Y tế - Sức khỏe
Cần nâng mức cảnh báo với dịch Covid-19
D.Ngân - 25/04/2021 08:42
Với nhiều nguy cơ dịch từ biên giới Tây Nam chuyên gia khuyến cáo Việt Nam cần nâng mức cảnh báo, tránh tâm lý chủ quan của người dân.

Nhận định về tình hình dịch hiện nay, ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho hay, hiện nay, người dân đang rất chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Dịp nghỉ lễ lượng người tập trung tại một địa điểm lớn, nguy cơ bùng phát dịch nếu có ca bệnh xâm nhập lớn.

“Nếu chẳng may nguồn bệnh xâm nhập thì việc khống chế dịch bệnh sẽ rất khó khăn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của cá nhân và cả cộng đồng”, ông Phu lo ngại.

Lo lắng nêu trên của ông Phu là hoàn toàn có cơ sở bởi tình hình dịch biên giới phía Tây Nam của Việt Nam rất phức tạp trong khi đó Việt Nam chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ dài, lượng người đi du lịch tăng cao.

“Nếu chẳng may để sót lọt một ca bệnh dương tính nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, thì sẽ rất khó khăn để khống chế”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng lo ngại.

Trước thực tế nêu trên, ông Phu cho rằng khai báo y tế lại càng cần thiết và phải siết chặt hơn bao giờ hết. "Cần kêu gọi người dân khai báo y tế trung thực và cơ quan chức năng phải giám sát chặt chẽ việc khai báo y tế, để có thể truy vết, ứng phó kịp thời khi dịch bệnh xảy ra”, ông Trần Đắc Phu nói.

Đưa ra các giải pháp cụ thể, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện công cộng cho biết, dự phòng phải đi trước một bước.

Bản thân các cơ qua chức năng phải kiểm soát thật chặt đường biên giới. Thực hiện cách ly nghiêm ngặt đối với các trường hợp nhập cảnh, kể cả hợp pháp và bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, theo ông Phu, cơ quan chức năng cần tuyên truyền người dân vận động người thân về nước bằng đường nhập cảnh hợp pháp, nếu phát hiện người dân về nước mà nhập cảnh trái phép, chưa khai báo y tế thì cần phải khai báo ngay để được cách ly, tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

“Đồng thời chuẩn bị đáp ứng tốt ở khu vực biên giới, để nếu dịch bùng phát, có ca bệnh thì phát hiện, cách ly, khoanh vùng ngay, thực hiện 4 tại chỗ", ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Đặc biệt, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam cũng cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải nâng mức cảnh báo Covid-19 lên, để cảnh báo người dân chủ động phòng chống dịch bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh ở các nước trong khu vực, nhất là ở các tỉnh bạn giáp biên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương cần tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, tăng cường tuần tra trên biển để hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài nhưng cũng đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra (kể cả các trường hợp xấu nhất) để chủ động ứng phó.

Người đứng đầu ngành Y tế yêu cầu địa phương cần xây dựng các kịch bản, phương án cách ly, phong tỏa để hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, phát triển kinh tế nhưng vẫn phòng, chống dịch hiệu quả khi xuất hiện các ca bệnh xâm nhập hay ca bệnh trong cộng đồng; nâng cao năng lực, công suất xét nghiệm với sự hỗ trợ từ Viện Pasteur TP.HCM…

Liên quan tới công tác phòng chống dịch, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 541/CĐ-TTg ngày 23/4/2021 về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh C-19.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra với phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện có tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng.

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp... thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch, cập nhật kết quả tự đánh giá trên hệ thống bản đồ chống dịch.

Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi và trên địa bàn quản lý, nhất là tại các cơ sở y tế, trường học, cơ sở du lịch, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, sân bay, bến xe...; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm phòng, chống dịch.

Trường hợp phát hiện ca bệnh, phải tập trung chỉ đạo, áp dụng ngay các biện pháp khoanh vùng, truy vết, cách ly; kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Việc áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội phải theo phương châm thiết thực, hiệu quả; bảo đảm an toàn nhưng không để sản xuất, kinh doanh bị đình trệ ở quy mô quá mức cần thiết; hạn chế tối đa tác động bất lợi đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

Tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết; trường hợp tổ chức, phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn, đặc biệt, phải tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn... theo đúng quy định.

Với Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát, hoàn chỉnh các phương án phòng, chống dịch ở quy mô quốc gia, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống dịch bệnh.

Rà soát, hoàn chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp trong tình hình mới, hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn trong các sự kiện, hoạt động có tập trung đông người, tại các cơ sở thường xuyên tập trung đông người.

Phân bổ và tổ chức tiêm vắc xin phù hợp với tình hình diễn biến dịch, bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để vắc xin bị quá hạn. Tiếp tục chủ động tiếp cận với các nguồn vắc xin khác trên thế giới đồng thời tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước.

Tăng cường tầm soát chủ động, xét nghiệm trên diện rộng đối với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp và các trường hợp khác có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng.

Với các Bộ: Quốc phòng, Công an, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh trên các tuyến biên giới.

Bộ Công an, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục tăng cường hoạt động rà soát, phát hiện nhanh các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn, xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp nhập cảnh trái phép, nhất là ở các tỉnh biên giới, đặc biệt là biên giới Tây Nam.

Tin liên quan
Tin khác