Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Cần Thơ đầu tư hơn 245 tỷ đồng nâng cấp, cải tạo các cơ sở y tế
Chiều ngày 14/11, HÐND TP. Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 8 (Kỳ họp chuyên đề) xem xét, quyết định các nội dung thuộc lĩnh vực ngân sách, quyết định chủ trương đầu tư một số Dự án thuộc thẩm quyền.
Tại kỳ họp này, HĐND TP. Cần Thơ đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 9 trung tâm y tế tuyến huyện, TP. Cần Thơ và Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Cần Thơ.
Dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 9 trung tâm y tế tuyến huyện, TP. Cần Thơ có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 135,6 tỷ đồng. Quy mô đầu tư là cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc và hệ thống hạ tầng kỹ thuật của 6 Trung tâm y tế sau thời gian dài sử dụng đã xuống cấp và không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của đơn vị, cụ thể gồm: Cải tạo trung tâm y tế quận Cái Răng, Trung tâm y tế quận Bình Thủy, Trung tâm y tế quận Ô Môn, Trung tâm y tế quận Thốt Nốt, Trung tâm y tế huyện Vĩnh Thạnh và Trung tâm y tế huyện Phong Điền.
Nâng cấp, mở rộng và xây mới cho Trung tâm y tế huyện Thới Lai và Trung tâm y tế huyện huyện Cờ Đỏ.
Mua sắm trang thiết bị cho 9 Trung tâm y tế tuyến quận, huyện và các trạm y tế trực thuộc Trung tâm y tế bao gồm các thiết bị y tế chuyên dùng, trang thiết bị văn phòng, công nghệ thông tin và xe chuyên dùng.
Còn Dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Cần Thơ có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 110 tỷ đồng. Dự án nhằm nâng cấp, cải tạo sửa chữa phòng xét nghiệm đạt chuẩn an toàn sinh học cấp 2 tại cơ sở 1; xây dựng dây chuyền kho lạnh bảo quản vắc-xin với diện tích kho chính dự kiến khoảng 150 m2 và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thiết bị phụ trợ; mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố bao gồm các thiết bị y tế chuyên dùng, trang thiết bị văn phòng, công nghệ thông tin và xe chuyên dụng.
Cả 2 dự án nêu trên là dự án nhóm B, cơ cấu nguồn vốn từ ngân sách Trung ương (Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) và ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện chủ trương đầu tư giai đoạn 2022 - 2023.
Đề xuất đầu tư 1.322 tỷ đồng nâng cấp đường sắt qua đèo Hải Vân
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT cấp bách triển khai đầu tư, nâng cấp gia cố đường sắt khu vực đèo Hải Vân.
Một đoạn đường sắt qua đèo Hải Vân. |
Đơn vị đang khai thác tuyến đường sắt Bắc - Nam cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 5 (bão Sơn Ca) ngày 14/10/2022 đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng đường sắt khu vực miền Trung đặc biệt là khu vực đèo Hải Vân. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã khẩn trương huy động lực lượng, thiết bị khắc phục và đến 11h48’ ngày 16/10/2022 đã thông tuyến để chạy tàu tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ cơn bão Sơn Ca nói riêng và mưa bão thường xuyên hàng năm gây sạt lở, phá hoại kết cấu hạ tầng đường sắt trên khu vực đèo Hải Vân vốn đã xuống cấp, chưa được kịp thời đầu tư đúng mức, dẫn đến nguy cơ cao mất an toàn công trình và an toàn chạy tàu.
Ngày 1/11/2022, đoàn công tác của Bộ GTVT cùng các đơn vị có liên quan (Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty, các đơn vị đường sắt...) đã kiểm tra hiện trường, đánh giá hiện trạng chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt, xác định thiệt hại, hư hỏng khu vực đèo Hải Vân.
Kết quả kiểm tra cho thấy, trên đoạn tuyến đường sắt qua đèo Hải Vân đã xuất hiện khoảng 20 điểm sạt lở gây hư hại kết cấu hạ tầng đường sắt và tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn khai thác nếu không được sửa chữa, gia cố kịp thời.
Để sớm khắc phục các hạng mục công trình bị ảnh hưởng của bão Sơn Ca, vừa đảm bảo an toàn chạy tàu và nâng cao hiệu quả khai thác, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng xem xét, ưu tiên bố trí khoảng 1.332 tỷ đồng từ ngân sách trung ương cho các công trình khu vực đèo Hải Vân.
Cụ thể, có 4 nhóm công trình được kiến nghị đầu tư gồm: Gia cố mái taluy các đoạn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở gây mất an toàn (20 vị trí); cải tạo đường sắt trên tuyến, đường ga (16,31 km); cải tạo công trình cầu (15 cầu, tổng chiều dài 358 m); cải tạo 3 hầm với tổng chiều dài 1.667m.
Trong giai đoạn trước mắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ, Bộ tài chính cân đối nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để ưu tiên đầu tư một số vị trí xung yếu, nguy cơ mất an toàn cao như gia cố mái ta luy, sửa chữa cải tạo môt số cầu, cống bị hư hỏng, sửa chữa cải tạo hệ thống thoát nước, thay thế kiến trúc tầng trên một số vị trí… nhằm đảm bảo an toàn khai thác với kinh phí khoảng 600 tỷ đồng và giao cho Tổng công ty triển khai thực hiện trong các năm 2023, 2024.
Đoạn đường sắt khu vực đèo Hải Vân trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM có chiều dài khoảng 20km; với địa hình đặc biệt, đèo cao, vực sâu, nhiều đường cong bán kính nhỏ liên tiếp là một trong các đoạn xung yếu, điểm nghẽn trên tuyến.
Năm 2007, do ảnh hưởng của mưa bão, khu vực đèo Hải Vân đã bị hư hại nghiêm trọng, nhiều điểm trên tuyến bị sạt lở, vùi lấp đường sắt, điển hình là hầm số 13 bị sạt lở vùi lấp hoàn toàn đường sắt cửa hầm, vận tải đường sắt bị gián đoạn nhiều ngày.
Tổng công ty đã triển khai sửa chữa, gia cố khoảng 50 hạng mục công trình trên toàn đoạn tuyến trong các năm 2008 và 2009 với tổng mức đầu tư khoảng 350 tỷ đồng (thời điểm năm 2009). Các giải pháp chủ yếu là: xây tường chắn bảo vệ chân taluy, kéo dài hầm, phun bê tông gia cố mái dốc, cải tạo hệ thống thoát nước dọc đường sắt, làm hệ thống rãnh đỉnh thoát nước trên mái taluy dương, phá dỡ các khối đá mô côi...
Gần đây, trong quá trình thực hiện nâng cấp đường sắt Hà Nội-TP.HCM bằng nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 (Dự án 7000 tỷ) và giai đoạn 2021-2025, khu vực đường sắt khu vực đèo Hải Vân chưa được ưu tiên xem xét đầu tư đúng mức. Phần kết cấu hạ tầng trực tiếp chạy tàu (đường sắt, cầu cống, hầm…) về cơ bản đã xuống cấp.
