Tư vấn… “đá” luật chan chát
Vừa qua, Gói thầu số 24: Cung cấp và lắp đặt máy phát điện dự án xây dựng Tòa nhà Quỹ đầu tư Phát triển tỉnh Bình Dương đã bị nhà thầu tố vi phạm pháp luật đấu thầu ngay khi phát hành hồ sơ mời thầu. Hồ sơ mời thầu này do Công ty cổ phần Đầu tư Kiểm định và xây dựng Sông Hồng (Công ty Sông Hồng) được chủ đầu tư chọn là đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu.
Cụ thể, nhà thầu Công ty cổ phần Sáng Ban Mai (nhà thầu SBM) gửi kiến nghị tới Chủ đầu tư nêu: Tại Phần 2 đề cập tới yêu cầu về phạm vi cung cấp, phần mô tả hàng hóa thiết bị số 1 được nêu cụ thể “Hàng hóa mới 100%, chưa qua sử dụng, sản xuất từ năm 2015 trở về sau, xuất xứ tổ máy phát điện thuộc nhóm G7” là trái với quy định tại Điều 12, khoản 7 Nghị định 63/2004/NĐ-CP. Ngoài ra, nhà thầu cũng tố thêm 2 nội dung khác trong hồ sơ mời thầu là bảng điều khiển và board mạch do nhà sản xuất tổ máy phát điện thiết kế chế tại tại hãng và yêu cầu đối với phần động cơ có số xy lanh từ 12 trở lên.
Nhà thầu SBM cho rằng, các nội dung này mặc định hướng đến nhà sản xuất, lắp ráp nước ngoài. Không những thế còn loại luôn cả các loại động cơ được sản xuất bởi nhiều hãng nổi tiếng thế giới như Perkins (Anh), Volvo (EU), Mitsubishi (Nhật Bản)… Sau khi chỉ ra mặt sai sót, nhà thầu SBM đề nghị chủ đầu tư điều chỉnh sai sót trong hồ sơ mời thầu trên.
Trả lời kiến nghị trên, đơn vị tư vấn đấu thầu, Công ty Sông Hồng đã có văn bản số 82/VMCC do bà Nguyễn Tuyết Mai, Tổng giám đốc ký ngày 15/4/2016 khẳng định rằng, việc lập hồ sơ mời thầu gói thầu trên đã tuân thủ, phù hợp với quy định hiện hành và không điều chỉnh hồ sơ mời thầu. Không đồng tình, nhà thầu SBM kiến nghị lên Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Công Thương tỉnh Bình Dương để phản ánh những sai phạm trên của đơn vị tư vấn đấu thầu. Ngay khi có ý kiến phản hồi từ 2 Sở nói trên thì phía đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu và chủ đầu tư mới ban hành quyết định sửa đổi hồ sơ mời thầu để sửa sai.
Sự việc tương tự vừa diễn ra tuần qua khi lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Kiên Giang phải khẩn cấp đưa ra quyết định số 132/QĐ-SYT sửa đổi hồ sơ mời thầu gói thầu 43b: Thang máy thuộc dự án Bệnh viện Lao tỉnh Kiên Giang để kịp thời chữa cháy những lỗi “trái khoáy” do tư vấn đấu thầu, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Thống Nhất (tỉnh Kiên Giang) tư vấn lập hồ sơ. Điều đáng mừng là việc điều chỉnh này được thực hiện ngay trước ngày mở thầu, giúp tránh được những rắc rối có thể xảy ra trong tương lai.
Phải thừa nhận rằng ở 2 gói thầu đề cập trên đây, dù tư vấn lập hồ sơ mời thầu làm sai nhưng sau khi có ý kiến phản ánh từ nhà thầu và báo chí thì chủ đầu tư rất cầu thị và kịp thời sửa sai ngay trong giai đoạn làm rõ hồ sơ mời thầu nên khả dĩ đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu. Tuy nhiên, trên thực tế, không nhiều sai sót tại các dự án đầu tư dùng vốn ngân sách nhà nước được lắng nghe và cầu thị sửa chữa như hai dự án nói trên, nên đã gây thiệt hại kinh tế và rất khó sửa chữa, khắc phục hậu quả về sau.
