Dự án đường dây 500 kV mạch 3 được khởi công ngày 18/12/2018 và sẽ đưa vào vận hành khoảng tháng 5-6/2020. |
Thách thức mặt bằng
Đường dây 500 kV mạch kép đi qua địa phận Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai có tổng chiều dài trên 742 km, với tổng số 1.608 vị trí móng trụ được thi công trong điều kiện địa hình khó khăn, phức tạp.
Theo ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc CPMB, để đảm bảo tiến độ triển khai dự án, CPMB họp giao ban hàng tuần và Ban chỉ đạo cấp Tổng công ty hàng tháng họp 1 lần.
Hiện, khó khăn nhất được nhắc tới là việc giải phóng mặt bằng phục vụ thi công.
Theo đó, các khó khăn tiềm ẩn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trong việc phê duyệt các thủ tục liên quan, bố trí nhân lực, thời gian để thực hiện kiểm kê, quy chủ, lập/duyệt phương án bồi thường và đặc biệt là việc thuyết phục người dân chấp hành chính sách pháp luật về bồi thường giải phóng mặt bằng.
“Mức hỗ trợ đất trồng cây lâu năm ở nhiều địa phương chưa phù hợp với thực tế; thủ tục lập, phê duyệt đơn giá đất mất nhiều thời gian (khoảng 3 tháng); đơn giá bồi thường được các tỉnh phê duyệt chưa thực sự bám sát thị trường; các thủ tục liên quan đến chuyển đổi đất rừng cũng đòi hỏi nhiều thời gian, chưa kể chính sách từng địa phương có khác nhau, nên tại các vùng giáp ranh, người dân có sự so sánh khi phương án đền bù được công bố”, ông Tuyển nói.
Dĩ nhiên, những thắc mắc về đền bù được xem là nguồn cơn có thể khiến giải phóng mặt bằng không kịp tiến độ. Mặc dù CPMB cùng Hội đồng giải phóng mặt bằng địa phương rất tích cực làm việc, nhưng bản thân địa phương cũng có nhiều dự án đang triển khai nên phải chia sẻ nguồn lực, vì thế muốn cũng không thể nhanh như mong đợi.
Đáng nói là khu vực triển khai thi công đường dây 500 kV mạch 3 thuộc địa bàn duyên hải miền Trung và giáp ranh miền Trung có thời tiết khắc nghiệt. Do thời gian thi công chỉ trong 1 năm, nên chỉ có 1 mùa khô. Trong khi đó, có những vị trí móng rơi vào gần triền núi, nên dự báo sẽ khó khăn khi thi công mùa mưa nếu không kịp giải phóng mặt bằng sớm.
Ông Tuyển cũng cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVN NPT) đã làm việc với 8 tỉnh miền Trung để tạo điều kiện tối đa sớm có mặt bằng sạch.
Tăng tốc thi công
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 hiện có 26 gói thầu xây lắp. Để sát tình hình và đẩy nhanh tiến độ thi công, CPMB đã chia ra thành 8 Ban chỉ đạo tiền phương. Đồng thời các bên đã đạt được thoả thuận phía nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế đều thành lập Ban chỉ đạo/Tổ công tác song song với Ban chỉ đạo tiền phương của CPMB để điều hành tiến độ tại công trường.
Đường dây 500 kV mạch 3 gồm các dự án Đường dây 500 kV nhiệt điện Quảng Trạch - Vũng Áng và sân phân phối 500 kV Trung tâm điện lực Quảng Trạch, Đường dây 500kV Quảng Trạch-Dốc Sỏi và Đường dây 500kV Dốc Sỏi-Pleiku 2 có tổng mức đầu tư toàn bộ là 12.000 tỷ đồng.
Dự án được khởi công ngày 18/12/2018 và sẽ đưa vào vận hành khoảng tháng 5-6/2020.
“Với 26 gói thầu xây lắp, mỗi gói thầu thi công khoảng 30 km đường dây, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế đều phải đồng hành với các Ban chỉ đạo tiền phương để đảm bảo được tiến độ chung”, ông Tuyển cho hay.
Cùng với việc tăng cường quản lý hợp đồng với các nhà thầu, CPMB cũng tuyên bố, kiên quyết loại bỏ các nhà thầu không đủ năng lực làm ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ của dự án.
Đồng thời Ban Tiền phương kiểm điểm tiến độ hàng ngày với các đơn vị thi công, thống nhất các giải pháp để giải quyết các vướng mắc trong ngày hôm sau liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, cung cấp và xử lý tồn tại về vật tư thiết bị, thi công, nhân sự, dụng cụ thi công….
CPMB cũng yêu cầu các nhà thầu tư vấn giám sát bố trí đủ quân số để giám sát và nghiệm thu chuyển bước thi công, đảm bảo tiến độ thi công của các nhà thầu xây lắp.
Triển khai nghiệm thu ngay các hạng mục khi đã hoàn thành, để rút ngắn tiến độ nghiệm thu hoàn thành bàn giao đóng điện.
Đảm nhiệm công việc tư vấn giám sát dự án Đường dây 500kV mạch 3, Công ty Truyền tải điện 2 đã thành lập Ban chỉ đạo và các Tổ tư vấn giám sát tại Công ty và các Truyền tải điện: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam.
Ông Trần Thanh Phong, Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 cho biết, việc thực hiện giám sát cùng thời gian thi công là để giảm tối đa thời gian tiếp nhận, chuyển giao nhằm đưa công trình vào vận hành xuôi chèo, mát mái ngay sau khi đầu tư. Bởi vậy, trong quá trình thực hiện, tùy thuộc vào tình hình thi công cụ thể của công trình, Công ty sẽ điều động lực lượng giám sát giữa các cung đoạn đường dây hoặc giữa các công trình với nhau nhằm đáp ứng tiến độ công việc chung theo hợp đồng đã ký kết.