|
Khách hàng lựa chọn mua các sản phẩm đồ gỗ nội thất. |
Khảo sát tại các phố có nhiều cửa hàng bán đồ nội thất tại Hà Nội như Đê La Thành, Tràng Thi, Thái Hà... cho thấy, nhu cầu mua các sản phẩm này tăng cao so với thường lệ. Tuy nhiên, tình trạng giá cả nhập nhèm, hàng kém chất lượng và hàng giả lẫn lộn khiến người tiêu dùng không biết nên lựa chọn thế nào.
Khó phân biệt thật giả
Có con chuẩn bị vào lớp 1, anh Triệu Xuân Khoa (Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) mong muốn tìm được một bộ bàn ghế có thể giúp con rèn tư thế tập viết và đỡ mỏi mệt khi luyện chữ. Do đó, anh Khoa được nhiều người khuyên sử dụng hàng chính hãng của Công ty Cổ phần Nội thất Hòa Phát. Tuy nhiên, tình trạng giá cả chênh lệch khiến anh Khoa lo lắng: “Nghe nhiều phụ huynh khuyên, tôi tìm đến đường Đê La Thành (Hà Nội) để mua bàn học của Hòa Phát. Tuy nhiên, khi tham khảo trên thị trường, tôi không biết mua ở đâu do giá một sản phẩm tại các cửa hàng lại khác nhau, có nơi rẻ nhất là 600.000 đồng/bộ, trung bình 650.000 - 900.000 đồng/bộ, cá biệt có nơi lại hơn 1.000.000 đồng/bộ. Đồng thời, chỗ nào cũng thấy treo biển là hàng Hòa Phát, hàng nhập chính hãng từ công ty nhưng mỗi nơi một giá khác nhau, chênh lệch đến cả trăm nghìn đồng một bộ cùng loại nên quả thực không biết mua ở đâu” - anh Khoa cho biết.
Sau khi đắn đo chọn lựa, anh Khoa đã chọn mua 1 bộ sản phẩm với giá 600.000 đồng. Tuy nhiên, khi được giao hàng, anh Khoa thấy tem rơi ra, không dán vào sản phẩm nên không biết đó là hàng giả hay hàng thật, còn phần khung sắt không có tem nhãn gì. Gọi điện đến cửa hàng để kiến nghị, anh Khoa chỉ nhận được câu trả lời “hàng chính hãng đó, cửa hàng nhà mình uy tín nên không lo gì cả”.
Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Nội thất Hòa Phát: “Hiện tại, trên thị trường xuất hiện một số sản phẩm giống kiểu dáng, mẫu mã như sản phẩm của Công ty nhưng không đạt chất lượng như sản phẩm gốc. Bên cạnh đó, vấn đề tem chống hàng giả chỉ dán tại một vị trí trên sản phẩm đồng nghĩa với việc các điểm khác cũng có thể làm giả, như vậy việc nhận biết tem chống hàng giả vẫn có độ chính xác không cao và người tiêu dùng hoàn toàn gặp rủi ro khi mua hàng”.
Hình thức giống nhau, giá nào cũng có
Trong vai người đi mua đồ nội thất, phóng viên Báo Hải quan được giới thiệu nhiều sản phẩm nội thất từ giường, tủ, ghế... với mẫu mã, chủng loại đa dạng. Nhưng điều đáng nói, cùng một loại sản phẩm, mỗi cửa hàng ra giá một kiểu. Tủ giầy loại 1,2 mét làm từ gỗ xoan đào có cửa hàng ra giá 2 triệu đồng, có nơi lại ra giá 2,5 đến 3,5 triệu đồng. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan về điều này, chị Đào Mây - Chủ cơ sở kinh doanh đồ nội thất MSP (Đê La Thành - Hà Nội) cho biết: “Giá cả chênh lệch như vậy là do các sản phẩm được làm bằng nhiều nguyên liệu khác nhau. Mặt khác, các sản phẩm bán chính hãng thường có giá cao hơn giá thông thường do phí vận chuyển. Bên cạnh đó, giá cả chênh lệch là do nhiều cửa hàng đã sử dụng các loại gỗ kém chất lượng, đánh tráo gỗ công nghiệp với các loại gỗ tự nhiên”.
Anh Lê Văn Đoàn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Vừa hoàn thiện nhà mới, tôi tìm mua tủ quần áo loại 1,6 mét để gia đình cùng sử dụng. Khảo sát trên thị trường giá tủ gỗ ép loại này được chủ cửa hàng nói là hàng Sài Gòn có giá 2,2 triệu đồng/chiếc. Cùng mẫu mã, chất liệu nhưng tủ gỗ ép được giới thiệu hàng xịn nhập khẩu lại có giá 2,8 triệu đồng. Tủ 2,8 triệu đồng được nhân viên cửa hàng giới thiệu làm bằng công nghệ mới, sơn có khả năng chống mối mọt, chịu ẩm tốt. Với khả năng quan sát bằng mắt thường khó có thể nhận biết 2 sản phẩm trên khác nhau thế nào. Cả 2 sản phẩm đều không nhãn mác”.
Theo anh Lại Thế Dụng - một thợ mộc tại Nam Định, với sản phẩm lớn, khách hàng nên lưu ý xem chúng có lỗ mộng truyền thống và khớp mộng luôn tại đó không. Thậm chí với những sản phẩm gỗ nội thất đắt tiền, người tiêu dùng phải cẩn thận kiểm tra các đinh vít, keo có chắc chắn không.
Bên cạnh đó, các đồ gỗ nội thất dùng trong gia đình đang bày bán trên thị trường thường có 2 loại gồm kết cấu khung và kết cấu ghép liên tiếp. Khi chọn loại kết cấu khung, người mua nên quan sát cẩn thận những điểm nối của khung có chắc chắn và có bị hở hay không, nếu mua cửa gỗ thì 4 góc cửa phải vuông góc. Ngoài ra, đối với các sản phẩm có kết cấu ghép liên tiếp, khách hàng nên kiểm tra chỗ tiếp giáp nhau của chúng xem sản phẩm có thể chịu được lực tốt không. Đồng thời, các linh kiện bằng kim loại ghép thêm vào phải chắc chắn, ngay ngắn, các đầu đinh không được lộ ra ngoài bề mặt gỗ hoặc hụt quá sâu.