Chuyển đổi số - Kinh tế số
Cánh cửa lên con tàu chuyển đổi số đang mở
Nguyễn Minh Đức - 17/02/2021 06:47
Các doanh nghiệp, người kinh doanh ở Việt Nam đang thu xếp hành lý, đến sân ga, sẵn sàng bước lên con tàu chuyển đổi số của nhân loại. Họ không muốn bỏ lỡ chuyến tàu này.
Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, mà nòng cốt là công nghệ số, đang làm thay đổi nhanh chóng các lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội

1.

“Bây giờ bán hàng mà không lên mạng thì bán cho ai?”. Đó là lời chia sẻ của một chủ shop bán hàng mà chúng tôi đã phỏng vấn khi nghiên cứu về khung khổ pháp luật cho kinh tế số của Việt Nam.

Quả thật, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam thời gian qua ở mức rất cao, thường xuyên đạt từ 20% đến 30% mỗi năm. Theo ước tính của Google và Temasek trong Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á  2020 (e-Conomy SEA), nền kinh tế Internet của Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 14 tỷ USD và dự báo đến năm 2025 sẽ đạt mức 54 tỷ USD.

Dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhu cầu sử dụng Internet của người dân Việt Nam bùng nổ.

Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, người Việt Nam bình quân dành 3,1 giờ/ngày để truy cập Internet (cho mục đích cá nhân). Trong thời gian giãn cách xã hội, con số này đã tăng lên 4,2 giờ/ngày và hiện ở mức 3,5 giờ/ngày. Trong tổng số người sử dụng dịch vụ kỹ thuật số  tại Việt Nam năm 2020, người dùng mới chiếm 41%, cao hơn nhiều so với khu vực. 94% số người dùng mới này dự định tiếp tục sử dụng các dịch vụ đó kể cả sau đại dịch.

Năm 2020, các lĩnh vực kinh tế số tại Việt Nam đều tăng trưởng mạnh so với năm 2019, trừ du lịch. Thương mại điện tử tăng 46%, vận tải và thực phẩm tăng 50%, truyền thông trực tuyến tăng 18%.

Đầu tư vào lĩnh vực Internet ở Việt Nam trong năm qua cũng bùng nổ, với 151 giao dịch, tổng giá trị 935 triệu USD. Có doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử tiết lộ, họ đạt doanh thu gấp đôi năm 2019.

2.

Dù tốc độ phát triển nhanh như vậy, nhưng cơ hội để Việt Nam bắt kịp con tàu cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Chúng ta thiếu công nghệ? Có thể, nhưng khi chúng tôi trao đổi với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, họ đều khẳng định: Công nghệ không phải là thứ họ không thể vượt qua. Với kinh nghiệm hàng chục năm gia công phần mềm cho nước ngoài, các kỹ sư công nghệ thông tin của Việt Nam có đủ khả năng để làm chủ công nghệ.

Rào cản lớn nhất dường như lại là câu chuyện chính sách.

Dù thời gian qua, nhiều lãnh đạo đã cố gắng động viên và đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào việc phát triển các sản phẩm trên nền tảng Internet, nhưng dường như chính sách vẫn chưa giải quyết được những vấn đề cốt lõi mà doanh nghiệp cần.

3.

Cá nhân tôi vẫn luôn tin rằng, muốn phát triển lĩnh vực kinh tế nào, Nhà nước không cần ưu đãi hay xúc tiến quá nhiều, cũng không nên quá chú tâm vào các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, mà chỉ cần làm một việc. Đó là bảo hộ quyền tài sản và quyền hợp đồng trong lĩnh vực đó một cách đầy đủ, mạnh mẽ, tức khắc lĩnh vực đó sẽ phát triển. Với kinh tế số, càng cần những điều này.

Chính sách trong lĩnh vực kinh tế số có ba vấn đề chưa được giải quyết rốt ráo, gồm bảo hộ tài sản số; kiểm duyệt nội dung và bảo vệ quyền riêng tư.

Thứ nhất, về bảo hộ tài sản số. Tài sản có giá trị nhất trong kinh tế số là sáng chế, phần mềm, dữ liệu... Thế nhưng, việc bảo vệ các loại tài sản này ở Việt Nam còn yếu, và dường như nỗ lực để thực hiện công việc này từ phía các cơ quan nhà nước chưa rõ ràng.

Có doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin chia sẻ, họ có thể mất tất cả, trừ hệ thống code. Doanh nghiệp đã có mã khóa, bảo mật khá tốt để chống người ngoài ăn trộm. Nhưng "giặc ở ngay sau lưng", một nhân viên ăn trộm code hệ thống rồi ra ngoài mở công ty riêng. “Doanh nghiệp trắng tay, nhưng đi kiện thì... ‘hết hơi’, tiền mất, tật mang, thà dành công sức đó làm lại từ đầu”, đại diện doanh nghiệp nói trên bức xúc.