Bên cạnh đó, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hàng năm để thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng chưa đáp ứng đủ nhu cầu (mới chỉ đáp ứng được khoảng 50%) nên chất lượng kết cấu hạ tầng trên khu đoạn vẫn còn rất nhiều hạn chế, là điểm nghẽn về năng lực khai thác trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, đặc biệt là thường xuyên phải khai thác với tốc độ rất thấp (5km/h, 15km/h) để đảm bảo an toàn.
Bình Định chấp thuận Dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn 53.500 tỷ đồng
Ngày 15/11, UBND tỉnh Bình Định cho biết, Phó chủ tịch UBND tỉnh này, ông Nguyễn Tự Công Hoàng đã ký văn bản (số 3709) về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn Phù Mỹ.
Dự án sẽ được triển khai tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn.
Phối cảnh dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn |
Theo đó, Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn rộng khoảng 468 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 53.500 tỷ đồng được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty CP Gang thép Long Sơn Phù Mỳ thực hiện.
Dự án chia thành 3 giai đoạn đầu tư, công suất 5,4 triệu tấn/năm, bao gồm các sản phẩm thép chế tạo chất lượng, thép xây dựng, thép cuộn.
Đồng thời nhà đầu tư cũng đang nghiên cứu đầu tư Khu bến cảng Hoài Nhơn trên tổng diện tích khoảng 496,9 ha mặt đất và mặt biển.
Cảng Hoài Nhơn được nghiên cứu quy hoạch là cảng chuyên dùng phục vụ cho sản xuất của Khu liên hợp Gang thép Long Sơn và hướng đến cảng tổng hợp trong tương lai. Tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Quy mô đầu tư được chia làm 02 giai đoạn.
Giai đoạn 2021-2025: 10 bến/2.525 m; khu hậu cần cảng khoảng 44 ha; chiều dài đê/kè chắn sóng khoảng 4.00 0m; công suất 11÷13 triệu tấn/năm;
Giai đoạn sau năm 2025 (đã bao gồm giai đoạn 2021-2025): 13 bến/3.525 m; khu hậu cần cảng khoảng 44 ha; chiều dài đê/kè chắn sóng khoảng 4.000 m; công suất 30÷35 triệu tấn/năm. Các hạng mục, thông số cho cả hai giai đoạn 2021-2025 và sau năm 2025: bề rộng luồng 230 m; cao độ đáy luồng -21,0 m (hải đồ); 01 vũng quay tàu đường kính 670 m; cỡ tàu đến 250.000 tấn.
Cảng Hoài Nhơn hình thành sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm của Khu liên hợp gang thép Long Sơn, đảm bảo tiến độ xuất nhập khẩu hàng hóa.
Khi cả 2 công trình dự án đi vào hoạt động kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ cảng biển, qua đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bình Định và các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Đồng thời giải quyết được số lượng lớn lao động tại địa phương. Theo đó, trong quá trình thi công dự án sẽ tạo việc làm cho khoảng 5.000 người và trong quá trình sản xuất, kinh doanh là khoảng 7.500 người.
Để dự án sớm được triển khai, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các cơ quan của tỉnh sớm xây dựng chính sách đặc biệt ưu đãi đối với các hộ dân bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng, nhất là tạo điều kiện về lao động, việc làm và các chính sách an sinh xã hội khác liên quan.
Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu dự án không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái trên đất liền, trên biển; không làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội và đời sống nhân dân; thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về đánh giá tác động môi trường; chuyển mục đích sử dụng đất rừng…
Đặc biệt, dự án phải có biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đầu tư các hạng mục công trình xử lý chất thải đồng bộ, bố trí phân khu hợp lý để không gây ô nhiễm môi trường xung quanh; thực hiện theo đúng quy định hiện hành về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động, tiêu hao năng lượng và các quy định khác có liên quan trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng và hoạt động của dự án.
UBND tỉnh Bình Định cũng lưu ý, trong quá trình triển khai dự án cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa cộng đồng và doanh nghiệp; triển khai chương trình an sinh xã hội theo nội dung đã cam kết. Đồng thời, ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương để góp phần giải quyết việc làm và ổn định đời sống nhân dân trong vùng.
Quảng Bình giao vốn thuộc Chương trình phục hồi năm 2023 cho 2 dự án y tế
UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, dựa trên Công văn số 7248 ngày 12/10/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc dự kiến kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023, tỉnh Quảng Bình dự kiến giao kế hoạch vốn cho 2 Dự án khởi công mới (thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) với tổng số vốn là 150 tỷ đồng.
2 dự án dự kiến được phân bổ gồm Dự án Đầu tư nâng cấp, cải tạo đối với 6 bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế huyện tỉnh (120 tỷ đồng) và Dự án Đầu tư mua sắm trang thiết bị cho 15 bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế huyện, tỉnh (30 tỷ đồng).
Theo UBND tỉnh Quảng Bình, các dự án này đã được HĐND tỉnh Quảng Bình phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 83 ngày 9/9/2022.
Để đảm bảo đủ điều kiện giao kế hoạch vốn năm 2023, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình vừa yêu cầu, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi/ báo cáo kinh tế - kỹ thuật để trình các sở chuyên ngành thẩm định đúng quy định.
Sở Y tế được yêu cầu khi nhận được hồ sơ lấy ý kiến của các đơn vị, trong vòng 5 - 7 ngày làm việc phải có ý kiến bằng văn bản cho chủ đầu tư để chủ đầu tư có cơ sở triển khai các thủ tục tiếp theo.
Các Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu thực hiện rà soát, rút ngắn tối thiểu 30% thời gian thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi/ báo cáo kinh tế - kỹ thuật ; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình, thủ tục, nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian thẩm định để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
“UBND tỉnh đã có văn bản cam kết với Trung ương phê duyệt dự án trước ngày 31/12/2022, vì vậy, yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị, chủ đầu tư khẩn trương triển khai thực hiện, chậm ở thủ tục nào, đơn vị đó chịu trách nhiệm toàn diện trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh”, ông Thắng nhấn mạnh.
Không chỉ 2 dự án mới dự kiến được phân bổ từ ngân sách Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu các sở, ngành thực hiện chỉ đạo trên đối với 89 dự án dự kiến khởi công mới trong năm 2023 từ nguồn ngân sách tỉnh.
Riêng đối với dự án trong kế hoạch đầu tư công năm 2022, UBND tỉnh Quảng Bình đề cập không thể xem xét để điều chỉnh theo đề xuất của các chủ đầu tư. Lý do là hiện nay, một số chủ đầu tư đã có văn bản đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2022, UBND tỉnh Quảng Bình đã điều chỉnh vốn ngân sách Trung ương 2 đợt và ngân sách tỉnh 1 đợt. Tuy nhiên, do đề xuất điều chỉnh giảm vốn nhiều (đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ngân sách tỉnh), nhưng không có dự án đề xuất bổ sung tăng vốn.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Bình nhận thấy, ngoài một số dự án vướng mắc do nguyên nhân khách quan, nhiều dự án chậm thủ tục do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quan, đơn vị liên quan; đơn vị tư vấn yếu dẫn đến hồ sơ điều chỉnh nhiều lần, chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm và chưa lường hết những khó khăn vướng mắc nên xử lý còn lúng túng...
