Trước đó, 2 tuần bé ho, sốt, kèm đờm, khò khè. Chiều 23/10, bé Đ.M.Q sinh năm 2019 có địa chỉ Đức Giang, Long Biên được bố mẹ đưa tới khám tại phòng khám Nhi tầng 1 nhà A, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhi 4 tuổi tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. |
Qua thăm khám, làm các chỉ định cận lâm sàng bé có chỉ định nhập viện vào khoa Nhi. Đến 5h chiều cùng ngày, bé sốt nhẹ. Mẹ bé Q. cho biết, bé chưa phát hiện bệnh lý gì từ trước, trong vòng khoảng 3 tuần nay sút khoảng 3 kg và đi tiểu nhiều vào ban đêm.
Đến khoảng 22h cùng ngày, trẻ xuất hiện mệt mỏi tăng, thở nhanh, gắng sức nhiều. Hội chẩn cùng các bác sĩ khoa nhi, BSCKI Nguyễn Thị Lan Anh, Khoa Hồi sức tích cực Nhi nhận thấy đây là kiểu thở đặc biệt, tình trạng thở nhanh không tương xứng với tổn thương phổi của bệnh nhân.
Với sự nhạy cảm lâm sàng, bác sĩ Lan Anh đã cho bệnh nhân làm xét nghiệm khí máu cũng như test đường huyết mao mạch. Kết quả cho thấy, bệnh nhân đang trong tình trạng nhiễm toan nặng pH 6.89, HCO3-: 3.1, BE: -30, cùng với đó là lượng đường máu tăng lên rất cao 37mmol/l.
Bệnh nhân được chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực Nhi. Tại đây, kíp trực đã nhanh chóng đặt nội khí quản, chủ động kiểm soát đường thở cho bệnh nhân.
Cùng với đó là các biện pháp hồi sức tích cực bao gồm bù dịch, truyền insulin tĩnh mạch liên tục, điều chỉnh rối loạn thăng bằng kiềm toan, rối loạn điện giải.
Sau 3 ngày điều trị tích cực, hiện tại trẻ đã tỉnh táo hoàn toàn, tự thở, bắt đầu ăn uống được, các biện pháp kiểm soát đường huyết đã chuyển sang phác đồ tiêm insulin 4 mũi dưới da.
Theo Ths Hoàng Văn Kết, Trưởng khoa Hồi sức tích cực nhi, bệnh tiểu đường ở trẻ em chủ yếu là đái tháo đường typ 1, tức là thể đái tháo đường phụ thuộc insulin.
Bệnh tiểu đường ở trẻ em tuy hiếm gặp nhưng biến chứng hôn mê nhiễm toan ceton có thể diễn tiến nặng nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Điểm khó ở trẻ này là tình trạng đái tháo đường của trẻ chưa hề được phát hiện từ đầu, đến lúc phát hiện ra thì trẻ đã trong tình trạng rất nặng.
Bác sĩ Hoàng Văn Kết cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh khi phát hiện con mình có biểu hiện uống nhiều nước, đi tiểu nhiều kèm gầy sút cân trong thời gian ngắn thì nên đưa con đi khám để phát hiện sớm bệnh tiểu đường, điều trị đúng cách tránh các tai biến nghiêm trọng có thể xảy ra.
Cũng về nguy cơ trẻ hoá bệnh tiểu đường, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nội Tiết Trung ương, trong vài tháng qua đã tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân từ 7-18 tuổi nhập viện với chẩn đoán đái tháo đường type 1 đều ở mức đường huyết rất cao.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, Khoa Nội tiết cho biết đái tháo đường type 1 (hay còn gọi là tiểu đường tuýp 1) là tình trạng bệnh lý xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất được hoặc sản xuất rất ít insulin dẫn đến thiếu hụt insulin nội sinh nghiêm trọng.
Bệnh thường được chẩn đoán ở trẻ em và người trẻ tuổi. Bệnh có thể khởi phát từ vài tháng tuổi, độ tuổi hay gặp nhất là 10-14 tuổi. Tỷ lệ nam/nữ là tương đương nhau. Đái tháo đường type 1 chiếm khoảng 5-10% trong số người mắc bệnh đái tháo đường.
Nguyên nhân gây ra đái tháo đường tuýp 1 thì đến 95% trường hợp do cơ chế tự miễn và 5% không rõ nguyên nhân. Do hệ miễn dịch tấn công nhầm và phá hủy các tế bào có nhiệm vụ sản xuất insulin ở tuyến tụy.
Một vài yếu tố nguy cơ như nhiễm virus Coxsackie, Rubella, Cytomegalo... hoặc chế độ ăn tiếp xúc sớm với sữa bò cũng có liên quan tới việc khởi phát bệnh.
Một số kháng thể kháng tế bào beta của tụy cũng có thể tìm thấy ở phần lớn bệnh nhân đái tháo đường type 1.
Cũng theo bác sĩ Tuấn, trước đây nhiều người nhầm lẫn rằng đái tháo đường type 1 là một bệnh lý di truyền, điều này không đúng. Đái tháo đường type 1 không được xếp vào nhóm bệnh rối loạn di truyền.
Tuy nhiên, một người có khả năng mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 cao hơn nếu có người thân trực hệ chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh này.
Do vậy khi thấy xuất hiện các triệu chứng như: Khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân, mệt mỏi, mờ mắt, đái dầm mới ở trẻ chưa bị trước đây…, đặc biệt, khi xuất hiện kèm theo một số triệu chứng cảnh báo nguy hiểm của đái tháo đường type 1: Đau bụng, nôn, rối loạn ý thức, thở nhanh sâu, hơi thở có mùi trái cây chín (táo chín…) thì người bệnh phải được đưa ngay tới cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán xác định và điều trị một cách kịp thời.
Hiện tại để điều trị đái tháo đường type 1, việc sử dụng insulin vẫn là bắt buộc. Sử dụng insulin sớm còn giúp bảo tồn chức năng tế bào beta còn sót lại. Kiểm soát đường huyết tốt góp phần giảm các nguy cơ về biến chứng trong lâu dài.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt cho phù hợp cho từng cá thể. Đối với người có chế độ hoạt động thể lực vừa phải nên duy trì khoảng 30-35 kalo/kg/ngày. Cân đối giữa các tỷ lệ Carbonhydrat, protid, lipid giúp kiểm soát đường huyết nhưng cũng đảm bảo về sinh hoạt làm việc cho người bệnh.
Đặc biệt ở trẻ em, ngoài kiểm soát đường huyết ra còn phải bảo đảm mục tiêu về tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ.
Người bệnh đái tháo đường type 1 nên theo dõi đường huyết tối thiểu 4 lần/ngày để có thể điều chỉnh liều lượng insulin dựa theo đường máu tại nhà. Với trẻ em có thể được thay đổi. Bên cạnh đó, người đái tháo đường type 1 nên thay đổi luân phiên vị trí tiêm cũng như vị trí thử đường huyết để có kết quả tốt nhất.
"Hiện nay, có rất nhiều người dân nhầm tưởng rằng đái tháo đường có thể chữa khỏi và tin vào nhiều nội dung quảng cáo không chính xác từ các trang mạng xã hội. Tôi xin khẳng định đến thời điểm hiện tại chưa có biện pháp dự phòng đặc hiệu cho bệnh đái tháo đường type 1", bác sĩ Tuấn khẳng định.