Kỳ 1: Cuộc đổ bộ phá vỡ quy hoạch
Số lượng các dự án điện mặt trời được bổ sung vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đã lên tới 121, với công suất đăng ký gấp cả chục lần so với mục tiêu đặt ra tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh cho loại năng lượng tái tạo này.
Đã có một cuộc đổ bộ rầm rộ vào điện mặt trời sau khi giá mua bán điện được công bố là 9,35 UScent/kWh. Trong ảnh: Hệ thống điện mặt trời Phú Lạc (Bình Thuận) |
Quy hoạch điện bị phá vỡ
Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ ghi rõ, Bộ Công thương tổ chức lập Quy hoạch Phát triển điện mặt trời quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công bố và hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt. Quy hoạch sẽ chỉ được lập một lần duy nhất, các lần cập nhật, điều chỉnh bổ sung sau được thực hiện khi lập điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch Điện lực quốc gia.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, tức là đã 1 năm và 8 tháng trôi qua kể từ khi có Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, vẫn chưa thấy bóng dáng Quy hoạch Phát triển điện mặt trời quốc gia xuất hiện. Trước đó, báo cáo về tình hình phát triển điện mặt trời tại Văn bản số 4614/BCT-ĐL hồi tháng 6/2018, Bộ Công thương cho hay, Quy hoạch đang được Viện Năng lượng triển khai lập đề án. Theo kế hoạch, tháng 7/2018, Viện sẽ trình dự thảo lần 1 để lấy ý kiến, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt vào tháng 11/2018.
Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, tới giữa tháng 12/2018, Quy hoạch Phát triển điện mặt trời quốc gia vẫn đang là dự thảo và chưa thấy công bố lấy ý kiến rộng rãi trên website.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng quy hoạch riêng cho điện mặt trời phải được cân đối trong tổng thể Quy hoạch Phát triển điện quốc gia, bởi tất cả các nguồn đều nối lưới và được điều độ chung do tính chất đặc biệt của điện là sản xuất và tiêu thụ đồng thời, khác hẳn các loại hàng hóa khác.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg, dự kiến đến năm 2020, sản lượng điện đạt 265 - 278 tỷ kWh và đến năm 2030 đạt khoảng 571 - 700 tỷ kWh. Để đáp ứng nhu cầu này, tới năm 2020, công suất điện cần tới 60.000 MW, năm 2025 cần 96.500 MW và đến năm 2030 là 129.500 MW, tức là bình quân mỗi năm tăng thêm khoảng 6.000 - 7.000 MW. Trong đó, mục tiêu phát triển điện mặt trời được đề ra chỉ là 850 MW công suất lắp đặt vào năm 2020 và khoảng 4.000 MW vào năm 2025; khoảng 12.000 MW năm 2030.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngay sau khi có Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, đã có một cuộc đổ bộ rầm rộ vào làm dự án điện mặt trời. Ông Bùi Vạn Thịnh, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình cho rằng, mức giá mua điện là 9,35 UScent/kWh là quá tốt để thu hút các nhà đầu tư triển khai dự án điện mặt trời. Vì mức giá hấp dẫn này mà thời gian qua, nhiều nhà đầu tư ùn ùn xin làm dự án điện mặt trời, dẫn đến quy hoạch bị phá vỡ.
Khi nghiên cứu cơ chế giá FiT (cơ chế nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, tăng sức cạnh tranh so với các nguồn năng lượng truyền thống) cho điện mặt trời sau tháng 6/2019, ông Vũ Ngọc Đức (Viện Năng lượng, thành viên nhóm nghiên cứu của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật thực hiện chương trình năng lượng EU - Việt Nam) nhận thấy, sự bùng nổ dự án điện mặt trời chỉ diễn ra sau khi giá mua bán điện được công bố là 9,35 UScent/kWh vào tháng 4/2017. Trước đó, tổng công suất các dự án điện mặt trời đã đi vào hoạt động chỉ vỏn vẹn… 5 MW, trong đó, chỉ có 1 MW được nối lưới, 4 MW còn lại chủ yếu đặt ở vùng sâu, vùng xa, trên mái nhà.
Các nghiên cứu sơ bộ trước đó của Dự án Năng lượng Tái tạo và Tiết kiệm Năng lượng (4E) do Tổ chức Hợp tác Phát triển GIZ và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) thực hiện cũng cho thấy, tổng tiềm năng kinh tế của các dự án điện mặt trời trên mặt đất tại Việt Nam đạt ít nhất 7 GW vào năm 2020. Tiềm năng này vượt xa mục tiêu quốc gia là 0,8 GW vào năm 2020.
Thậm chí, trong xu thế chi phí đầu tư và tài chính cho các dự án điện mặt trời đang ngày càng giảm, tiềm năng kinh tế có thể đạt mức vài trăm GW trong giai đoạn 2021 - 2030 khi thị trường bắt đầu phát triển và vượt xa mục tiêu đã đề ra là 12 GW vào năm 2030.
Lỗi ở nhiệt điện than miền Nam chậm tiến độ (!?)
Lý giải cho sự đột biến lớn về công suất điện mặt trời vừa nhanh chóng được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch trong khoảng 1,5 năm qua so với mục tiêu của Quy hoạch điện VII điều chỉnh đề ra, trong khi Quy hoạch Phát triển điện mặt trời quốc gia chưa có, một quan chức của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay, do nhiều nguồn điện ở miền Nam vào chậm hơn dự tính, nên phải đẩy nhanh các dự án điện mặt trời dễ thi công.