Trước đó, trong báo cáo gửi Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tính đến hết ngày 31/10/2022, tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch vốn Chính phủ giao năm 2022 của tỉnh đạt 49,4% (tổng vốn đầu tư công giao là 5.958,44 tỷ đồng); dự kiến đến hết tháng 11 đạt 60%.
Đáng lưu ý, tỉnh Quảng Bình phấn đấu đến hết năm 2022, đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất theo cam kết của tỉnh với Chính phủ và Tổ công tác của Trung ương.
Gói thầu 35.233 tỷ đồng Sân bay Long Thành gia hạn thời gian nhận hồ sơ
Theo thông báo mời thầu mới nhất của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách của Sân bay quốc tế Long Thành, giai đoạn I sẽ được gia hạn thời gian nhận hồ sơ mời thầu đến ngày 23/11/2022.
Phối cảnh nhà ga hành khách sân bay Long Thành, giai đoạn I |
Đại diện của ACV cho biết, với tính chất đặc biệt quan trọng và đòi hỏi kỹ thuật, chất lượng cao của gói thầu, các nhà thầu cần có thêm thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu.
Ngoài ra, ACV mong muốn tạo điều kiện để có thêm nhiều nhà thầu tham dự nhằm tăng tính cạnh tranh để có cơ hội lựa chọn nhà thầu có năng lực nhất thực hiện Dự án để bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ.
Khi ACV tổ chức hội nghị tiền đấu thầu đã thu hút gần 10 nhà thầu đến từ Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam tham dự.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng ban đầu, đến thời điểm đóng thầu vào 9 giờ 30 phút, ngày 8/11/2022 thì chỉ có một nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, một số nhà thầu quyết định không nộp hồ sơ vì lo ngại việc đấu thầu quốc tế mà đơn giá đưa ra lại tính theo giá trong nước, trong khi tình hình lạm phát có xu hướng tăng thời gian qua.
Ngoài ra, do chuỗi cung ứng thế giới đang bị đứt gãy, khâu cung ứng vận chuyển thiết bị, máy móc từ nước ngoài về sẽ mất nhiều thời gian, việc hoàn thành dự án trong 33 tháng là quá gấp rút.
Gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị cho nhà ga hành khách sân bay quốc tế Long Thành có giá 35.233,7 tỷ đồng, được ACV thông báo mời thầu vào ngày 20/9/2022. Đây là gói thầu hỗn hợp, lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế không qua mạng, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, loại hợp đồng trọn gói và đơn giá cố định.
Theo kế hoạch dự kiến của ACV, tháng 12/2022 sẽ khởi công các hạng mục của nhà ga và khu bay như đường băng, đường lăn, sân đỗ tàu bay.
Nguy cơ đổ domino tại dự án BOT giao thông
Ông Võ Minh Hoài, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh, người được mệnh danh là “ông trùm BOT khu vực miền Trung”, vừa gửi văn bản đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) mua lại các Dự án BOT Quốc lộ 1 do Tập đoàn Trường Thịnh là nhà đầu tư.
Trạm thu phí Quán Hàu tại Km671, Quốc lộ 1 hiện có mức doanh thu quá thấp so với phương án tài chính ban đầu. Ảnh: A.M |
Hai dự án này gồm Dự án BOT Xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh TP. Đồng Hới được ký hợp đồng năm 2005 và Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km672+600 - Km704+900 được ký hợp đồng năm 2013.
Theo thông tin được công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT, Dự án Xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh TP. Đồng Hới và Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ Km672+600 - Km704+900 có tổng chiều dài 30 km, tổng mức đầu tư 982 tỷ đồng, giá trị quyết toán 971 tỷ đồng. Hai dự án đều sử dụng chung Trạm thu phí Quán Hàu tại Km671, Quốc lộ 1, với thời gian thu phí sau quyết toán là 18 năm 10 tháng, bắt đầu từ ngày 1/1/2016. Tại 2 hợp đồng BOT ký với Bộ GTVT, nhà đầu tư được tăng phí 3 năm một lần, mỗi lần tăng 18%.
Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng qua, Tập đoàn Trường Thịnh phải gửi văn bản đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền “bung phao giải cứu”. Mức độ khó khăn mà ông Võ Minh Hoài cho biết là đã “vượt ngưỡng chịu đựng” của doanh nghiệp tư nhân có hơn 30 năm gắn bó với ngành GTVT này.
Tập đoàn Trường Thịnh cho biết, sau khi hoàn thành đưa vào khai thác 2 dự án, nhà đầu tư đã tuân thủ nghiêm túc các quy định của các hợp đồng BOT. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, do nhiều nguyên nhân, đã dẫn đến doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng, làm vỡ phương án tài chính của Dự án và khiến doanh nghiệp dự án mất khả năng thanh khoản.
Các nguyên nhân được ông Võ Minh Hoài đưa ra để lý giải cho tình trạng “bên bờ vực phá sản” của 2 dự án đều xuất phát từ yếu tố khách quan, trong đó nặng nhất là lộ trình tăng phí đã không diễn ra như cam kết và việc thực hiện miễn giảm quá nhiều cho các chủ xe tại địa phương.
Trong thời gian vừa qua, ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Quảng Bình (đơn vị cho vay thực hiện 2 dự án) đã đồng ý cơ cấu một số khoản nợ vay, bao gồm kéo dài thời gian cho vay từ 17 năm lên 20,5 năm; giãn thời gian trả lãi phát sinh trong giai đoạn 2020 - 2022 sang giai đoạn 2028 - 2031.
Tuy nhiên, do không được tăng phí theo lộ trình đã dẫn đến doanh thu thực tế được phân bổ cho Dự án mở rộng Quốc lộ 1, đoạn Km672+600 - Km704+900 chỉ đạt khoảng 130 triệu đồng/ngày, quá thấp so với phương án tài chính. Đơn vị cho vay vốn cho biết, nguồn trả nợ dự án này hiện tại chủ yếu phụ thuộc vào Công ty mẹ và Công ty TNHH BOT Đường tránh Đồng Hới hỗ trợ (tính đến nay, Tập đoàn Trường Thịnh đã hỗ trợ 98 tỷ đồng và Công ty TNHH BOT Đường tránh Đồng Hới đã hỗ trợ 24,35 tỷ đồng). Doanh thu được phân bổ cho Dự án tuyến tránh TP. Đồng Hới tuy có khá hơn, nhưng vẫn chưa trang trải được các chi phí mà nhà đầu tư phải bỏ ra.
