Ngân hàng - Bảo hiểm
Cạn room tín dụng, ngân hàng tìm cách xoay xở
Vân Linh - 03/08/2022 07:59
Trong khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa có động thái lỏng tay với room tín dụng, các ngân hàng đang cố gắng “xoay xở” trong dư địa còn lại.

Ngân hàng sẽ làm gì?

Khác với cùng kỳ năm trước, báo cáo tài chính bán niêm năm nay cho thấy, không một nhà băng nào tăng trưởng tín dụng âm. Dư nợ tín dụng của hầu hết ngân hàng đều tăng trưởng ở mức trên dưới 10%.  

Theo các nhà băng, thu từ hoạt động tín dụng vẫn chiếm hơn 70-80% tổng nguồn thu của các ngân hàng. Thậm chí, với những ngân hàng nhỏ vẫn “độc canh” tín dụng, thì tỷ trọng này còn lớn hơn nhiều.

Việc NHNN không chỉ siết chặt tăng trưởng tín dụng, mà còn kiểm soát tín dụng chảy vào bất động sản, chứng khoán, cho vay tiêu dùng… sẽ khiến thu nhập từ lãi của nhiều ngân hàng giảm mạnh trong thời gian tới. Với các ngân hàng đã cạn room tín dụng, tình hình còn khó khăn hơn nhiều.

Lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, họ sẽ cố gắng “xoay xở” trong dư địa còn lại. Theo đó, giải pháp đầu tiên được nhắc tới là đẩy mạnh thu hồi các khoản nợ đã đến hạn để mở rộng dư địa cho tín dụng mới. Song giải pháp này là khá hạn chế, vì còn tùy thuộc vào khả năng trả nợ của khách hàng.

Giải pháp thứ hai là đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn. Có nghĩa, các ngân hàng chỉ xem xét cho vay ngắn hạn, các khoản cho vay tiêu dùng trong thời gian ngắn từ 1-3 tháng, đồng thời hạn chế tối đa cho vay dài hạn. Cuối cùng là đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, bán chéo sản phẩm, kinh doanh bảo hiểm… tăng nguồn thu ngoài lãi.

Nhiều ngân hàng đang chờ được nới thêm room tín dụng để có dư địa triển khai cho vay, đáp ứng cầu vốn tăng cao trong 2 quý cuối năm. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, các đề xuất nới room vẫn đang được cân nhắc. Do đó, nhiều ngân hàng đã hạn chế cho vay mới và chủ động tái cơ cấu nguồn vốn.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc thường trực VPBank cho biết, VPBank kỳ vọng quyết định của NHNN về việc phân bổ room tín dụng cho các NHTM sẽ sớm được thông qua và công bố. Trong 6 tháng đầu năm, tín dụng của VPBank dành hầu hết cho hai phân khúc chiến lược là khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có vốn điều lệ trên 12.000 tỷ đồng tại TP.HCM cũng thừa nhận, 2 tháng nay, ngân hàng này chỉ cho vay với phân khúc mua nhà ở tại các dự án có thanh khoản tốt và trị giá khoảng 3 tỷ đồng, đồng thời hạn chế dần đối với cho vay tiêu dùng, chờ room tín dụng được nới rồi tính tiếp.

Theo ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc Khối Cho vay khách hàng cá nhân, Ngân hàng Shinhan Việt Nam, chủ trương hạn chế tín dụng bất động sản, như NHNN đã nhiều lần chia sẻ, chỉ áp dụng đối với các dự án bất động sản không phục vụ nhu cầu ở thực, còn với cá nhân vay mua nhà ở thì không hạn chế, thậm chí khuyến khích như đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội. Tuy vậy, một khi room tín dụng cạn, thì việc hạn chế giải ngân sẽ áp dụng cho hầu hết mục đích sử dụng vốn.

Khi chưa được nới room...

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến ngày 20/7, tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống đã tăng 9,27% so với cuối năm 2021, cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2021 ở 6,47%. Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng đến ngày 30/6 đã là 9,35%, tương đương với tín dụng đã giảm 0,08 điểm % trong tháng 7. Tuy vậy, mức tăng này vẫn tương đương hơn 66% tổng chỉ tiêu tín dụng cả năm mà NHNN đã đề ra.

Tính đến hết tháng 6, nhiều nhà băng đã tăng trưởng tín dụng gần chạm hạn mức được cấp từ đầu năm. Kết quả là, một số người dân và doanh nghiệp tìm đến ngân hàng nhưng bị từ chối hoặc phải chờ đợi, do ngân hàng hết “room”. Một vài doanh nghiệp bất động sản còn rơi vào thế khó khi dự án đang triển khai nhưng khoản vay ngàn tỷ chưa được giải ngân.

Có nhiều lý do khiến các ngân hàng gần hết dư địa cho vay, nhưng theo NHNN, nguyên nhân chính xuất phát từ việc tín dụng đã tăng quá nhanh trong nửa đầu năm nay. Năm 2022, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Theo cơ quan quản lý, tỷ lệ trên được đưa ra dựa trên tăng trưởng thực tế năm 2021 ở mức 13,61% và năm 2020 là 12,17%. Bên cạnh đó, chỉ tiêu này còn được xây dựng dựa trên mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%; lạm phát khoảng 4% và dự toán ngân sách Quốc hội giao.

Trong quá trình điều hành, NHNN luôn cập nhật và bám sát diễn biến lạm phát, tăng trưởng GDP, tình hình kinh tế trong, ngoài nước, tiến độ xây dựng, thực hiện Đề án Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội… Trong khi chưa có quyết định nới “room”, lãnh đạo NHNN nhiều lần đề cập chuyện các ngân hàng “tự thân vận động” bằng cách sàng lọc và cơ cấu lại danh mục tín dụng theo chiều hướng lành mạnh hơn.

Tin liên quan
Tin khác