Doanh nghiệp
Cạnh tranh hội nhập nhờ khác biệt hay giá thành?
Anh Vũ - 28/11/2015 12:02
Mỗi công ty đều có chiến lược cạnh tranh. Đâu sẽ là chiến lược cạnh tranh chuẩn để doanh nghiệp đối phó với đối thủ mạnh đến từ nước ngoài trong cuộc chơi hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)?

Sự khác biệt có ý nghĩa khi nó đặc trưng và khó bắt chước. Một doanh nghiệp càng tập trung tạo sự khác biệt, thì những doanh nghiệp khác càng khó bắt chước. Bắt chước sự khác biệt bao giờ cũng bị động, chưa kể doanh nghiệp tạo sự khác biệt đầu tiên luôn để lại ấn tượng trong lòng khách hàng.

Thời kỳ đầu của máy tính, các máy tính đều trông rất thô kệch. Apple tạo ra các máy tính với kiểu dáng đẹp làm thay đổi hẳn quan điểm của khác hàng. Kể từ đó, nhắc tới Apple là nhắc tới những máy tính, laptop, điện thoại với kiểu dáng đẹp. Trong khi đó, với Dell, ấn tượng của khách hàng là nồi đồng cối đá; với Acer là cạnh tranh về giá...

CEO kỳ này là bà Đỗ Thị Hồng Hạnh (giữa), Giám đốc điều hành, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt

Thời nay, nhu cầu của con người rất nhiều, nhưng lại rất phân tán. Dung lượng thị trường của mỗi nhóm nhu cầu cũng vì thế mà bị chia lẻ ra. Thu nhập của người tiêu dùng không tăng nhiều, nhưng nhu cầu của họ luôn mở rộng. Mỗi công ty khi thành lập đều hướng tới việc thỏa mãn một nhóm nhu cầu nào đó của người tiêu dùng. Đôi khi, chi phí bỏ ra nhiều, nhưng dung lượng thị trường lại hạn chế.

Cùng với đó, số công ty được mới thành lập nhiều không thể kể xiết. Các doanh nghiệp lớn khó mà cạnh tranh với được công ty nhỏ về chi phí thấp. Để kéo lại, họ phải tạo ra một sự khác biệt nào đó. Nếu như mọi thứ của họ đều không có gì nổi bật thì sẽ rất khó để phát triển. Ngược lại, các công ty nhỏ và vừa thì thường cạnh tranh về giá, mà ít chú ý đến sự khác biệt.

Tuy nhiên, AEC sắp tới và TPP đang tạo ra những cơ hội thị trường hàng hóa rất lớn với những ưu đãi về thuế quan, nên nhiều đối thủ ngoại sẽ có cơ hội oanh tạc thị trường trong nước hơn. Những sản phẩm của nước ngoài với sự khác biệt, vượt trội hơn nhờ có công nghệ và kỹ thuật tiên tiến sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nguy cơ mất khách hàng, mất thị phần.

Điều này đang xảy ra với nhiều doanh nghiệp. Minh chứng, tại một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thương mại sản phẩm giấy Wet Tisue ở Hà Nội đã có mặt trên thị trường được gần 10 năm. Người tiêu dùng chuộng sản phẩm Wet Tisue vì giá hợp lý và sản phẩm phù hợp với thị hiếu. Song họ đang phải đối mặt với thách thức của cuộc chơi hội nhập mới. Trước tình hình này, CEO và các cổ đông đã ngồi lại bàn bạc và tìm giải pháp ứng phó.

“Để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh một mất một còn này, doanh nghiệp nên đi theo hướng khác biệt, đồng thời, tập trung nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới ưu việt và vượt trội để cạnh tranh và tìm kiếm khách hàng mới. Mẫu mã, quảng cáo và cách thức tiếp thị cũng phải thay đổi theo cho phù hợp”, CEO cho biết.

Song các cổ đông lại cho rằng, công ty thành công và đứng vững được trên thị trường gần 10 năm qua là nhờ có giá thành tốt và đó là một lợi thế của công ty so với các đối thủ nước ngoài.

“Muốn cạnh tranh với các đối thủ mạnh này, công ty phải tìm cách giảm giá thành, ổn định chất lượng sản phẩm hơn nữa để lấy đó làm lợi thế cạnh tranh. Công nghệ mới, sản phẩm mới là lợi thế của các đối thủ đến từ nước ngoài, mình khó mà cạnh tranh với họ được”, một cổ đông cho hay.

CEO phản đối quan điểm trên của các cổ đông, vì giá thành của công ty khó có thể giảm hơn nữa. Nếu tiếp tục giảm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, việc cạnh tranh bằng giá thành khó có thể duy trì được lâu dài. Vì vậy, HĐQT nên bơm thêm vốn ngay để đầu tư cho công tác R&D, đầu tư máy móc, thiết bị mới và đầu tư cho marketing, làm thương hiệu. CEO sẽ tiếp tục có cuộc họp vào cuối tuần tới để thuyết phục các cổ đông.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO – Chìa khóa Thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Chương trình sẽ phát sóng trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam vào 10h sáng Chủ nhật (ngày 29/11) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (ngày 30/12). Mời quý doanh nghiệp, doanh nhân tham gia ý kiến trên fanpage của chương trình:

www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEOTVNEXT của Youtube.

Ngoài ra, nhằm giúp các bạn trẻ có cơ hội được cọ sát với những tình huống có thể xảy ra trong kinh doanh của một CEO, Chương trình “Đồng hành cùng chìa khóa thành công CEO - SME” với những câu hỏi thú vị và các phần quà hấp dẫn như Macbook air, Ipad mini... đang chờ các bạn trẻ yêu thích kinh doanh. Để tham gia, hãy soạn DK dấu cách CKTC hoặc DK2 gửi 9154.

Tin liên quan
Tin khác