“Việc liên tục chậm thanh toán gốc, lãi của Công ty là vi phạm nghiêm trọng Hợp đồng tín dụng đã ký. Trong thời gian tới, nếu Công ty vẫn không được Bộ GTVT chấp thuận điều chỉnh mức phí và phương án tài chính, thì Dự án sẽ rất khó tiếp tục khai thác hoàn vốn”, ông Nguyễn Xuân Đông, Phó giám đốc BIDV Chi nhánh Quảng Bình cho biết.
Được biết, trong văn bản gửi Bộ GTVT vào đầu tháng 11/2022, Tập đoàn Trường Thịnh đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện tăng giá thu phí bổ sung để bù vào lộ trình tăng giá theo quy định của hợp đồng BOT chưa thực hiện; bố trí kinh phí để bù đắp phần doanh thu bị sụt giảm so với phương án tài chính ban đầu mà không do lỗi của nhà đầu tư; có sự can thiệp về chính sách đối với ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc không có đủ nguồn vốn để thanh toán đúng hạn, tránh phát sinh lãi quá hạn, lãi phạt, nhảy nhóm nợ…
“Trường hợp Bộ GTVT không có phương án xử lý hỗ trợ nhà đầu tư, đề nghị Bộ GTVT xem xét kiến nghị với Chính phủ cho phép chấm dứt Hợp đồng dự án trước thời hạn, bố trí vốn thanh toán cho nhà đầu tư, tiếp nhận và thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với 2 công trình”, ông Võ Minh Hoài đề xuất.
Ngoài 2 dự án BOT tại Quảng Bình, Tập đoàn Trường Thịnh cũng đang đề nghị Bộ GTVT xem xét chấm dứt sớm hợp đồng tại Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ TP. Đông Hà đến thị xã Quảng Trị và Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km741+170 - Km756+705 với cùng lý do.
Theo dự báo, doanh thu thu phí tại cả 4 dự án BOT do Tập đoàn Trường Thịnh sẽ còn lao dốc sâu hơn khi các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (tuyến Cam Lộ - La Sơn và hệ thống đường ven biển qua Quảng Bình, Quảng Trị chạy song song) được đưa vao khai thác.
“Ai lãi từ BOT thì tôi không biết, nhưng Trường Thịnh làm 4 dự án BOT thì lỗ cả 4, khiến cả Tập đoàn rơi vào cảnh nợ nần”, đại diện Tập đoàn Trường Thịnh chua chát nói.
Không chỉ nhà đầu tư BOT xin Nhà nước chấm dứt sớm hợp đồng. Tháng 11/2022, Ngân hàng TCMP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng đã văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ GTVT để kiến nghị các giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại trạm thu phí Dự án BOT Đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38 đoạn nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 5 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương do quá sốt ruột với tình hình tài chính của doanh nghiệp dự án.
Thông tin đáng chú ý nhất trong văn bản này là việc SHB, trong vai trò là nhà tài trợ vốn của Dự án, đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tổng hợp báo cáo Bộ GTVT để bổ sung Dự án BOT Đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38 đoạn nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 5 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương vào danh mục các dự án trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Nhà tài trợ này còn đề nghị Chính phủ xem xét bố trí vốn ngân sách nhà nước trả phần nghĩa vụ nợ tạm tính đến ngày 30/9/2022 là 1.546,835 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư/doanh nghiệp và đơn vị tài trợ vốn.
SHB cho biết, sau hơn 4 năm thu phí, doanh thu tại dự án này chỉ đạt 30 - 40% so với doanh thu theo phương án tài chính, nên không đủ bù đắp chi phí quản lý vận hành và bảo trì dự án, chi phí lãi vay trả ngân hàng.
“Càng kéo dài thời gian thu phí, thì phương án tài chính Dự án càng kém hiệu quả, do nguồn thu không đủ bù chi phí, trả lãi vay ngân hàng, nên chi phí vốn ngày càng tăng cao. Đặc biệt, khi tuyến đường cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành, chạy song song với đường BOT Quốc lộ 38 hoàn thành vào cuối năm 2022, sẽ gây sụt giảm một lượng lớn doanh thu, làm phá sản doanh nghiệp dự án”, đại diện SHB thông tin.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, đối với đề xuất của SHB, mới đây, Bộ GTVT đã giao Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát những vướng mắc tại Dự án BOT Đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38 đoạn nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 5 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương để có giải pháp xử lý phù hợp, tuân thủ quy định của pháp luật và hợp đồng dự án.
Trong đó, Bộ GTVT giao cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đường bộ khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh, nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án nghiên cứu giải pháp phân luồng, tổ chức giao thông phù hợp nhằm hạn chế tối đa tình trạng xe cố tình tránh trạm thu phí, gây ùn tắc, mất an toàn giao thông.
Tuy nhiên, đại diện nhà đầu tư là Liên danh Công ty cổ phần Xây dựng số 2 - Công ty cổ phần Đầu tư khai thác cảng - Công ty cổ phần Licogi16 cho rằng, những giải pháp nói trên là không đủ để cứu Dự án BOT Đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38 đoạn nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 5 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương.
Cần phải nói thêm, cả 5 dự án BOT đang đề nghị Nhà nước mua lại nói trên đều không nằm trong danh sách 7 dự án vừa được Bộ GTVT đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội bố trí vốn ngân sách nhà nước (khoảng 10.835 tỷ đồng) để thanh toán cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án nhằm chấm dứt sớm hợp đồng BOT. Điều này làm dấy lên mối quan ngại về nguy cơ đổ thêm nhiều “quân cờ domino” trong số 72 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý.
Theo PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), bên cạnh rắc rối về vị trí đặt trạm không nhận được sự đồng thuận của người dân, thì áp lực phải sớm điều chỉnh mức phí để cứu các dự án BOT giao thông đang rất lớn. Trong gần 10 năm qua, do phải phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chưa có bất kỳ dự án nào được điều chỉnh phí, dù đây là điều khoản được đề cập trong hợp đồng BOT.
“Bất chấp có nhiều kiến nghị, nhưng các vướng mắc tại các dự án BOT giao thông, trong đó có việc phải nén lại lộ trình thu phí vẫn đang phải chờ các cơ quan nhà nước tháo gỡ. Điều này không chỉ đẩy các nhà đầu tư vào vòng xoáy thua lỗ lớn, mà còn khiến phát sinh thêm nhiều khoản nợ xấu tại các tổ chức tín dụng cho vay BOT”, PGS- TS Trần Chủng lo ngại.
Theo Bộ GTVT, trong tổng số 72 dự án PPP do Bộ GTVT quản lý, đến nay, bộ này đã xử lý cơ bản những vướng mắc, bất cập; tình hình thu phí và khai thác các dự án tương đối ổn định, nhưng vẫn còn 8 dự án chưa được giải quyết triệt để.