Theo ước tính của Google và Temasek trong Báo cáo kinh tế số Đông Nam Á 2020 (e-Conomy SEA), nền kinh tế Internet của Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 14 tỷ USD và dự báo đến năm 2025 sẽ đạt mức 54 tỷ USD.

Một trường hợp khác, có nhân viên thản nhiên sao chép dữ liệu khách hàng của công ty. Công ty báo án, cơ quan công an cho biết, không có tội danh nào trong Bộ luật Hình sự đối với hành vi này và mặc dù hiểu dữ liệu là tài sản có giá trị rất lớn, nhưng không dám khép hành vi sao chép dữ liệu khách hàng vào tội trộm cắp tài sản.

Thứ hai, về kiểm duyệt nội dung thông tin. Đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng để kinh tế số có thể phát triển.

Nếu kiểm duyệt quá mức, sẽ không thu hút được người dùng. Ví dụ, trong lĩnh vực mạng xã hội, giải trí (phim, video clip, trò chơi điện tử), nếu các nhà cung cấp dịch vụ của Việt Nam bị kiểm duyệt thái quá, thì người dùng trong nước sẽ có xu hướng chuyển sang sử dụng mạng xã hội nước ngoài hoặc giải trí trên các nền tảng nước ngoài.

Nhưng nếu không kiểm duyệt, thì thông tin xấu, độc sẽ tràn lan.

Đối với các doanh nghiệp, pháp luật về kiểm duyệt hiện nay vừa thiếu rõ ràng, nhiều rủi ro, không công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Thế nhưng, các tiêu chí kiểm duyệt rất chung chung, không rõ ràng, khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi tuân thủ. Họ đang trong thế: nếu cố gắng loại bỏ toàn bộ sẽ tốn kém chi phí, nhân lực và mất lòng khách hàng; nhưng nếu không thực hiện thì sẽ bị cơ quan nhà nước xử lý.

Ví dụ, Zalo và Facebook cùng có chức năng trang cá nhân và có tương tác, bình luận, nhưng Facebook cho phép nội dung hiển thị công khai, còn Zalo chỉ cho phép hiển thị trong danh sách bạn bè hạn chế. Như vậy, mức độ thu hút người dùng của Facebook rất lớn, còn Zalo tránh được chi phí và rủi ro của việc phải kiểm duyệt các thông tin như vậy. Câu chuyện của mạng xã hội Haivl cách đây 6 năm bị thu hồi giấy phép vì không kiểm duyệt được hết các nội dung là một ví dụ.

Thứ ba, bảo vệ dữ liệu người dùng cũng là một trong những vấn đề cực kỳ quan trọng để phát triển kinh tế số.

Ví dụ, điện tử hóa bệnh án có thể sẽ giúp nâng cao năng suất và hiệu quả của ngành y tế. Nhưng dữ liệu sức khoẻ của một cá nhân là thông tin nhạy cảm. Nếu bị lộ, lọt, thì có thể gây tác động rất xấu đến mỗi cá nhân. Chính vì lo ngại đó, nên nhiều người đã không đồng ý điện tử hóa dữ liệu của họ. Tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân khiến nhiều người rất ngần ngại sử dụng dịch vụ.

Vấn đề này không chỉ nảy sinh khi bị lộ, lọt cho các cá nhân, tổ chức, mà còn phải cân bằng với nhu cầu lấy thông tin từ phía các cơ quan nhà nước phục vụ công tác quản lý, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật.

Hiện vấn đề cung cấp thông tin người dùng cho cơ quan nhà nước có những cách tiếp cận rất khác nhau giữa các văn bản pháp luật.

Các văn bản pháp luật trong nhiều lĩnh vực thiên về hướng cho phép cơ quan nhà nước lấy dữ liệu người dùng một cách dễ dàng. Bộ luật Tố tụng Hình sự thì lại nghiêng về bảo vệ bí mật dữ liệu điện tử của người dùng và Nhà nước chỉ được phép tiếp cận khi có dấu hiệu tội phạm với thủ tục ra quyết định rất cẩn trọng.

Tôi đã từng đặt câu hỏi, tại sao các ngân hàng Thuỵ Sĩ lại nổi tiếng thế giới, lại thu hút được nhiều người đến sử dụng dịch vụ. Có phải vì lãi suất cao?

Đương nhiên không phải. Lý do chính là vì các ngân hàng này cam kết bảo mật thông tin rất cao, kể cả trước yêu cầu từ các chính phủ.

Việt Nam khó có thể áp dụng nguyên tắc tôn trọng tuyệt đối quyền riêng tư như vậy. Nhưng mấu chốt hiện nay là thiếu quy định, dễ dẫn đến tùy tiện trong việc cán bộ nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin người dùng.

4.

Đang có rất nhiều chương trình khuyến khích, thu hút đầu tư và cả hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ. Các chính sách này rất quan trọng.

Nhưng các nhà đầu tư cho biết, họ cần được bảo vệ tài sản trí tuệ, được cảm thấy an toàn, an tâm và công bằng để sẵn sàng bỏ vốn đầu tư.

Tin liên quan
Tin khác