Từ 1/8, một số trường hợp vi phạm giao thông không cần lập biên bản mà sẽ áp dụng hình thức xử phạt tại chỗ |
Bắt đầu từ ngày mai 1/8/2016, theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP , một số trường hợp vi phạm giao thông trên đường sẽ được áp dụng hình thức xử phạt tại chỗ mà không cần lập biển bản.
Cụ thể, tại Điều 56 của Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012 (có hiệu lực từ 1/7/2013), Điều 15 Thông tư 01/2016/TT/BCA (có hiệu lực từ ngày 15/2/2016), Nghị định 46/2016/ND-CP (có hiệu lực từ ngày 1/8/2016), Cảnh sát giao thông có quyền xử phạt vi phạm không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp: Xử phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức.
Các trường hợp khác bị vi phạm lỗi phạt trên 500.000 đồng vẫn xử lý theo hình thức lập biên bản như bình thường, đồng thời áp dụng cho cả các trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ. CSGT phải "Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính” tại chỗ khi người vi phạm bị xử phạt không lập biên bản hành chính.
Trong Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định, trường hợp chủ phương tiện vi phạm có mặt tại nơi xảy ra vi phạm thì người thẩm quyền xử phạt lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt hành vi vi phạm hành chính theo các điểm, khoản tương ứng.
Trao đổi với PV Báo Giao thông về vấn đề này, Đại úy Đặng Thành Trung – Đội phó Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội) cho biết, việc áp dụng xử phạt tại chỗ không cần lập biên bản đối với những lỗi dưới 500.000 đồng của tổ chức và 250.000 đồng của cá nhân sẽ giúp cho cả lực lượng thực thi công vụ lẫn người vi phạm tiết kiệm được thời gian, hạn chế đi lại nhiều, không cần phải đợi trong vòng 1 tuần mới đi lấy quyết định xử phạt, sau đó lên kho bạc nhà nước nộp phạt và trở về lấy giấy tờ, phương tiện vv... Khi đó, người vi phạm chỉ phải nộp phạt để CSGT đưa biên lai sau đó tiếp tục tham gia giao thông một cách bình thường.