Bộ GTVT đã đưa ra nhiều giải pháp, như tổ chức phân làn giao thông, di dời trạm thu phí về đúng vị trí, tăng/giảm phí để tăng doanh thu, kéo dài thời gian thu phí…, nhưng đều không khả thi. Các dự án này có tính chất đặc thù, như dự án BOT đã hoàn thành đưa vào khai thác, nhưng chưa được thu phí, không thể thu phí, do mất an ninh, trật tự, phương án tài chính bị phá vỡ; dự án đã thu phí, nhưng doanh thu thực tế nhỏ hơn 30% so với hợp đồng, nếu tiếp tục thu phí và áp dụng các biện pháp như tăng phí, kéo dài thời gian thu phí..., thì phương án tài chính vẫn bị phá vỡ, dư nợ ngày càng tăng.
Khánh Hòa đốc thúc tiến độ 2 dự án đường cao tốc
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa đốc thúc các địa phương về tiến độ thực hiện Dự án thành phần đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang và Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1).
Theo đó, đối với Dự án thành phần đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu UBND các địa phương gồm thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh, Vạn Ninh, Khánh Vĩnh khẩn trương hoàn thiện đồng thời các hạng mục công việc trong công tác giải phóng mặt bằng như đo đạc, kiểm kê, xác minh nguồn gốc đất đai, ban hành thông báo thu hồi đất, áp giá, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư… đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước ngày 20/11/2022 theo yêu cầu về tiến độ tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 của Chính phủ.
UBND tỉnh Khánh Hòa lưu ý UBND huyện Vạn Ninh cần tập trung chỉ đạo, huy động toàn bộ lực lượng, bổ sung nhân sự, tăng cường thời gian làm việc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Về công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, các địa phương cần chuẩn bị phương án bố trí các móng trụ điện nằm trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ cao tốc đối với các đường dây điện cao thế 110 kV, 220 kV tại các vị trí khó khăn về mặt bằng và nghiên cứu xây dựng phương án bố trí trong phạm vi phần đất dành cho đường bộ nằm trong ranh giải phóng mặt bằng của đường bộ cao tốc đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật có quy mô nhỏ; đảm bảo kịp thời triển khai di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Giao thông - Vận tải.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), UBND tỉnh Khánh Hòa giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (chủ đầu tư dự án thành phần 1) tiếp tục căn cứ các mốc tiến độ theo Kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện dự án thành phần 1 thuộc dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 để chỉ đạo, phối hợp các đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện nhiệm vụ đã được phân công; phấn đấu hoàn thành bàn giao 100% khối lượng mặt bằng cho đơn vị thi công trong tháng 6/2023.
Nhà đầu tư đến với Vĩnh Long là đến với “vùng đất mở”
Sáng 16/11, tại Hội trường Tỉnh ủy Vĩnh Long, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư về du lịch và thương mại giữa tỉnh Vĩnh Long và TP.HCM năm 2022.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, sự hợp tác, liên kết giữa các tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong đó có tỉnh Vĩnh Long với TP.HCM là động lực nhằm khai thác các lợi thế, tiềm năng để cùng nhau phát triển. Đó là cả một quá trình lâu dài để lãnh đạo của tỉnh Vĩnh Long và TP.HCM đưa ra những định hướng, nội dung lớn, có ý nghĩa thiết thực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của 2 địa phương.
Trên cơ sở đó, các sở, ngành, doanh nghiệp xác định những nội dung hợp tác thành các Dự án, đề án cụ thể; có mục tiêu rõ ràng, có thời gian triển khai và đối tác thực hiện, thiết thực, đảm bảo hiệu quả kinh tế và cùng có lợi nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, từng bước giúp địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, góp phần cùng cả nước phát triển.
“Hội nghị Xúc tiến đầu tư về Du lịch và Thương mại giữa TP.HCM và tỉnh Vĩnh Long lần này, ngoài việc để chúng ta tiếp tục giới thiệu, quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư của mỗi địa phương cũng như từng bước thúc đẩy chương trình liên kết đi vào chiều sâu, toàn diện hơn, hướng đến phát triển kinh tế một cách bền vững.
Đây cũng là cơ hội tốt để chúng ta đánh giá những mặt đạt được, chưa được, những thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen trong quá trình thực hiện chương trình liên kết để thống nhất một số giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy chương trình đi vào chiều sâu, toàn diện hơn, hướng đến phát triển kinh tế một cách bền vững, trên cơ sở đó thảo luận về định hướng hoạt động trong năm 2023 và những năm tiếp theo để nâng cao hiệu quả trong công tác xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch”, ông Lữ Quang Ngời chia sẻ.
Về phía TP.HCM, bà Phan Thị Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh: “Với các yếu tố giao thông ngày càng thuận lợi, Vĩnh Long trở thành điểm kết nối quan trọng và thuận tiện giữa TP.HCM với Đồng bằng sông Cửu Long; kết nối hai thị trường lớn và quan trọng bậc nhất của phía Nam với thị trường nội vùng lên đến 40 triệu dân, đặc biệt khi TP.HCM là trung tâm thương mại và du lịch lớn nhất cả nước”.
Theo bà Phan Thị Thắng, với ý nghĩa đó, việc kết nối để đầu tư trên lĩnh vực thương mại và du lịch giữa TP.HCM và tỉnh Vĩnh Long trong giai đoạn này mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng, tạo ra tiền đề cho việc phát triển kinh tế - văn hoá xã hội của tỉnh Vĩnh Long, của Đồng bằng sông Cửu Long và cả TP.HCM trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp xây dựng phương án phát triển thị trường, đầu tư các nguồn lực để mở rộng sản xuất kinh doanh một cách có hệ thống, bài bản, ổn định và bền vững.
Đồng thời, là cơ sở để chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước của các địa phương xây dựng và ban hành các chính sách quản lý, điều hành phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp…
Thay mặt cho lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, ông Lữ Quang Ngời chuyển tải thông điệp, cam kết đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư: “Đến với Vĩnh Long là đến với “vùng đất mở”, các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ tìm thấy được môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, thông thoáng, minh bạch với bộ máy chính quyền năng động, sáng tạo, thân thiện, đồng hành cùng doanh nghiệp. Vĩnh Long luôn hân hoan chào đón và đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đã, đang và sẽ đầu tư tại Vĩnh Long”.
Tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long và TP.HCM đã chứng kiến Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở Công thương Vĩnh Long với Sở Công thương TP.HCM; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long và Tổng công ty Du lich Sài Gòn - TNHH MTV; Hội doanh nhân trẻ tỉnh Vĩnh Long và Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM; giữa TP. Thủ Đức, các quận, huyện của TP.HCM với các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Vĩnh Long.
Đồng thời, UBND tỉnh Vĩnh Long đã trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Biên bản ghi nhớ đầu tư (MOU) cho 15 dự án đầu tư vào tỉnh với tổng mức vốn đầu tư khoảng 5.530 tỷ đồng. Trong đó, có 5 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư 2.925 tỷ đồng, còn lại là các Biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng vốn 2.605 tỷ đồng.
