Vừa qua, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân B.T.H (nam, 50 tuổi) nhập viện. Trước khi vào viện khoảng 1 giờ, người bệnh đột ngột đau đầu, nôn vọt, nói khó, liệt nửa người trái, đo huyết áp 200/120 mmHg.
Ảnh minh họa |
Đáng chú ý, theo lời kể của người nhà bệnh nhân, sau khi xuất hiện các triệu chứng trên, bệnh nhân và gia đình tự đánh giá rằng bệnh nhân bị đột quỵ não, tự uống thuốc y học cổ truyền (An Cung ngưu hoàng hoàn) có xuất xứ ở nước ngoài.
Sau khi uống thuốc các triệu chứng không cải thiện, thậm chí còn có biểu hiện nặng hơn. Người bệnh vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 chụp cắt lớp vi tính sọ não dựng hình mạch máu não (CTA), kết quả cho thấy hình ảnh xuất huyết não vùng nhân xám trung ương phải, không có bất thường mạch máu não.
Bệnh nhân được cấp cứu và xử trí ban đầu theo phác đồ chảy máu não tại Khoa Cấp cứu, sau đó chuyển lên Khoa Đột quỵ não điều trị tiếp, tới nay tình trạng đã ổn định. Tuy nhiên trường hợp này đã cảnh báo nghiêm trọng về việc tự ý dùng thuốc y học cổ truyền không theo chỉ định.
Đột quỵ não có hai thể là nhồi máu não (chiếm 88%) và chảy máu não. Theo thống kê trên thế giới, đột quỵ não là nguyên nhân tử vong thứ hai và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tàn tật.
Chính sự nguy hiểm này đã gây lên tâm lí hoang mang, lo sợ bị đột quỵ trong đại bộ phận nhân dân, tìm cách phòng ngừa và điều trị sớm nhất có thể.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ kiến thức, sự hiểu biết trong việc phòng và điều trị đột quỵ, do đó đã có không ít trường hợp tự ý dùng thuốc hoặc các biện pháp dân gian để tự điều trị đột quỵ.
Mặc dù đã được cảnh báo không ít lần trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những năm qua, Bệnh viện vẫn gặp rất nhiều trường hợp sau khi có biểu hiện của đột quỵ não, đã tự uống An Cung ngưu hoàng hoàn mà không có chỉ định của thầy thuốc.
Trước đó, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết cơ sở vừa cứu sống nữ bệnh nhân Đ.T.H (huyện Thanh Ba, Phú Thọ) bị sốc mất máu do rối loạn đông máu khi lạm dụng thuốc An Cung.
Bà H. có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường hơn 10 năm nay đang duy trì thuốc uống hàng ngày. Năm 2014 và 2019 bà bị đột quỵ não, di chứng yếu nửa người trái nên đã được gia đình mua thuốc An Cung cho uống thường xuyên.
Trước khi vào viện 4 ngày, bà xuất hiện đau bụng, chướng bụng, bí tiểu, đã điều trị ở bệnh viện tuyến dưới 3 ngày, sau đó được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viên Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng ý thức lơ mơ, suy hô hấp, huyết áp tụt, da niêm mạc nhợt, đau khắp bụng, đi ngoài phân máu đỏ tươi số lượng nhiều.
Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có tình trạng thiếu máu và rối loạn đông máu rất nặng, thiếu toàn bộ các yếu tố đông máu nội sinh.
Chụp MRI sọ não xuất hiện nhiều ổ nhồi máu não mới bán cầu não hai bên; nội soi dạ dày có hình ảnh viêm dạ dày. Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực, kiểm soát hô hấp bằng đặt ống nội khí quản, thở máy, truyền khối hồng cầu, huyết tương tươi đông lạnh, vitamin K1 liều cao...
Theo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, hiện thuốc có tên An Cung ngưu hoàng hoàn lưu hành trên thị trường Việt Nam có nhiều nguồn gốc từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên... được nhập khẩu vào Việt Nam.
Cơ quan này quy định rõ thuốc được chỉ được dùng theo đơn, đúng chỉ định và dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sỹ chuyên ngành y học cổ truyền hoặc thầy thuốc Đông y.
Đặc biệt, thuốc có chống chỉ định trong trường hợp đột quỵ thể nhồi máu não diện rộng hoặc thể chảy máu não, vì ảnh hưởng tới quá trình đông cầm máu trên bệnh nhân, khi dùng thuốc sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu hoặc chảy máu khó cầm, bệnh sẽ trầm trọng hơn.
Người không có chuyên môn sẽ không thể phân biệt được thể bệnh đột quỵ, do đó việc tự ý mua thuốc An Cung ngưu hoàng hoàn nhằm mục đích dự phòng hoặc tự điều trị đột quỵ não là việc làm cần tuyệt đối tránh.
Nếu có bất kỳ biểu hiện của đột quỵ não cấp, việc cần làm ngay là đưa bệnh nhân tới bệnh viện gần nhất, nhanh nhất có thể. Tuyệt đối không tự ý cho bệnh nhân uống thuốc hoặc thực hiện các biện pháp không cần thiết làm trì hoãn quá trình cấp cứu và có thể làm bệnh nặng hơn. Nhớ rằng, mỗi phút trôi qua đều có thể quyết định sự sống còn của người bệnh.