Ngân hàng - Bảo hiểm
Cẩn trọng với nợ xấu phát sinh khi dùng thẻ tín dụng
Vân Linh - 24/03/2024 10:25
Vụ chủ thẻ tín dụng Eximbank nợ ngân hàng vài triệu đồng, nhưng số tiền phải trả lên gần 9 tỷ đồng sau nhiều năm cho thấy, nếu không cẩn trọng khi dùng thẻ tín dụng, nợ xấu gia tăng, chủ thẻ không khó trở thành con nợ.

Dễ thành con nợ

Hiện có không ít người sử dụng thẻ tín dụng quên trả nợ, không trả hết nợ, dẫn đến nợ xấu mà không hề hay biết. Trong khi đó, theo quy định, nợ xấu là các khoản nợ đã quá hạn thanh toán trên 90 ngày. Một khi đã bị liệt vào danh sách khách hàng nợ xấu thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi muốn vay vốn của ngân hàng hay một tổ chức tín dụng nào đó trong tương lai.

Việc vay ít nợ nhiều vì kéo dài thời gian trả nợ đã xảy ra với nhiều chủ thẻ. Thực tế, không ít chủ thẻ tín dụng dính vào nợ xấu, do không trả nợ sau 45-55 ngày miễn lãi. Đặc biệt, đối với những thẻ tín dụng phát hành cách đây gần chục năm, khách hàng không còn sử dụng, nhưng quên trả nợ hoặc trả chưa hết nợ, thì dù chỉ còn dư nợ rất nhỏ vẫn có thể dẫn đến nợ xấu lớn.

Lý do là, thẻ tín dụng có lãi suất rất cao, thường 25-40%/năm, tùy thuộc vào ngân hàng, chưa kể phí phạt trả chậm. Do đó, người dùng thẻ tín dụng cần chú ý tới các khoản chi tiêu của mình để trả nợ đúng hạn, tránh để phát sinh lãi chồng lãi trong thời gian dài.

TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, khá nhiều người mở rất nhiều thẻ tín dụng, nên dễ quên ngày thanh toán trả nợ, dẫn đến phát sinh lãi cũng như phí phải trả cho ngân hàng. Nếu không thanh toán đúng hạn, chủ thẻ sẽ phải trả các khoản lãi suất (bao gồm lãi suất quá hạn, bằng 150% lãi suất thông thường) và phí phạt, trong đó có phí phạt trễ hạn, phí vượt quá hạn mức… Do đó, người dùng thẻ phải hết sức cẩn trọng.

Trách nhiệm cả hai

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) phân tích, do thẻ tín dụng là hình thức cho vay tín chấp, nên ngân hàng áp lãi suất cao hơn hình thức vay thế chấp. Nếu khách hàng không trả nợ sau thời gian được miễn lãi, thì cách tính lãi lũy tiến từng ngày sẽ làm cho “lãi mẹ đẻ lãi con”. Ngoài tiền lãi, thẻ tín dụng còn có một số loại phí mà chủ thẻ phải để ý như phí phạt 150% lãi suất, phí thường niên, phí ứng trước tiền mặt, phí thanh toán chậm... Trong khi đó, nhiều khách hàng rất ít để ý các phí trên khi sử dụng thẻ thanh toán hàng hóa, dịch vụ ở nước ngoài; đến khi bị tính mới ngã ngửa, nhưng không thể làm khác được.

Do đó, sau khi xảy ra các trường hợp đáng tiếc như trường hợp khách hàng nợ Eximbank gần 9 tỷ đồng, giới phân tích cho rằng, phía ngân hàng cũng cần nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhiệm vụ của mỗi ngân hàng không chỉ là thu hút khách hàng, mà còn giúp khách hàng và nhân viên nhận thức đầy đủ về thẻ ngân hàng.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính cho rằng, khi có nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng, mỗi khách hàng cần ý thức quản lý tài chính của mình và phải có ý thức trả nợ để tránh nợ xấu phát sinh. Nhưng thực tế hiện nay, nhiều người dân chưa được trang bị kiến thức khi sử dụng thẻ tín dụng. Thậm chí, nhiều người mở thẻ tín dụng với mục đích rút tiền mặt, trong khi phí rút tiền mặt qua thẻ khá cao, thường khoảng 4%. Khách hàng cũng phải thanh toán toàn bộ dư nợ.

Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM chia sẻ, bên cạnh việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ, công tác chăm sóc khách hàng, thì hoạt động thông tin - truyền thông có vai trò quan trọng và cần phải được quan tâm trong quá trình mở rộng và phát triển dịch vụ ngân hàng, nhất là trong điều kiện phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại ngày nay. Những kiến thức và quy định cơ bản về thẻ ngân hàng phải được tư vấn, hướng dẫn cụ thể, thường xuyên, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng sử dụng dịch vụ và góp phần quan trọng hạn chế phát sinh tồn tại liên quan đối với thẻ tín dụng.

Cụ thể, thẻ ngân hàng, nếu phân loại theo chức năng và bản chất dòng tiền trên tài khoản, thì gồm thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng. Theo phân loại này, quyền và trách nhiệm của người sở hữu thẻ cũng khác nhau. Trong đó, nếu thẻ ghi nợ (thẻ ATM, thẻ trả trước) là tiền gửi của khách hàng, thì thẻ tín dụng là tiền vay, khách hàng vay của ngân hàng để sử dụng. Vì vậy, các quy định trong việc sử dụng thẻ, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của khách hàng là khác nhau.

Tin liên quan
Tin khác