Một số dự án tiêu biểu là: Dự án Khu Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Mỹ Thuận, với tổng vốn đầu tư 2.060 tỷ đồng, do Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Thành Đô đầu tư.
Dự án Nhà máy chế biến thủy sản Tâm Lợi Minh với tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng của Công ty TNHH Thủy sản Tâm Lợi Minh.
Dự án Kho xăng dầu Vĩnh Long Petro với tổng vốn đầu tư đăng ký 500 tỷ đồng, do Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long Petro đầu tư.
Dự án chợ và Khu dân cư nông thôn xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm, diện tích 7,9 ha với tổng vốn đầu tư 837 tỷ đồng, do Công ty CP Tư vấn Xây dựng Phố Thị đầu tư…
Kiến nghị xử lý vướng mắc, bất cập tại 9 dự án BOT giao thông
Theo thông tin của phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, VARSI vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án BOT đường bộ.
Trạm thu phí hoàn vốn cho Dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C. |
Cụ thể, đối với giải pháp thứ nhất, VARSI kiến nghị người đứng đầu Chính phủ thành lập tổ chức do Bộ GTVT làm đầu mối cùng các Bộ ngành khác có liên quan phối hợp với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và VARSI nghiên cứu và đề xuất hướng giải quyết đối với từng dự án cụ thể và báo cáo kết quả cho Chính phủ chậm nhất là ngày 30/12/2022.
Thứ hai, giao Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tài chính phối hợp với UBND cấp tỉnh nơi có dự án đi qua đánh giá kỹ các nguyên nhân dẫn đến các vướng mắc, bất cập của từng dự án, đặc biệt là các dự án đã có ý kiến của các cơ quan nhà nước như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước về các vấn đề có liên quan đến tổng mức đầu tư, phương án đặt trạm, phương án thu phí, hiệu quả đầu tư của dự án, để trên cơ sở đó kiến nghị các giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP trong thời gian tới.
Thứ ba, đối với các trường hợp các bất cập, vướng mắc tại các dự án PPP xuất phát do các cam kết của phía Nhà nước không được thực hiện hoặc việc thu phí không thể triển khai bởi có sự phản đối lớn từ người dân, VARSI đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ ngành có liên quan xem xét, giải quyết dứt điểm các bất cập tại dự án theo phương án bố trí vốn ngân sách nhà nước thay thế cho quyền thu phí hoàn vốn dự án, chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn, cơ cấu lại nợ của dự án và bố trí vốn ngân sách nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư dự án.
Trong danh sách các dự án BOT giao thông đang gặp khó khăn có 9 dự án gồm: Dự án xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả; Dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Thanh Hóa; Dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100; Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14 - Km50+889; Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610; Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 1; Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc; Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C; Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Ngoại trừ Dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, 8 dự án BOT còn lại đã được Bộ GTVT đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội bố trí vốn ngân sách nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án để chấm dứt sớm hợp đồng BOT.
Gia Lai triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 31/10, toàn tỉnh giải ngân được 1.475 tỷ đồng, đạt 40,6% kế hoạch. Trong đó, kế hoạch giao mới năm 2022 đã giải ngân 1.318,7 tỷ đồng, đạt 40,8% (vốn ngân sách địa phương giải ngân 1.017,8 tỷ đồng, đạt 51,2% kế hoạch; vốn ngân sách trung ương giải ngân 300,9 tỷ đồng, đạt 24,1% kế hoạch); vốn năm 2021 chuyển sang năm 2022 đã giải ngân được 156 tỷ đồng, đạt 39,5% kế hoạch (vốn ngân sách địa phương 153,9 tỷ đồng, đạt 52,08%; vốn ngân sách trung ương 2,1 tỷ đồng, đạt 2,18%). Trong tổng số 28 Dự án khởi công năm 2022, đến nay có 13 dự án đã triển khai thi công, 6 dự án đang triển khai lựa chọn nhà thầu, 6 dự án đang trình thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, 3 dự án đang lập thiết kế bản vẽ thi công.
Gia Lai đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2022. Ảnh minh họa |
Trong năm 2022, tỉnh Gia Lai đã có nhiều giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án như lập 4 đoàn công tác tập trung kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Cụ thể, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, các chủ đầu tư nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án đầu tư, lựa chọn các tư vấn có năng lực, kinh nghiệm, tiềm lực thực sự, khắc phục tình trạng điều chỉnh dự án khi đang triển khai, gây mất thời gian và làm chậm tiến độ giải ngân vốn.
Đồng thời, UBND tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các sở, cơ quan liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công; Tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời; Hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, các chủ đầu tư kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, bất cập; yêu cầu ban quản lý dự án, nhà thầu có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án; kiên quyết cắt hợp đồng với các nhà thầu không đảm bảo tiến độ, chất lượng; hoàn thành việc phân bổ, giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
UBND tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương, chủ đầu tư, Ban quản lý tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, rà soát lại toàn bộ tiến độ thực hiện của các dự án triển khai trong năm 2022 để điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp với tiến độ thực hiện và không chậm trễ trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công.
UBND tỉnh Gia Lai giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh và các chủ đầu tư rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh (tăng/giảm) kế hoạch vốn đối với các dự án triển khai chậm; bổ sung cho các dự án có khối lượng hoàn thành cao, báo cáo về UBND tỉnh.
Đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý liên hệ chặt chẽ với Bộ Tài chính, các cơ quan chủ quản Trung ương làm việc với các nhà tài trợ để hài hòa giữa thủ tục nhà tài trợ và quy định của Chính phủ trên nguyên tắc phù hợp với quy định Việt Nam tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện dự án và giải ngân vốn vay nước ngoài.
UBND tỉnh Gia Lai giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, kiểm tra và xử lý kịp thời việc cấp giấy phép khai thác mỏ, bảo đảm cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cho các dự án theo đúng quy định. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là việc giao mỏ nguyên vật liệu không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền.
Đồng thời, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Tài chính cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng bảo đảm theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9-2-2021 của Chính phủ làm cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư dự án; Kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi; Thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công.
Cần Thơ khởi công đường vành đai phía Tây vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng
Sáng 17/11/2022, Cần Thơ tổ chức Lễ khởi công các gói thầu thuộc Dự án đường vành đai phía Tây TP. Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Lễ khởi công. |
Theo Sở Giao thông - Vận tải TP. Cần Thơ - đơn vị chủ đầu tư, Dự án đường Vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ (nối Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C) là Dự án thuộc Nhóm A, loại công trình: đường đô thị, đường phố gom, công trình giao thông cấp II (tốc độ thiết kế 50 km/h).
Dự án được xây dựng đi qua các địa phương: quận Ô Môn, quận Bình Thủy, huyện Phong Điền, quận Ninh Kiều và quận Cái Răng. Với tổng chiều dài đoạn tuyến khoảng 19,4 km, trong đó có 24 vị trí cầu trung và nhỏ, 1 vị trí cầu lớn (bao gồm 49 đơn nguyên cầu) và các cống thoát nước theo địa hình. Với điểm đầu: giao với Quốc lộ 91 (tại Km20+370 Quốc lộ 91) và giao với Đường tỉnh 922 và điểm cuối: giao với Quốc lộ 61C (tại Km1+400 Quốc lộ 61C).
Tổng mức đầu tư dự án hơn: 3.837 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương là 2.000 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn khác là 1.392 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.
Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính Chính nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của cả dự án, khi hoàn thiện sẽ hình thành trục vành đai ngoài đặc biệt quan trọng của thành phố, kết nối với các tuyến giao thông quan trọng của Quốc gia và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Quốc lộ 91, Quốc lộ 61C, Quốc lộ 1A tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn, giúp cho việc vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa thành phố với các tỉnh lân cận được thuận lợi, nhanh chóng và an toàn.
Ngoài ra, việc đưa dự án vào khai thác sử dụng góp phần rất lớn vào việc giảm ùn tắc giao thông khu vực nội ô quận Ninh Kiều, mở rộng không gian phát triển thành phố về phía Tây, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc xây dựng và phát triển thành phố ngày càng văn minh, hiện đại.
Bên cạnh đó, trên tuyến có xây dựng cầu Ba Láng qua sông Cần Thơ, không những đảm trách vai trò cầu nối giao thông, cầu còn có kiến trúc đẹp, nâng tầm mỹ quan khu vực đô thị, cầu Ba Láng còn mang một ý nghĩa lịch sử to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển vùng đất Cần Thơ.
Cùng với việc đang xây dựng cầu Phong Điền và cầu Vàm Xáng mới vừa đưa vào khai thác sử dụng sẽ ngày càng khẳng định vùng đất: “Cái Răng - Ba Láng - Vàm Xáng - Phong Điền”, một vùng đất đã đi sâu trong ký ức của rất nhiều thế hệ người dân thành phố nói riêng và người dân miền Tây nói chung trong suốt quá trình lịch sử, hình thành và phát triển vùng đất Cần Thơ.
Về đảm bảo cho gần 1.400 hộ dân tại 5 quận, huyện của thành phố bị ảnh hưởng bởi dự án, Thủ tướng chỉ đạo UBND TP. Cần Thơ và đơn vị chủ đầu tư cần thực hiện tốt và hiệu quả việc giải tỏa, bồi thường đúng quy định, vừa tạo mặt bằng thuận lợi cho đơn vị thị công thực hiện đúng tiến độ dự án, vừa ổn định đời sống an sinh xã hội, nơi ăn chốn ở và sinh kế cho các hộ dân vùng dự án.
Đồng thời tập trung mọi nguồn lực về nhân lực, trang thiết bị và phương tiện thi công đảm bảo chất lượng kỹ thuật công trình, sử dụng nguồn vốn hiệu quả đúng pháp luật, đẩy nhanh rút ngắn thời gian thi công, đưa dự án hoàn thành sớm nhất có thể so với tiến độ đề ra để dự án phát huy hiệu quả, tạo động lực mới, sức lan tỏa của dự án cho phát triển kinh tế - xã hội của Cần Thơ và cả vùng Tây Nam bộ.
"TP. Cần Thơ và chủ đầu tư cần quyết tâm tạo động lực và khí thế mới, xem đây là công trình dự án kiểu mẫu về các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố làm cơ sở định hướng và phát huy năng lực, hình mẫu cho các dự án tiếp theo trong tương lai của TP. Cần Thơ", Thủ tướng nhấn mạnh.
Phú Thọ: Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Thụy Vân quy mô 335 ha
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định 1420/QĐ-TTg ngày 15/11/2022 phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ cở hạ tầng Khu công nghiệp Thụy Vân, tỉnh Phú Thọ.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, chủ đầu tư dự án là Trung tâm phát triển hạ tầng và dịch vụ Khu công nghiệp (thuộc Ban Quản lý các Khu công nghiệp Phú Thọ).
Dự án được thực hiện tại xã Thụy Vân và xã Thanh Đình, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ với quy mô 335 ha. Tổng mức đầu tư dự án là 601,4 tỷ đồng.
Nguồn vốn ngân sách nhà nước địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác, trong đó, nguồn vốn đã thực hiện 286.956 triệu đồng; đầu tư xây dựng hạ tầng giai đoạn IV (đầu tư mới) 251.953 triệu đồng; đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng giai đoạn II, III là 62.491 triệu đồng.
Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022 - 2025.
UBND tỉnh Phú Thọ chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung báo cáo, chịu trách nhiệm bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác đảm bảo hoàn thành dự án theo tiến độ được phê duyệt.
Các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định 836/TTg ngày 7/10/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Thụy Vân, tỉnh Phú Thọ; Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 18/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi một số điều của Quyết định 836/TTg ngày 7/10/1997; Văn bản số 1383/CP-CN ngày 9/10/2003 của Chính phủ về việc cho phép thực hiện dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Thụy Vân giai đoạn II, tỉnh Phú Thọ; Văn bản số 754/CP-CN ngày 2/6/2004 của Chính phủ về việc cho phép thực hiện dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Thụy Vân, giai đoạn III.
Tổ máy số 1 Nhiệt điện Thái Bình 2 vận hành ở mức 602 MW thành công
Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) vừa có cuộc kiểm tra tiến độ, đôn đốc công tác vận hành nâng công suất tổ máy số 1 Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 với sự tham gia của tổng thầu PETROCONs và các nhà thầu vận hành, xây dựng, giám sát tại Dự án.
Đội ngũ cán bộ chuyên gia vận hành của Petrovietnam phấn khởi khi thành công nâng công suất tối đa Tổ máy số 1 NMNĐ Thái Bình 2. |
Đoàn công tác của Petrovietnam đã kiểm tra thực địa, đánh giá công tác vận hành tại các hạng mục chính của nhà máy như kho than số 2, cảng nhận than và Trung tâm điều khiển vận hành của nhà máy.
Theo báo cáo tiến độ dự án của tổng thầu PETROCONs, tính đến ngày 16/11, dự án còn 45 ngày phải hoàn thành, tiến độ tổng thể đạt 97,11%.
Tình hình triển khai các hạng mục chính trên công trường dự án như hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu nâng công suất cho Tổ máy số 1. Trong đó, tổng thầu PETROCONs và các nhà thầu đang tập trung tăng cường nhân lực đẩy nhanh lợp tôn kho than, băng tải than.
Nhà thầu FLS vận hành hệ thống cũng đã tăng ca, tăng nhân sự để giảm thời gian chạy thử đồng bộ cho toàn bộ hệ thống của nhà máy.
Công tác lợp tôn và vận hành kho than số 2 đã hoàn thành 98,8%, hệ thống băng chuyền vận chuyển than của nhà máy cũng hoàn thành tới 97%.
