Khi nhà thiếu lửa
Với đa số cư dân đô thị hiện nay, mỗi ngày đều chen chúc ra đường mưu sinh và hối hả trở về “gác trọ” của mình, sinh hoạt ăn uống riêng tư rồi khép cửa, không biết đến nhà bên, phòng bên.
Tại nhiều khu chung cư, cư dân lên mạng bức xúc về thực trạng đô thị rất nhiều, nhưng ít ai đóng góp điều gì cụ thể cho “ngôi nhà chung” đó, thậm chí với ngôi nhà riêng cũng dần lãng quên sự chăm chút. Chưa bao giờ giới trẻ nói nhiều về café đường phố, về những thú lang thang miền xa lạ, về nơi tụ tập, góc chém gió… nhiều như hiện nay.
Còn khi nhìn về ngôi nhà riêng của mình, không ít người trẻ, gia đình trẻ đều bộc lộ sự e ngại về môi trường sống, hoài niệm quá khứ và mong mỏi có chút không gian để ngồi với nhau, hưởng chút gì đó thân quen đơn giản.
Ngôi nhà, nói đúng nghĩa là một nơi trú ẩn an toàn, riêng tư của mỗi người, là nơi tình thương gia đình trú ngụ, là nơi tiếp năng lượng và tái tạo năng lượng sống cho mỗi cá nhân. Và đôi khi, nhà còn là nơi để mỗi người được sống đúng là chính mình.
Tuy nhiên, nhìn vào xu hướng thiết kế nhà ở bây giờ, nhiều căn hộ chung cư hay nhà ống diện tích nhỏ thường được gia chủ thiết kế theo kiểu “ngại giao tiếp”. Họ bỏ đi phòng khách hoặc phòng sinh hoạt chung nhằm gia tăng diện tích cho chỗ sinh hoạt cá nhân. Căn nhà chỉ giữ lại nơi xem tivi, nghe nhạc cá nhân, hay một góc hít thở nhỏ xíu 2 người ngồi còn chật. Vì vậy mà tính kết nối gia đình bị giảm sút.
Khi cần tổ chức tiệc hay sum họp ở nhà thì không có chỗ, đành rủ nhau ra ngoài quán, vừa đỡ công nấu nướng vừa đỡ công dọn dẹp. Nhưng sau những lần ra ngoài như vậy, người già và trẻ em lại trở thành hai đối tượng không vui nhất. Người già lặng lẽ tham dự giữa đám thanh niên ồn áo, náo nhiệt. Còn trẻ em cần tương tác với gia đình nhiều hơn thì chẳng có chỗ để chơi.
Quây quần ở nhà với các không gian quen thuộc, thoải mái, hướng bọn trẻ cùng chia sẻ việc nhà khi có sự kiện… là cách người phương Tây đang giáo dục con em họ lâu nay. Cho dù đủ 18 tuổi là cha mẹ cho bay nhảy, ra riêng, thì những giá trị trải nghiệm thời quây quần tuổi thơ ấu sẽ vẫn còn đọng mãi và được tiếp nối đến thế hệ sau.
Muốn đi xa phải đi cùng nhau
Khi được hỏi điều gì được mong ước nhất sau một ngày làm việc đầy áp lực, nhiều vị doanh nhân, giám đốc doanh nghiệp cho biết, họ chỉ muốn được trở về nhà, một căn nhà thật bình yên, nơi có thể giúp họ hồi phục năng lượng và cân bằng cuộc sống.
Chị bạn giám đốc điều hành một doanh nghiệp lớn chuyên về taxi từng chia sẻ với người viết, có những ngày nhiều việc, mà việc nào cũng rắc rối không biết phải bắt đầu giải quyết từ đâu, cô bèn thu xếp máy tính và lái xe trở về nhà.
Điều đầu tiên cô làm khi bước chân về tới nhà là kéo rèm, mở cửa sổ để hơi gió mang mùi cỏ cây ùa vào phòng, hướng tầm mắt nhìn ra khung cảnh thật đẹp xung quanh, hít thở thật sâu và tự thưởng cho mình một ly vang trong khi đang ngắm nhìn hoàng hôn thật đẹp từ tầm nhìn tuyệt vời của căn hộ cao cấp nơi cô đang ở.
Đó là cách hiệu quả mà vị nữ giám đốc giải quyết vấn đề và lần nào cũng đem lại kết quả tốt đẹp. Những vấn đề hóc búa trở nên đơn giản khi bạn dành cho mình những phút giây đáng giá để thở, để tìm lại sự tĩnh tại, và bình tâm để giải quyết vấn đề.
Với những người thành đạt và bận rộn, cô cho rằng, không gian sống quan trọng hơn bất cứ điều gì. Đó không phải chỉ là nơi để thể hiện đẳng cấp, gu sống, mà đó là nơi để họ trở về “nạp” lại năng lượng, tìm kiếm sự sáng tạo, nuôi dưỡng tâm hồn và tình yêu.
Tất nhiên, để làm được như vậy, chị đã phải dành rất nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu, cũng như tham khảo các kiến trúc sư làm sao để định vị phong cách và cấu trúc không gian sao cho phù hợp với nhu cầu của mình nhất, đồng thời vẫn phải đảm bảo tạo ra cái hồn riêng.
Không phải ngẫu nhiên, nhiều người cho rằng ngôi nhà cũng như con người, có chu kỳ theo nhịp sinh học của một ngày, một tháng, một năm… và luôn tồn tại các mặt đối lập. Vì thế, nếu chỉ là ngôi nhà có đủ mọi thứ nhưng chung chung, nhạt nhòa, đi xa không nhớ nhà mình có gì đặc sắc thì làm sao mà muốn về?
Do đó, tùy theo quá trình trải nghiệm (hàng ngày) hay đích đến sự kiện (tùy lúc) mà xác định các không gian tương ứng, sao cho một ngày phải có lúc tụ tập gia đình quanh bàn ăn, một tháng có lần quây quần người thân, bạn bè và một năm làm gì thì làm không thể bỏ qua thời điểm đoàn viên dịp cuối năm cũ đầu năm mới.
Chính vì thế, ngay từ khi chọn thiết kế cho căn hộ đầu tiên của mình, cô luôn mong muốn những thiết kế hay bài trí nhà cửa cần đảm bảo yếu tố “sự kiện” được tổ chức tiện nghi, vui vẻ, ít xáo trộn đến nếp sinh hoạt ngày thường.
Dĩ nhiên, không nhất thiết mọi thứ đều phải làm tại nhà, nhưng rõ ràng trong thiết kế nhà cần xác định rõ về mặt tổ chức không gian mỗi ngôi nhà nên có ít nhất một góc đoàn viên quây quần. Có thể là phòng khách, phòng thờ, khu bếp ăn, hay thậm chí là khoảng sân thượng kê được vài ghế, trang trí tùy theo sự kiện.