Thu hút đầu tư khá nhưng chưa tương xứng tiềm năng
Tại hội nghị đánh giá môi trường đầu tư giai đoạn 2011-2015 và các giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư trong thời gian tới vừa diễn ra sáng 19/1, ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Cần Thơ cho biết, đến cuối năm 2015, địa phương đã thu hút 388 dự án với tổng vốn trên 85.300 tỷ đồng ( 4 tỷ USD). Trong đó, có 68 dự án FDI với số vốn đăng ký hơn 20.000 tỷ đồng (hơn 900 triệu USD), chiếm 24% tổng vốn đăng ký. Trên địa bàn hiện có hơn 15.000 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký kinh doanh trên 95.000 tỷ đồng.
Nhưng theo phân tích của ông Hồng, thu hút đầu tư vào địa phương tuy có bước chuyển biến song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn ít dự án có quy mô lớn; thu hút lĩnh vực FDI còn khá khiêm tốn, vốn triển khai thực hiện còn thấp so với tổng vốn đăng ký.
Một trong những nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, một số dự án đã chuẩn bị triển khai phải dừng lại, điển hình như dự án Nhà máy lọc dầu Cần Thơ tổng vốn đầu tư đến 538 triệu USD đã được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Mặt khác, Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, nên giá đất công nghiệp tại địa phương bình quân đến 80USD/m2. Trong khi đó, giá cho thuê đất tại 2 KCN “sát nách” với TP.Cần Thơ là Sông Hậu ( tỉnh Hậu Giang), Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) chỉ bằng 1/3 và doanh nghiệp còn được hưởng nhiều ưu đãi khác vì là địa bàn khó khăn. Sự cạnh tranh không cân sức trong thu hút đầu tư cũng là một nguyên nhân khiến các KCN Cần Thơ kém hấp dẫn.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cũng đồng tình khi cho rằng, KCN Sông Hậu (Hậu Giang) cách trung tâm TP.Cần Thơ chỉ hơn 10 km, có thể dùng chung hạ tầng và nguồn lao động được đào tạo từ TP.Cần Thơ nhưng giá cho thuê đất chỉ bằng 1/3 của Cần Thơ, do đó, nếu Cần Thơ không có chính sách ưu đãi đặc biệt thì rất khó để thu hút đầu tư.
Theo phân tích của ông Nam, thời gian qua, Cần Thơ thu hút được nhiều dự án thương mại dịch vụ, tuy nhiên muốn phát triển hơn nữa lĩnh vực này thì cũng phải tăng thu hút đầu tư công nghiệp, vì công nghiệp phát triển cũng sẽ kéo theo nhiều lĩnh vực khác như thương mại, dịch vụ, bất động sản… cùng phát triển.
Khơi dậy thế mạnh của một đô thị trung tâm vùng
TS.Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ cho rằng, bên cạnh những khó khăn, Cần Thơ cũng còn rất nhiều “cửa” để vực dậy thế mạnh thu hút đầu tư. Hạ tầng giao thông, kinh tế kỹ thuật của Cần Thơ đã có bước tiến vượt bậc so với khoảng 5 năm trước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Cần Thơ đang ở nhóm rất tốt (đứng thứ 10 đến 15 cả nước), Cần Thơ còn có lợi thế về nguồn lao động qua đào tạo có chất lượng.
Về giao thương, khi kênh Quan Chánh Bố thông luồng và Cần Thơ có trung tâm logistics cấp vùng thì khả năng thu hút đầu tư của địa phương sẽ trỗi dậy mạnh mẽ. Thời gian gần đây, có nhiều Công ty, Tập đoàn lớn “đổ bộ” vào Cần Thơ cũng chính là đã nhìn thấy khả năng tăng tốc phát triển của địa phương trong tương lai. Theo ông Dũng, thời gian qua thông tin về địa phương còn quá ít, do đó, trong thời gian tới, địa phương cần chủ động quảng bá xúc tiến đầu tư nhiều hơn.
Mô hình trồng chuối già Nam Mỹ xuất khẩu tại Nông trường Sông Hậu được đánh giá là dự án đầu tư nông nghiệp hiệu quả. |
Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cần Thơ (CBA) cũng có cái nhìn khá lạc quan về khả năng thu hút đầu tư vào địa phương và cho rằng, Cần Thơ đã hội tụ đủ điều kiện để trở thành Trung tâm phân phối của vùng. Bà Thuận cũng cho biết, từ khi Cần Thơ có Vườn ươm công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc thì địa phương đã được nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc biết đến. Bà Thuận đề nghị CBA ráp mối để doanh nghiệp Cần Thơ và Hàn Quốc gặp gỡ tìm hiểu cơ hội hợp tác nhiều hơn.
Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ đánh giá, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các địa phương ngày càng cao thì chính sách ưu đãi về thuế, đất đai của thành phố không bằng các tỉnh lân cận làm cho môi trường đầu tư của Cần Thơ kém hấp dẫn. Bù lại, Cần Thơ cũng có những lợi thế mà các tỉnh khác không thể có. Đó là lợi thế về cơ sở hạ tầng giao thông thuận tiện cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không; Các dịch vụ tiện ích khác của TP.Cần Thơ cũng đứng nhất vùng. Đặc biệt lâu nay, TP.Cần Thơ được biết đến là trung tâm đào tạo nhân lực lớn và tốt nhất vùng.
Để tạo bước chuyển biến rõ nét trong thu hút đầu tư, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư theo hướng hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư trong khởi sự doanh nghiệp, tiếp cận đất đai, vốn sản xuất. Tiếp tục nghiên cứu và tìm giải pháp ưu đãi nhiều hơn cho doanh nghiệp trong chính sách về thuế và hỗ trợ một phần chi phí đền bù đất đai tạo quỹ đất tại các KCN. Cải thiện hơn nữa thủ tục hành chính tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch.
"Ngay sau hội nghị này, địa phương sẽ rà soát, điều chỉnh lại danh mục dự án mời gọi đầu tư theo hướng sát với ý tưởng của nhà đầu tư, tính khả thi cao. Trong tháng 3/2016, UBND Thành phố sẽ ban hành chỉ thị về “cải thiện môi trường đầu tư”. Hàng tháng, Chủ tịch ngoài việc duy trì lịch tiếp doanh nghiệp còn phải chủ trì họp giao ban với các sở ngành để nắm lại tình hình thu hút đầu tư trong tháng để đôn đốc, kịp thời uốn nắn, tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực này. Tôi sẽ là người trực tiếp phụ trách, theo đuổi đến cùng và thực hiện cho bằng được mục tiêu đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa phương trong thời gian tới”, ông Thống nhấn mạnh.