Bí thư thành lập Ban Chỉ đạo 281-QĐ/TW triển khai xây dựng Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, giao Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan Thường trực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hoá triển khai xây dựng Đề án.

Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị sẽ xem xét, ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Nghị quyết phải tạo ra các cơ chế chính sách cho Thanh Hóa phát triển đột phá, để Thanh Hóa vì cả nước và cả nước vì Thanh Hóa, cũng chính là để hiện thực hóa được lời căn dặn của Bác “Tỉnh Thanh theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.


Tin liên quan
Tin khác