Điểm nóng
Cảnh báo hiện tượng bình cứu hỏa mini phát nổ
- 20/01/2016 11:13
Bình cứu hỏa được để ở nhiều ví trị khác nhau trong xe nhưng vẫn phát nổ gây nhiều lo lắng cho chủ phương tiện.
Bình cứu hỏa mini trong ôtô 4 chỗ bị nổ rồi bắn tung phần nắp. Ảnh: Sơn Dương

Vụ gần đây nhất vào đêm 17/1, khi đang di chuyển từ Nguyễn Chí Thanh sang Lê Văn Lương, anh Nguyễn Hoàng Hải, ở quận Ba Đình (Hà Nội) bất ngờ thấy tiếng nổ nhỏ khiến xe BMW bị rung. Dừng lại mở cốp xe, anh Hải phát hiện chiếc bình cứu hỏa mini bị nổ và bọt trắng bắn tung tóe. Rất may, vụ nổ không gây hư hại các bộ phận trong xe.

Theo anh Hải, bình cứu hỏa mini anh mua trên phố Yết Kiêu cách đây khoảng 10 ngày (thời điểm bình cứu hỏa mini khan hiếm hàng và nhiều bình không có tem kiểm định). Vị trí đặt bình khá cố định, nhiệt độ thời điểm này khoảng 17 độ C. 

Trước đó một ngày, chiều 16/1 ôtô 4 chỗ của anh Ngô Hiếu Thuận (xã Song Bình, Chợ Gạo, Tiền Giang) đang đậu trong sân nhà thì bình chữa cháy mini để trong xe phát nổ, gây hư hỏng cửa xe, thùng loa. Riêng bình chữa cháy bay xuyên trần nhà, xé toạc mái tôn cao vài mét.

Cách đây nửa năm, vào tháng 7/2014, anh Duy ở Gia Lâm (Hà Nội) mua chiếc bình cứu hỏa mini tại siêu thị BigC Long Biên. Trên đường mang sản phẩm về nhà, khi qua đường Hoàng Ngân, phường Trung Hoà (Cầu Giấy, Hà Nội), vừa dừng lại anh Duy giật mình nghe tiếng nổ khá lớn. Quay lại, anh thấy trong ôtô bọt khí trắng xóa, nội thất bị rách nát nhiều chỗ.

Bình cứu hỏa bị phát nổ ghi, nhà phân phối là công ty có địa chỉ tại Đại Kim (Hoàng Mai) và hạn sử dụng còn tới năm 2017.

Năm 2013, một độc giả từng chia sẻ việc bình cứu hỏa mini bị nổ trong xe 5 chỗ đỗ ở ngoài trời nắng trên phố Lạc Trung (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Khi phát nổ, phần thân bình còn nguyên vẹn, duy nhất phần nắp bật tung và bắn đập vào trần xe. 

Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó cục trưởng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), cho biết đã cử cán bộ xác minh sự việc. Bình cứu hỏa không thể tự cháy, nhưng có thể nổ. Việc nổ xuất phát từ hai loại nguyên nhân.

"Thứ nhất là nổ hóa học, khi các chất trong bình có sự tác động với nhau gây ra nổ. Thứ hai là nổ lý học, có thể xảy ra nếu bình kém chất lượng, được bảo quản không tốt, van an toàn không chịu được sẽ bị xì, không khí thoát ra ngoài và gây nổ", đại tá Thắng phân tích.

Trước đó, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã thử cho nổ các loại bình cứu hỏa. Có bình dạng lỏng, hóa chất khi vượt quá giới hạn cho phép về nhiệt độ sẽ phát nổ. Riêng bình dạng bột thì không bị nổ, chịu được nhiệt độ trên 1.000 độ C. 

Cục khuyến cáo người dân nếu trang bị bình cứu hỏa nên chọn loại đảm bảo chất lượng, được kiểm định của cơ quan có chức năng về phòng cháy chữa cháy và bán tại cửa hàng uy tín. Ngoài ra, nếu nghi ngờ về chất lượng cũng như kiểm định của bình cứu hỏa nên đến cửa hàng khiếu nại để nhận được giải đáp cụ thể.

Thông tư 57 của Bộ Công an quy định, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 chỗ trở lên, xe rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc chở khách được kéo bởi ôtô, máy kéo; xe vận chuyển hàng nguy hiểm về cháy, nổ nằm trong danh mục bắt buộc phải trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy.

Ôtô từ 4 chỗ trở lên phải trang bị một bình bột loại dưới 4 kg hoặc bình bọt loại dưới 5 lít, hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít, bình khí CO2 loại dưới 4 kg.

Thông tư quy định rõ, các phương tiện phòng cháy chữa cháy trang bị trên xe được bố trí tại nơi dễ thấy, dễ lấy để sử dụng khi chữa cháy, nhưng không ảnh hưởng tới thao tác, tầm nhìn của người lái, an toàn của người đi trên xe và khuyến cáo không nên để trong cốp xe tránh nhiệt độ cao.

Tin liên quan
Tin khác