Bộ Công thương, trong báo cáo tình hình phát triển điện mặt trời tại Văn bản 4614/BCT-ĐL ngày 11/6/2018 cũng cho hay, phần lớn các nguồn nhiệt điện chậm tiến độ 1-2 năm, đặc biệt là các nguồn nhiệt điện than miền Nam dự kiến vận vào năm 2018 - 2021 như Long Phú I, Sông Hậu I, Sông Hậu II… Trong đó, Nhiệt điện Long Phú III hiện tại chưa lập Báo cáo khả thi và chưa có chủ đầu tư thay thế Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nên chưa xác định được tiến độ. Nhiệt điện Ô Môn III, IV và các nhà máy điện sử dụng khí từ mỏ Cá Voi Xanh có nguy cơ trễ tiến độ so với quy hoạch do chưa thể xác định chính xác thời điểm khí từ Lô B và mỏ Cá Voi Xanh cập bờ...
Bộ Công thương cũng dẫn chứng báo cáo được Viện Năng lượng thực hiện với đề xuất, tăng nguồn điện mặt trời vào vận hành năm 2020 lên 6.500 MW, vào năm 2021 là 10.000 MW, vào năm 2025 là 11.600 MW và vào năm 2030 là 18.700 MW, lớn hơn nhiều so với mục tiêu đề ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Đây có lẽ là luận điểm chính để việc bổ sung các dự án điện mặt trời vào quy hoạch điện hiện hành được nở rộ như thời gian qua.
Điều đáng nói là, Bộ Công thương (cơ quan quản lý chuyên ngành về mặt kỹ thuật) dường như đã bỏ qua các so sánh cần phải làm về thông số kỹ thuật khi vận hành của các dự án nhiệt điện than, nhiệt điện khí bị chậm tiến độ với nguồn điện mặt trời trong cân bằng vận hành hệ thống điện để có giải pháp căn cơ.
“Theo thông số kỹ thuật, các nhà máy nhiệt điện than có thể huy động khoảng 6.000 giờ/năm, nhiệt điện khí huy động từ 6.000 - 6.500 giờ/năm, trong khi điện mặt trời cùng công suất nhưng chỉ huy động được từ 1.500 - 1.800 giờ/năm, chưa kể có thể mất toàn bộ công suất này nếu xuất hiện mưa hay mặt trời bị che khuất”, thành viên Nhat Dinh trên Diễn đàn Cộng đồng Năng lượng tái tạo nhận xét.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho hay, trong điều kiện các nguồn thủy điện được khai thác gần hết, thì việc phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời là rất cần thiết và là xu thế của thế giới. Năng lượng mặt trời là dạng năng lượng “trời cho”, nhưng vấn đề sử dụng thế nào, hiệu quả ra sao là câu chuyện hoàn toàn khác. Với việc đầu tư không đồng bộ, không có cơ chế vận hành thích hợp, điện mặt trời có thể gây mất ổn định hệ thống điện, gây tụt áp, rã lưới...
Cụ thể, nguồn điện mặt trời chỉ hoạt động khi nắng tốt, gần như không hoạt động ở những thời điểm như trời mưa, trời nhiều mây mù hay ban đêm, trừ phi có hệ thống pin, ắc-quy tích điện. Đối với những dự án điện mặt trời quy mô lớn, hệ thống tích trữ này giỏi lắm cũng chỉ thêm 3-5 giờ, nhưng chi phí đầu tư rất đắt đỏ.
Một dự án bình thường, để đầu tư 1 MW điện mặt trời, tốn 1 triệu USD, nếu kèm theo bộ tích điện, thì chi phí tăng lên gấp đôi. Vì vậy, khi hàng ngàn MW điện mặt trời được nối lưới, ngành điện vẫn phải tính toán phát triển nguồn bù vào hệ thống khi điện mặt trời không hoạt động... “Nói thì dễ, nhưng đây là vấn đề kỹ thuật phức tạp, các bên từ chủ đầu tư điện mặt trời, địa phương và ngành điện... phải họp bàn xây dựng quy trình điều độ rất phức tạp”, ông Ngãi nói.
Cũng theo chuyên gia này, việc phát triển ồ ạt điện mặt trời, điện gió có mặt tích cực là tăng tỷ trọng khai thác nguồn năng lượng tái tạo, giảm phát sinh nguồn điện trực tiếp gây ô nhiễm... Tuy nhiên, quá nhiều dự án điện mặt trời phát triển cùng lúc ở một khu vực, khi đấu nối vào đường dây hiện hữu, sẽ dẫn đến khả năng phải đầu tư thêm lưới điện truyền tải, trạm biến áp... Dĩ nhiên, các chi phí này đều tính vào giá thành điện, chứ Nhà nước hay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không thể gánh nổi.
Thời điểm này, tổng công suất nguồn điện trên cả nước mới đạt 47.750 MW, sản lượng điện mới là 192,1 tỷ kWh. Tuy nhiên, đó là nhờ sự đóng góp của các nguồn điện truyền thống hiện có như thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí.n
(Còn tiếp)