Đơn cử như trường hợp của bé trai (7 tuổi, ở Hà Nội), có tiền sử khỏe mạnh. Khoảng 1 ngày trước khi vào viện, trẻ xuất hiện đau đầu từng cơn, kèm theo nôn và sốt.
Caption ảnh |
Gia đình đã đưa trẻ đến một cơ sở y tế để thăm khám. Tại đây, các bác sỹ nghi ngờ trẻ mắc viêm màng não, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.
Sau khi nhập viện, các bác sỹ đã nhanh chóng tiến hành thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh.
Kết quả cho thấy, trong dịch não tủy của trẻ có nhiều tế bào bạch cầu, chủ yếu là bạch cầu Lympho, xét nghiệm PCR dương tính với Enterovirus (EV).
Tương tự, bé trai (10 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện sau khi bị sốt một ngày trước đó. Ngoài sốt, trẻ còn bị nôn nhiều, mệt mỏi, đau đầu và cổ cứng.
Nhận thấy đây là một trường hợp nghi ngờ viêm màng não nên các bác sỹ đã cho trẻ nhập viện và làm các xét nghiệm chẩn đoán. Kết quả cho thấy, trẻ bị viêm màng não do EV.
Sau quá trình điều trị theo phác đồ, trẻ đã được ra viện và không có biến chứng. Bác sỹ Phạm Thị Quế, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viêm màng não gặp ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ cao hơn ở những người suy giảm miễn dịch và trẻ em.
Căn nguyên gây bệnh thường gặp nhất, bao gồm: Enterovirus (nhóm Coxsackie hoặc Echovirus), Herpesvirus (HSV1 và 2, VZV, CMV, EBV, HHV6), nhóm Arbovirus (vi rút viêm não Nhật Bản, vi rút sốt xuất huyết,…).
Enterovirus (EV) là một họ vi rút đường ruột, gồm nhiều loại vi rút khác nhau và có thể gây bệnh thành dịch. EV chủ yếu lây qua đường tiêu hóa, nghĩa là người bệnh sẽ đào thải vi rút qua phân hoặc qua các dịch tiết của đường miệng từ đó lây nhiễm cho trẻ xung quanh. Ngoài gây ra tình trạng viêm màng não, EV còn gây ra bệnh lý tay chân miệng.
Các triệu chứng chính của viêm màng não do vi rút nói chung và Enterovirus nói riêng có thể xuất hiện đột ngột, bao gồm sốt, ớn lạnh, đau đầu, cổ cứng, buồn nôn hoặc nôn, nhạy cảm với ánh sáng (sợ ánh sáng), chán ăn, mệt mỏi.
Đôi khi có các triệu chứng của nhiễm vi rút, như: Sổ mũi, ho, đau nhức cơ thể hoặc phát ban, trước khi có triệu chứng của viêm màng não.
Ở trẻ sơ sinh, triệu chứng thường không đặc hiệu, gồm sốt, nôn, thóp phồng, bú kém, ngủ nhiều… Để chẩn đoán xác định, trẻ cần được chọc dịch não tủy và làm xét nghiệm PCR để xác định căn nguyên.
Theo bác sỹ Phạm Thị Quế, hiện bệnh viêm màng não do EV chưa có thuốc đặc trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh. Chính vì vậy, để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ và người chăm sóc cần hướng dẫn trẻ vệ sinh tay sạch với xà phòng trước khi ăn, sau khi ho, hắt xì, đi vệ sinh.
Ngoài ra, thực hiện ăn chín, uống sôi, sử dụng thực phẩm sạch có nguồn gốc rõ ràng. Vệ sinh đồ chơi chung, giữ môi trường sống sạch sẽ, khử trùng các bề mặt tiếp xúc nhiều như tay nắm cửa, bàn, ghế để ngăn ngừa vi rút lây lan.
Khi trẻ có dấu hiệu nôn, đau đầu, không đáp ứng với thuốc hạ sốt cần đưa đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sỹ chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo thống kê cho thấy, trẻ em có nguy cơ cao bị viêm màng não cao hơn so với người lớn với các triệu chứng điển hình gồm đau đầu, sốt, cứng cổ. Ngoài ra, trẻ còn có có một số triệu chứng đi kèm như ớn lạnh, buồn nôn, bú kém, biếng ăn, co giật, phát ban, lú lẫn, quấy khóc,…
Nhóm trẻ dưới 1 tuổi có nguy cơ mắc viêm màng não cao và nặng nhất so với các nhóm tuổi khác, đặc biệt là trẻ dưới 5 tháng tuổi.
Ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ, hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện và giảm nồng độ kháng thể bảo vệ từ mẹ dẫn đến khả năng diệt khuẩn thấp là nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn.
Trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc biến chứng thần kinh cao hơn người lớn. 71% trẻ sơ sinh, 38% trẻ từ 1-5 tuổi và 10% trẻ từ 6-16 tuổi bị viêm màng não phát triển biến chứng thần kinh.
Bệnh viêm màng não ở trẻ em nếu được chẩn đoán sớm, điều trị đúng cách và kịp thời có thể chữa khỏi được. Cứ 10 trẻ bị viêm màng não thì có 7 trẻ sẽ phục hồi hoàn toàn, không có biến chứng nếu được điều trị đúng cách.
Tuy nhiên, nguy cơ tử vong do mắc viêm màng não rất cao. Gần 10% trường hợp mắc viêm màng não tử vong sau 24-48 giờ kể từ thời điểm khởi phát dấu hiệu đầu tiên của bệnh. 20% còn lại mặc dù đã được chữa khỏi nhưng bệnh nhân vẫn có thể phải đối mặt với nhiều di chứng nặng nề như điếc, chậm phát triển trí tuệ, mù lòa, suy giảm trí nhớ, cắt cụt chi,…
Tác động của bệnh lý viêm màng não: Người mắc bệnh do não mô cầu có thể tử vong chỉ trong 24-48 giờ đồng hồ kể từ khi khởi phát bệnh. 50% tử vong nếu không được điều trị. Mặt khác, dù được chẩn đoán và điều trị kịp thời, có khoảng 20% người bệnh vẫn tử vong.
Trong số những người sống sót, 10-20% gặp các biến chứng nghiêm trọng như cắt cụt chi, điếc, tổn thương não và gặp khó khăn trong học tập.
Ước tính chi phí điều trị và theo dõi lâu dài một ca viêm màng não tốn hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng, chưa kể các chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc cho người có các di chứng sức khoẻ nặng sau này.
Do đó, việc nhiễm bệnh và điều trị gây khó khăn, tốn kém rất nhiều lần so với phòng ngừa sớm bằng vắc-xin, trẻ em và người lớn hiện nay đã có nhiều loại vắc-xin phòng ngừa bệnh viêm màng não hiệu quả gây ra do nhiều tác nhân là virus và vi khuẩn.