Theo UBND TP. Cần Thơ, qua tổng hợp kết quả giải ngân chi tiết vốn đầu tư công theo số liệu của Kho bạc Nhà nước Cần Thơ, đến hết ngày 30/6/2023 đã giải ngân 3.002,719 tỷ đồng, đạt 37,04% kế hoạch vốn thực hiện được giao chi tiết, gấp 1,84 lần về giá trị và tăng 14,69% về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, cấp thành phố có 28 chủ đầu tư, giải ngân 2.002,271/6.220,035 tỷ đồng, đạt 32,19%, gấp 2,18 lần về giá trị và tăng 15,85% về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, có 7 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân trên 50%, 7 chủ đầu tư giải ngân từ 30% - 50%, 14 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới 30% (trong đó, có 2 chủ đầu tư chưa giải ngân là Sở Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Thành ủy).
Cấp quận, huyện giải ngân 1.000,448/1.886,874 tỷ đồng, đạt 53,02%, tăng 284,857 tỷ đồng về giá trị và tăng 10,77% về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 6 quận,huyện có tỷ lệ giải ngân trên 50% kế hoạch vốn (Cờ Đỏ, Thốt Nốt, Bình Thủy, Ninh Kiều, Ô Môn, Thới Lai) và 3 quận, huyện có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn (Phong Điền, Vĩnh Thạnh, Cái Răng).
Theo đánh giá của UBND TP. Cần Thơ, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố những tháng đầu năm 2023 chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn Cần Thơ khởi công năm 2023, được bố trí vốn lớn (1.837 tỷ đồng), chiếm tỷ lệ 22,66% tổng vốn đầu tư công toàn thành phố. |
Nguyên nhân khách quan gồm: Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ là dự án khởi công mới năm 2023, được bố trí vốn lớn (1.837 tỷ đồng), chiếm tỷ lệ 22,66% tổng vốn đầu tư công toàn thành phố; các đơn vị đang trong giai đoạn kiểm kê, áp giá và trình phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thiết kế kỹ thuật - dự toán để chỉ định thầu xây lắp, nên trong những tháng đầu năm 2023 khối lượng giải ngân vốn chưa nhiều;
Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gặp khó khăn, người dân vẫn còn khiếu nại về giá và chính sách hỗ trợ tái định cư. Hiện tượng người dân so sánh giá, chính sách hỗ trợ tái định cư giữa các dự án vốn trong nước và vốn ODA vẫn còn tiếp diễn. Từ đó, dẫn đến khiếu nại không hợp tác, nhiều dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
Các dự án khởi công mới vào cuối năm 2022 được tạm ứng hợp đồng thi công theo quy định, nên những tháng đầu năm 2023, khối lượng hoàn thành ngoài công trường chỉ được thanh toán một phần, phần còn lại phải thực hiện hoàn tạm ứng theo quy định nên số vốn giải ngân chưa nhiều.
Tuy vậy, theo UBND TP. Cần Thơ, những tồn tại, hạn chế do nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, đã ảnh hưởng đến kết quả giải ngân trong thời gian qua chậm được khắc phục.
Cụ thể, công tác khảo sát, thu thập số liệu để lập chủ trương đầu tư, dự án đầu tư chưa chuẩn xác, đặc biệt là việc khái toán kinh phí hỗ trợ, bồi thường và tái định cư còn quá thấp so với giá thị trường, dẫn đến khi vào triển khai thực hiện thì rất nhiều dự án có kinh phí bồi thường thực tế tăng rất nhiều so với quyết định đầu tư đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và làm vượt tổng mức đầu tư được duyệt. Từ đó, phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến quá trình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; đồng thời đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc cân đối vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố.
Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện các khu tái định cư còn chậm, chưa thể bàn giao nền cho người dân. Từ đó, ảnh hưởng đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng một số dự án, nhất là các dự án trọng điểm, các dự án có sử dụng vốn ODA.
UBND TP. Cần Thơ cho rằng, mặc dù Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND Thành phố đã tập trung chỉ đạo các giải pháp cụ thể, tuy nhiên trong từng trường hợp cụ thể, công tác phối hợp giữa chủ đầu tư các các cơ quan, đơn vị vẫn chưa thật sự chặt chẽ, chưa phát huy hiệu quả trong giải quyết công việc.