Ngân hàng - Bảo hiểm
Cần ưu tiên giảm lãi suất vào thời điểm này
Khánh An - 22/05/2023 08:26
TS. Nguyễn Tú Anh, chuyên gia kinh tế, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, giảm lãi suất nên là ưu tiên cần tính toán vào thời điểm này.
TS. Nguyễn Tú Anh, chuyên gia kinh tế, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương).

Thưa ông, cuối tuần trước, Ngân hàng Thế giới (WB) đã có báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam với một số nhận định đáng chú ý. Đó là nền kinh tế đang phải đối mặt với “những cơn gió ngược” bên ngoài, khi nhu cầu bên ngoài suy yếu tiếp tục tạo áp lực giảm xuất khẩu, dẫn đến sản xuất công nghiệp suy yếu. Mặc dù tiêu dùng trong nước có cải thiện, nhưng tăng trưởng tín dụng chậm lại, phản ánh nhu cầu tín dụng yếu.

Trong khi đó, nhiều tin không vui từ doanh nghiệp tiếp tục xuất hiện, nổi lên là thông tin Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam - doanh nghiệp đang sử dụng trên 50.000 người sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng 5.700 lao động, chia làm hai đợt cuối tháng 6 và đầu tháng 7 tới, với lý do đơn hàng sụt giảm.

Ở góc độ chuyên gia kinh tế, theo ông, đâu là những dấu hiệu cần phải đặc biệt lưu tâm vào thời điểm này?

Khó khăn của nền kinh tế đã bộc lộ ngay từ quý I/2023. Có thể thấy, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm liên tục dưới ngưỡng trung bình, chỉ có tháng 2/2023 lên 51,2 điểm, hiện khoảng 47 điểm; nhu cầu về đầu tư, tiêu dùng trong 4 tháng đầu năm không bằng một nửa cùng kỳ năm trước, cho thấy dấu hiệu cầu còn yếu.

Doanh nghiệp lớn, thâm dụng lao động gặp khó khăn về đơn hàng như tình trạng của Pouyuen Việt Nam là rất đáng ngại, họ đã sa thải hơn 10% lao động. Câu hỏi cần xem xét là liệu đây có phải một cú sốc đối với đầu tư, doanh nghiệp, sau đó sẽ quay trở lại trạng thái bình thường, hay là cú sốc và sau đó là sự cân bằng mới.

Quan điểm của tôi là sự xấu đi của yếu tố bên ngoài, yếu tố quốc tế hiện nay không phải là cú sốc ngắn hạn, có thể sẽ thiết lập một cân bằng thấp, vì chúng liên quan đến xung đột về chính trị toàn cầu và xung đột giữa các nước lớn, đang có sự thay đổi trật tự kinh tế thế giới.

Cần phải đánh giá kỹ lưỡng những điểm mới này, để thấy những xu hướng thay đổi trong kinh tế vĩ mô, trong hoạt động của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp chia sẻ là họ cần vốn để phục hồi, đúng hơn là để chờ đợi sự phục hồi của thị trường quốc tế. Tuy nhiên, lãi suất cho vay, dù đang có nhiều động thái giảm, nhưng vẫn rất cao. Ông có cho rằng, có dư địa để giảm lãi suất không?

Kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều nan đề. Cầu thấp, nhưng lãi suất cao. Nguyên nhân có nhiều, do vấn đề nội tại của nền kinh tế, của hệ thống ngân hàng, do lo ngại lạm phát vẫn treo lơ lửng.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế có dấu hiệu suy yếu, thì cần có những chính sách phản chu kỳ. Thông thường, khi kinh tế suy yếu, rủi ro tăng lên, các tổ chức tín dụng sẽ siết chặt cho vay, tăng chi phí vay để bù đắp rủi ro. Điều đó làm cho doanh nghiệp càng khó  khăn hơn. Đó cũng là lý do đẩy nợ xấu tăng lên, tác động ngược trở lại với chính hệ thống ngân hàng.

Nhưng, môi trường lãi suất cao như đầu năm nay không chỉ làm xói mòn năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, mà còn gây ra nguy cơ đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng. Do đó, vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước đã có những chính sách rất kịp thời, để từ đó giảm lãi suất cho vay. Đó chính là chính sách phản chu kỳ.

Cũng có nhiều ý kiến hỏi tại sao các nước khác tăng lãi suất mà mình lại giảm. Điều cần làm rõ là chúng ta có dư địa giảm lãi suất không và câu trả lời là có.

Cụ thể là thế nào, thưa ông?

Thứ nhất, áp lực lạm phát ở những nước khác như Mỹ, châu Âu vẫn còn cao, nhưng đối với Việt Nam thì không đáng lo ngại, ít nhất là trong năm 2023. 3 tháng đầu năm, cung tiền chỉ tăng khoảng 0,8%, nghĩa là hoàn toàn không có áp lực lên lạm phát lõi.

Thứ hai là giá hàng hóa cơ bản như năng lượng, than, xăng dầu, nông sản trên thế giới đang có xu hướng giảm.

Tôi nhấn mạnh lãi suất vì nền kinh tế đang chịu nhiều tác động bất lợi từ bên trong, bên ngoài, Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực rất nhiều, nhưng là người nghiên cứu, tôi muốn nói rõ hơn.  Đó là yếu tố cung tiền phải là yếu tố quan trọng trong điều hành, để kiểm soát lạm phát, chứ không hoàn toàn là tăng trưởng tín dụng. Có thể thấy rõ hơn điều này khi nhìn vào năm 2022, lạm phát thế giới cao, nhưng ở Việt Nam chỉ khoảng 3,4%.

Hơn thế, để giảm được lãi suất, thì thanh khoản của nền kinh tế phải đủ lớn. Đã có những tín hiệu rất tích cực, như trong 4 tháng đầu năm, chúng ta đã mua được lượng lớn ngoại tệ đưa vào hệ thống dự trữ, nhờ vậy thanh khoản của nền kinh tế tốt hơn, dư địa giảm lãi suất tăng.

Một điểm nữa mà tôi vô cùng kỳ vọng, đó là thúc đẩy được giải ngân đầu tư công, cũng là công cụ tạo điều kiện giảm được lãi suất.

Điều kiện giảm lãi suất có nhưng tính khả thi thế nào, thưa ông?

Để hiện thực hóa các tính toán này, đúng là cần phải có sự phối hợp từ các cơ quan Chính phủ, vì giảm lãi suất sẽ có lợi cho tất cả. Khi lãi suất giảm thì doanh nghiệp mới giảm được áp lực về chi phí vốn, từ đó có thêm nhiều cơ hội vượt qua khó khăn, nhờ vậy ngân hàng sẽ giảm được rủi ro về vốn. Đó là tác động cộng sinh.

Tôi đã tính toán, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng bình quân trong cả năm 2022 là 1.135.100 tỷ đồng, thì với lãi suất cho vay bình quân là 10%/năm, riêng chi phí lãi vay mà các doanh nghiệp và người dân Việt Nam đã phải chịu là 1.135.091 tỷ đồng, tương đương 12% GDP.

Nếu lãi suất cho vay giảm 1 điểm phần trăm, thì hỗ trợ cho nền kinh tế sẽ lên tới hơn 113.000 tỷ đồng, lớn hơn các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện tại.

Tin liên quan
Tin khác