Để tránh rủi ro bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ |
Giả mạo hồ sơ vay vốn
Ngân hàng OCB cảnh báo, một số đối tượng đã tìm kiếm khách hàng có nhu cầu vay qua các kênh mạng xã hội của các ngân hàng, công ty tài chính, rồi đánh cắp thông tin làm hồ sơ vay… Sau đó, chúng từng bước tiếp cận, tư vấn, chào mời, thực hiện các hành vi lừa đảo. Hồ sơ giả mạo được mô phỏng các điều khoản theo mẫu hợp đồng vay tại OCB, nhưng các thông tin về người đứng tên đại diện của ngân hàng đều sai lệch. Sau khi cung cấp các thông tin, khách hàng sẽ được yêu cầu thanh toán theo hình thức COD (thu tiền khi giao hàng) thông qua người giao hàng, bưu điện với chi phí 1,5 - 2 triệu đồng để nhận hợp đồng vay.
OCB khuyến cáo, các cá nhân, tổ chức cần cẩn trọng, cảnh giác với điện thoại, tin nhắn, email xưng danh nhân viên OCB để tiếp thị và hướng dẫn thực hiện các khoản vay tín chấp.
Thực tế cho thấy, lĩnh vực tài chính ngân hàng đang phát triển mạnh mẽ là miếng mồi ngon cho các đối tượng lừa đảo, với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi nhằm qua mặt ngân hàng, công ty tài chính.
Điển hình mới đây nhất là vụ việc xảy ra tại FE Credit khi một số khách hàng không vay vốn tại Công ty, nhưng bỗng dưng bị CIC (Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia) ghi nợ xấu. Nguyên nhân là do khách hàng đánh mất CMND và bị kẻ gian ăn cắp thông tin cá nhân để làm giả hồ sơ vay vốn tiêu dùng.
Trả lời về các vụ việc liên quan đến hợp đồng giả mạo thông tin cá nhân vay vốn, đại diện FE Credit cho biết, Công ty đang tiến hành rà soát lại các hợp đồng vay nhằm hạn chế tối đa các trường hợp tương tự, đảm bảo quyền lợi cao nhất, hoàn tất thủ tục đề nghị xóa nợ xấu trên CIC cho khách hàng. Đồng thời, Công ty cũng tiếp tục thu thập thông tin đối tượng lừa đảo để chuyển hồ sơ qua cơ quan công an điều tra.
Kẽ hở bảo mật thông tin cá nhân
Mới đây, Phòng An toàn thông tin thuộc Khối Công nghệ (Ngân hàng ABBank) trong quá trình rà soát định kỳ đã phát hiện một số đường link dẫn đến website giả mạo đang thực hiện phishing, nhằm chiếm đoạt thông tin, tài khoản người dùng E-Banking. Các website được tạo ra với giao diện khá tương đồng với website chính thống của ABBank. Nếu không để ý kỹ và nhập username, password vào các trang phishing giả mạo, người dùng sẽ lập tức bị đánh cắp thông tin tài khoản E-Banking, dẫn đến bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Ông Trần Việt Thắng, thành viên Ban Điều hành phụ trách Khối Công nghệ của ABBank cho biết, tấn công mạng bằng hình thức phishing qua website giả mạo đã tồn tại từ rất lâu. Nhưng gần đây, số lượng vụ việc tăng lên nhiều, đặc biệt thông qua việc phát tán các link giả mạo qua email, tin nhắn mang đầu số ngân hàng khiến khách hàng nhầm lẫn. Ngân hàng khuyến cáo và mong khách hàng lưu ý, quan sát cẩn thận trước khi thực hiện các thao tác đăng nhập tài khoản trên mạng.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, để tránh rủi ro bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân. Khách hàng không truy cập và thực hiện giao dịch tín dụng trên các link, website lạ nhận được qua điện thoại, tin nhắn, email.
OCB cũng khẳng định, Ngân hàng không yêu cầu nạp tiền, chuyển khoản, thanh toán hay thu bất kỳ loại phí nào của khách hàng trong quá trình xem xét, đánh giá khoản vay.