Các hạng mục như trạm bơm nước hồi từ bãi thải tro xỉ, hệ thống phòng cháy chữa cháy cũng đang được khẩn trương hoàn thành các công đoạn cuối cùng. Các hạng mục liên quan đến công tác chạy thử của tổ máy số 1 như hệ thống máy nghiền than, hệ thống khử NOx, hệ thống khử lưu huỳnh… đều đang trong quá trình chạy thử, tối ưu, sẵn sàng cho tổ máy số 1 nâng công suất vận hành.
Đối với tổ máy số 2, tổng thầu PETROCONs cũng cho biết, ngay sau khi hòa điện lần đầu bằng dầu, các nhà thầu vận hành chạy thử, cùng các chuyên gia biệt phái từ đơn vị thuộc Petrovietnam… đang tiến hành bảo dưỡng sửa chữa, hiệu chỉnh để hướng đến mốc hòa điện bằng than lần đầu.
Hiện nay, Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đang bước vào giai đoạn cực kỳ thách thức khi vừa phải hoàn thiện công tác xây dựng, lắp đặt và vừa phải tổ chức công tác chạy thử nghiệm thu đối với các tổ máy, đồng thời phải khẩn trương chuẩn bị cho giai đoạn vận hành thương mại vào cuối năm 2022.
Hơn thế nữa, sự biến động liên tục từ thị trường thế giới cũng ảnh hưởng trực tiếp đến công tác nhập than, dầu HFO, cũng như chi phí đối với các chuyên gia vận hành quốc tế đến Việt Nam.
Mặt khác, các công tác cấp thiết như chuẩn bị các loại giấy phép hoạt động điện lực, chuẩn bị nguyên vật liệu cho giai đoạn chạy thử nghiệm thu, vận hành thương mại, hợp đồng mua bán điện và hoàn thiện bộ máy để tiếp nhận và vận hành nhà máy… đều gặp không ít khó khăn.
Sau khi nghe báo cáo cập nhật, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cũng lưu ý 3 nhóm công tác cần phải khẩn trương triển khai.
Đó là chuẩn bị kỹ càng về nguyên vật liệu đầu vào cho nhà máy gồm nhiên liệu than (trong giai đoạn này phải đặc biệt lưu ý đảm bảo chất lượng theo thiết kế để nghiệm thu chính xác được các thông số kỹ thuật), dầu HFO và các vật tư, thiết bị dự phòng phục vụ quá trình chạy thử nghiệm thu các Tổ máy;
Nỗ lực đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu ra là các giấy phép hoạt động điện lực, hợp đồng mua bán điện,… đặc biệt là giấy phép phòng cháy chữa cháy. Rà soát, hoàn thiện toàn bộ quy trình vận hành, bảo dưỡng sửa chữa trên cơ sở các tài liệu kỹ thuật của thiết bị để đảm bảo tính khoa học, bài bản cho quá trình chạy thử nghiệm thu hiện nay và công tác vận hành thương mại sau này.
“Dự án đang vào thời điểm quyết liệt nhất và khó khăn nhất nên cũng đặt ra yêu cầu rất cao về khả năng vận hành, quản lý nhà máy, quản trị các biến động liên tục từ thị trường đến kiểm soát rủi ro. Chúng ta dứt khoát không lùi bước, phải đạt được mục tiêu là phát điện thương mại vào ngày 31/12/2022”, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Hải Phòng: Khởi công xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ hơn 2.284 tỷ đồng
Chiều 17/11, UBND TP.Hải Phòng tổ chức Lễ khởi công xây dựng Tuyến đê biển Nam Đình Vũ thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.284 tỷ đồng.
Vị trí Dự án |
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng khẳng định: “Đây là Dự án có ý nghĩa quan trọng đối với việc phòng chống lụt, bão, nước biển dâng, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản, các công trình của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước kinh doanh, hoạt động tại bán đảo Đình Vũ.
Với diện tích hơn 22.000 ha, khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải sẽ khai thác được các tiềm năng, lợi thế kết nối Logistic từ hệ thống cảng biển, cảng hàng không và hệ thống giao thông vô cùng thuận lợi giúp các nhà đầu tư mang lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh và góp phần phát triển kinh tế xã hội thành phố bền vững”.
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và khu kinh tế, khu công nghiệp Hải Phòng làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích 77,07 ha tại bán đảo Đình Vũ (phường Đông Hải 2 và phường Tràng Cát, quận Hải An).
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.284 tỷ đồng, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ và chiến lược giữa nhà nước và doanh nghiệp với 60% nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình từ ngân sách Trưng ương và ngân sách thành phố, và 40% từ vốn đóng góp của chủ đầu tư Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng II và Khu công nghiệp Nam Đình Vũ.
Cụ thể, ngân sách Trung ương (113,156 tỷ đồng) và ngân sách thành phố (1.257,276 tỷ đồng); Vốn đóng góp của các doanh nghiệp lần lượt là Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hải Phòng đóng góp 240,364 tỷ đồng, Công ty cổ phần Công nghiệp Hồng Đức đóng góp 62,127 tỷ đồng đều thuộc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C và Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Đỏ đóng góp 611,124 tỷ đồng.
Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025.
Quy mô tổng chiều dài tuyến đê là 12.769 m, điểm đầu tuyến từ K2+253 (lý trình đầu của tuyến kè đã được xây dựng thuộc Dự án đầu tư xây dựng cảng Nam Đình Vũ do Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Đỏ làm chủ đầu tư), điểm cuối tuyến tại K15+022 (điểm giao với đường Tân Vũ - Lạch Huyện). Các hạng mục trên tuyến gồm 03 cống dưới đê phục vụ cho tiêu thoát nước và hệ thống đường công vụ, giao thông mặt đê phục vụ cho việc quản lý, ứng cứu đê.
Tuyến đê biển Nam Đình Vũ khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện để mở rộng thêm khoảng 2.000 ha đất khu công nghiệp phía Nam bán đảo Đình Vũ; đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo việc làm cho hơn 100.000 lao động. Đồng thời, chủ động phòng chống thiên tai và giảm thiểu tác động xấu do biến đổi khí hậu, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng ven biển Hải Phòng. Từ đó, từng bước hoàn thiện quy hoạch thành phố Hải Phòng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; góp phần thúc đẩy kinh tế vùng, tạo điều kiện phát triển bền vững cho Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.
Về phía chủ đầu tư, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Ban Quản lý cho biết, đây là dự án lớn về đê biển, tuyến đê được thi công trên nền địa chất yếu, điều kiện sóng gió, thủy hải văn rất phức tạp, đòi hỏi quá trình thi công phải tuân thủ chặt chẽ các biện pháp tổ chức đã được phê duyệt. “Chúng tôi cam kết sẽ tập trung tối đa nhân lực trong suốt thời gian thực hiện dự án, sát sao chỉ đạo, giám sát, điều hành các đơn vị nhà thầu thi công để hoàn thành dự án đảm bảo chất lượng, an toàn, đúng hoặc vượt thời gian đã đề ra”, ông Hà nhấn mạnh.