Đơn cử như sai phạm xảy ra ở gói thầu số 6 cung cấp 2 máy phát điện, loại máy công suất 2250KVA thuộc Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai. Ông Phan Minh Tri, đại diện phát ngôn chủ đầu tư cho biết: Khi sai phạm được xác định thì gói đầu đã thực hiện xong và đưa vào sử dụng, nên chủ đầu tư không thể quay lại để sửa chữa. Chủ đầu tư không hiểu tường tận quy định của pháp luật đấu thầu nên đã thuê đơn vị tư vấn đấu thầu là Trung tâm Tư vấn Công nghiệp Đồng Nai. Chủ đầu tư không đủ năng lực để kiểm soát hết nội dung tư vấn. Khi hợp đồng với đơn vị tư vấn, chủ đầu tư đã trả hết phí tư vấn rồi nhưng khi xảy ra lỗi, chủ đầu tư lại phải gánh trách nghiệm giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước.
Phía tư vấn đấu thầu chỉ phải báo cáo kiểm điểm nhận trách nhiệm chứ cũng chẳng hề hấn gì và cũng không bị trừ tiền. Tới nay, sau hơn 10 tháng sai phạm được xác định thì việc xử lý, xử phạt tồn tại vẫn là một bài toán nan giải đặt ra cho chủ đầu tư và chính quyền địa phương.
Trên thực tế, chưa có con số thống kê cụ thể nào về các sai phạm nguyên do từ các đơn vị tư vấn đấu thầu, song theo ý kiến của nhiều nhà thầu, tình trạng trên diễn ra phổ biến. Dẫn chứng là chỉ trong một cuộc kiểm tra đột xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào năm ngoái thì đã có hàng loạt đơn vị tư vấn đấu thầu bị điểm mặt vì có sai phạm.
Cụ thể, kết luận 5580/BKHĐT-QLĐT đã xác định năng lực yếu kém, không nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về đấu thầu với các đơn vị như Công ty TNHH Khảo sát thiết kế tư vấn Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Quản lý dự án Tín Nghĩa, Công ty cổ phần Thiết kế công nghiệp và dân dụng (TP. Hồ Chí Minh), Trung tâm Tư vấn công nghiệp Đồng Nai, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Mỹ Thuận (tỉnh Vĩnh Long), Công ty cổ phần Tư vấn Đâu tư xây dựng văn hóa xã hội An Giang.
Điều khó hiểu là các đơn vị tư vấn kể trên vẫn “bình yên vô sự”, không bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu có thời hạn mặc dù theo quy định tại khoản 3 Điều 122 Nghị định 63/2014/NĐ-CP thẩm quyển xử lý sai phạm của đơn vị này được giao cho Chủ tịch UBND tỉnh các địa phương nơi có dự án đấu thầu xảy ra sai phạm.
Mạnh tay với tư vấn sai phạm
Ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty SBM nêu quan điểm: Vai trò tư vấn đấu thầu rất quan trọng, nhất là dự án dùng vốn ngân sách. Trong nhiều trường hợp, chủ đầu tư phó thác hết cho tư vấn. Do vậy, tư vấn đấu thầu chịu trách nghiệm cao thì cần có trình độ chuyên môn cao để đánh giá tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa dự thầu.
“Hơn ai hết, tư vấn phải tuân thủ nghiêm túc luật pháp vì nếu tư vấn làm sai sẽ dẫn tới chủ đầu tư sai. Nguyên nhân sai sót, ngoài yếu tố khách quan là các đơn vị tư vấn chưa đủ trình độ, không cập nhật văn bản pháp quy chúng ta không loại trừ yếu tố chủ quan. Bởi bản thân công ty tư vấn, tư vấn viên (người được cấp chứng chỉ đấu thầu) có thể lồng ghép mong muốn, ý thức chủ quan của mình vào hồ sơ mời thầu để tạo ưu thế cho một nhà thầu mục tiêu định sẵn. Hành vi này thực tế diễn ra nhưng rất khó bắt bài và xác định”, ông Trọng nói và cho biết thêm, các nhà thầu cần ở tư vấn đấu thầu là tính công bằng, làm đúng pháp luật. Không ít trường hợp rất khó lý giải nổi như lỗi sơ đẳng về xuất xứ được quy định rất rõ trong luật mà đơn vị tư vấn vẫn vướng phải. Tư vấn không thể nào là “tay mơ” trong trường hợp này.
