Một góc TP. Cần Thơ. Ảnh: Xuân Hội |
UBND TP. Cần Thơ vừa có Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm và kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tại Báo cáo này, UBND TP. Cần Thơ đã đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo 7 vấn đề nhằm giúp TP. Cần Thơ khắc phục các hạn chế, yếu kém cốt lõi cản trở sự phát triển, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế, thực hiện tốt chủ trương, định hướng và yêu cầu nhiệm vụ tại Nghị quyết 59/NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị. Cụ thể:
Sớm ban hành Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 59/NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình tại Tờ trình số 1162/TTr-BKHĐT ngày 4/3/2021.
Xây dựng và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách đặc thù về quy hoạch, đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý cho TP. Cần Thơ, bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn trong cả nước tạo điều kiện thuận lợi cho TP. Cần Thơ phát triển thành trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo Nghị quyết 59/NQ/TW của Bộ Chính trị.
Để triển khai thành công Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, đề nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận thực hiện theo phương thức cấp phát khoản vay hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững cho các tỉnh ĐBSCL theo tinh thần Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban quản lý vốn nhà nước, Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Điện lực sớm thống nhất kế hoạch triển khai đường dẫn ống dẫn khí từ Lô B về Ô Môn (Liên doanh PVN và MITSIU OIL); bổ sung vào Quy hoạch điện VIII thêm Nhà máy Nhiệt điệt Ô Môn và hệ thống Kho khí LNG để cung cấp cho Trung tâm nhiệt điện Ô Môn.
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành có liên quan sớm tham mưu triển khai thực hiện các dự án có tính liên kết vùng để tạo động lực thúc đẩy phát triển TP. Cần Thơ nói riêng và các tỉnh trong vùng ĐBSCL nói chung giai đoạn 2021 - 2025, gồm:
Đường bộ: Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; cầu Cần Thơ 2; cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc; nâng cấp Quốc lộ Nam Sông Hậu đoạn từ ngã năm cầu Cần Thơ đến cảng Cái Cui; xây dựng tuyến tránh TP. Long Xuyên đoạn Thốt Nốt - Lộ Tẻ; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61C, Quốc lộ 91 (đoạn km 0 - km 7); đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - TP. Cần Thơ.
Đường hàng không: Quy hoạch và đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ theo hướng đầu tư xây dựng thêm 01 đường cất hạ cánh, nhà ga, dịch vụ kho vận, trung tâm logistics hàng không cấp Quốc gia. Đồng thời chỉ đạo xúc tiến mở thêm nhiều đường bay nội địa và quốc tế đến Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ.
Về luồng hàng hải: Sớm hoàn thành dự án Luồng cho tàu biển có tải trọng lớn (đến 20.000 tấn giảm tải) vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố giai đoạn 2.
Về lâu dài, vùng ĐBSCL rất cần có tuyến vận tải hàng hóa bằng đường biển cho tàu có tải trọng lớn hơn 20.000 tấn lưu thông để kết nối trực tiếp với các thị trường trong nước và quốc tế giúp giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, rút ngắn thời gian vận tải, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân. Kiến nghị chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải sớm có nghiên cứu kỹ khu vực cửa Định An, cửa Trần Đề… để tham mưu giải quyết. Trước mắt cho chủ trương xã hội hóa nghiên cứu nạo vét luồng Định An vào sông Hậu.
TP. Cần Thơ hiện đang kêu gọi đầu tư các dự án bằng hình thức đấu thầu dự án có sử dụng dất. Trong đó có Dự án khu đô thị mới Cồn Ấu có vị trí đặc thù (đất cồn); tuy nhiên, thời gian qua chưa thực hiện được do vướng mắc trong xác định giá sàn nộp ngân sách nhà nước (m3), là căn cứ để nhà đầu tư đề xuất giá trị ngân sách nhà nước ngoài các nghĩa vụ của nhà đầu tư đối với ngân sách nhà nước (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất), theo quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể: Giá sàn nộp ngân sách nhà nước (m3) được tính toán dựa trên tham chiếu các khu đất, quỹ đất phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại mục 3 Phụ lục V Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT ngày 18/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; tuy nhiên thành phố chưa có trường hợp khu đất, quỹ đất nào đáp ứng đúng các điều kiện theo quy định để tham chiếu, chỉ đáp ứng một phần điều kiện theo quy định. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thành phố thực hiện cụ thể đối với trường hợp này.
Ngoài ra, UBND TP. Cần Thơ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh các quy định về quản lý đất đai phù hợp với tình hình thực tế, bởi thành phố đang bị ách tắc đối với các dự án do chủ đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án (nguyên nhân: giá chuyển nhượng do thương lượng rất khó đi đến sự đồng thuận giữa hai bên), trong phạm vi dự án có hộ dân không đồng ý chuyển nhượng…
Theo báo cáo của UBND TP. Cần Thơ, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố tăng bình quân 6,17%/năm; năm 2020, GRDP bình quân đầu người đạt 94,45 triệu đồng, tương đương 4.050 USD, gấp 1,6 lần so với năm 2015. Trong cơ cấu kinh tế của thành phố, thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng 57,05%; công nghiệp - xây dựng chiếm 32,86%; nông nghiệp - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 10,09%.