Ông Trọng nhấn mạnh, để chấn chỉnh hoạt động tư vấn đấu thầu, cơ quan quản lý có thẩm quyền ở địa phương cần siết chặt quản lý, nếu phát hiện sai phạm phải xử nghiêm minh. Chế tài đã đầy đủ, thẩm quyền cũng được phân cấp cho Chủ tịch UBND các địa phương. Theo quy định, các tư vấn viên đấu thầu có thể bị rút chứng chỉ hành nghề, nhưng chỉ dừng lại ở hình thức nhắc nhở, kiểm điểm rút kinh nghiệm mãi thì không có sức răn đe. Mạnh tay hơn cần cấm cửa một số đơn vị tư vấn, nhà thầu vi phạm mức đô nghiêm trọng.
Cũng từ góc nhìn nhà thầu, ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thang máy Thiên Nam cho rằng, việc kiểm soát tư vấn không dễ. Đơn vị tư vấn là đích ngắm hấp dẫn của các nhà thầu không nghiêm túc. Các nhà thầu này coi tư vấn là phương tiện để “đầu tư quan hệ”, nhằm tìm kiếm sự ưu ái. Ngoài tăng cường quản lý từ phía cơ quan quản lý nhà nước thì vai trò của chủ đầu tư cũng cần phải nâng lên. Chủ đầu tư nghiêm túc thì tư vấn không thể tự tung tự tác làm sai được. “Chúng ta cần sự vào cuộc đồng bộ để đấu thầu dự án không trở thành nơi bát nháo”, ông Vũ bức xúc nói.
Theo một chuyên gia của Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch Đầu tư) thì đấu thầu là hoạt động mang tính chuyên nghiệp rất cao, bài bản, đòi hỏi người làm nghề phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp. Thời gian qua bên cạnh các công ty tư vấn đấu thầu có năng lực, kinh nghiệm chuyên môn, hiểu biết pháp luật đầy đủ đã tư vấn rất tốt nhiều dự án, công trình xây dựng bảo đảm tiến độ, chất lượng, đúng luật thì cũng xuất hiện rất nhiều thông tin khiếu nại cho rằng, nhiều cuộc đấu thầu không đảm bảo khách quan, minh bạch, có biểu hiện tiêu cực, thậm chí là thông thầu. Trong đó, có nhiều sai sót xuất phát từ tư vấn đấu thầu.
Vị chuyên gia này cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới những sai sót đó. Thứ nhất là, các tư vấn viên không nắm vững chuyên môn, quy định pháp luật, hiểu biết nghề nghiệp không đầy đủ dẫn tới chất lượng hồ sơ mời thầu, công tác chấm thầu, lựa chọn nhà thầu kém. Thứ hai là, dù tư vấn viên hiểu biết nhưng đạo đức nghề nghiệp kém, chủ yếu mang tính chất môi giới, dàn xếp giữa ý muốn của chủ đầu tư với các nhà thầu “sân sau”.
“Cái này thể hiện bằng việc khi lập hồ sơ mời thầu, tư vấn cố gắng tạo lợi thế cho nhà thầu quen biết. Bên cạnh đó còn tạo các điều kiện "giăng bẫy" các nhà thầu không thuộc phe mình để loại bỏ. Không những thế, tư vấn còn đưa vào hồ sơ mời thầu các yêu cầu quá đáng, không theo quy định hoặc các điều kiện biên mà trong pháp luật đấu thầu không quy định, như bắt phải có chứng chỉ hành nghề này, chứng chỉ hành nghề kia, bắt phải bảo hiểm xã hội… Một biểu hiện nữa là chấm thầu không đúng quy định, các trường hợp mà pháp luật yêu cầu phải làm rõ, phải dành thời gian nhất định cho nhà thầu bổ sung hồ sơ, tài liệu thì lại không cho nhà thầu làm rõ hoặc có cho làm rõ thì như đánh đố vì không nhà thầu nào đáp ứng được thời gian”, chuyên gia yêu cầu giấu tên chia sẻ.
Chuyên gia này cũng cho biết thêm: Trong trường hợp phát hành hồ sơ mời thầu rồi hoặc kết quả đấu thầu đã được thông báo mà nhà thầu có khiếu nại, kiến nghị thì cố tình không xem xét. Có cả trường hợp tư vấn đấu thầu vừa lập hồ sơ mời thầu cho chủ đầu tư vừa viết hồ sơ dự thầu cho nhà thầu.
Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan quản lý nhà nước được phân cấp cần tăng cường kiểm tra, giám sát và kịp thời giải quyết các kiến nghị của nhà thầu chân chính. Bên cạnh đó, phải nêu cao trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo đứng đầu địa phương về tính thượng tôn pháp luật, không can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu.