Doanh nghiệp
Cạnh tranh ngang ngửa với các “trùm viễn thông” Viettel truyền cảm hứng, cổ vũ doanh nghiệp Việt
Hữu Tuấn - 21/12/2016 15:14
Việc Viettel cạnh tranh ngang ngửa và thậm chí giành phần thắng các “trùm viễn thông” thế giới đã tiếp thêm sức mạnh để doanh nghiệp Việt tự tin ra nước ngoài đầu tư.

Những “cuộc chiến không tiếng súng” ở thị trường nước ngoài…

Tháng 5/2015, khi chúng tôi đặt chân tới Dea Salam của Tanzania là lúc Viettel đang gấp rút những bước chuẩn bị cuối cùng cho sự ra mắt của mạng Halotel sau hơn 1 năm xây dựng.

Halotel phải đương đầu với nhiều  đối thủ sừng sỏ là Vodacom, Airtel Tigo Tanzania, Airtel và Zantel. Các đối thủ đã phản ứng dữ dội, dựng thêm trạm BTS, giảm giá cước, tung dịch vụ 4G… hòng “bóp chết” Halotel non trẻ. Nhưng, bằng chiến lược riêng của mình, Halotel đạt tốc độ tăng trưởng con số tuyệt đối về thuê bao nhanh nhất từ trước tới nay: 1 triệu khách hàng sau 3 tháng, 2 triệu khách hàng sau 9 tháng.

Những gì Viettel đang làm đã góp phần tạo nên thương hiệu Việt Nam.

Trước đó, năm 2014, khi khai trương Bitel tại Peru, Viettel cũng bị các đại gia viễn thông hàng đầu thế giới là Telefonica và America Movil cạnh tranh dữ dội. Thậm chí, để “ngăn” khách hàng dùng Bitel, họ còn tặng iPhone cho khách hàng. Bitel đã tồn tại chật vật, khó khăn trong thời gian đầu, nhưng sau đó đã tìm được đường đi của mình, hướng tới nhóm khách hàng trẻ dùng nhiều Internet mobile và khách hàng vùng quê qua hệ thống cáp quang. Từ Peru, Phó tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng, người phụ trách thị trường này cho phóng viên Báo Đầu tư hay, mạng Bitel của Viettel tăng trưởng với tốc độ thần tốc, cao gấp hơn 5 lần ngành viễn thông nước này, đạt gần 60 triệu USD, trong 6 tháng đầu năm 2016.

10 năm qua, trên 10 thị trường, Viettel đã phải cạnh tranh trực tiếp với hầu hết với những nhà mạng hàng đầu thế giới như Vodafone, Claro, Digicel… Nhưng thách thức càng lớn lại càng là cơ hội để trưởng thành. Càng gặp những đối thủ sừng sỏ, Viettel càng có nhiều bài học và tri thức để làm tốt hơn ở nơi mình đã xuất phát và tất cả nơi mà họ đã và sẽ đến.

Vì sao chiến thắng đối thủ sừng sỏ?

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel, cuộc hành trình đầu tư ra nước ngoài của Viettel chưa bao giờ là một chuyến đi rút ngắn, hay được định đoạt vì may rủi, mà đó là một cuộc hành trình được dựng nên từ khát vọng, đam mê, nỗ lực, và những suy nghĩ độc đáo.

“Nhiều người nghĩ rằng, hội nhập là chờ đợi các doanh nghiệp nước ngoài đến với mình, Viettel lại nghĩ, cần chủ động đi ra thế giới. Nhiều người nghĩ rằng, các nước nghèo sẽ khó đuổi kịp các nước giàu, nhưng Viettel thì nghĩ, chúng ta, những nước đang phát triển, hoàn toàn có thể ngang bằng thế giới về viễn thông”, ông Hùng nói.

Cách nghĩ độc đáo để Viettel cạnh tranh được với các đối thủ chính là, trong khi người ta nghĩ viễn thông là xa xỉ, thì Viettel lại cho rằng, viễn thông là thứ hàng hoá thiết yếu, như cơm ăn, nước uống hàng ngày, do đó bằng mọi cách phải phổ cập dịch vụ, mang cơ hội kết nối đến cho bất kỳ ai. Trong khi nhiều người nghĩ công nghệ càng cao, giá càng đắt, thì Viettel lại hướng đến công nghệ càng cao, giá càng phải rẻ. Trong khi nhiều người nghĩ rằng, sẽ thật khó để có đủ người tài khi đi đầu tư ra nước ngoài, Viettel lại nghĩ rằng, 90% tiềm năng trong mỗi con người đều đang ngủ, chỉ có những việc khó, cao hơn sức của mình mới có thể đánh thức những tiềm năng ấy. Và đi ra nước ngoài, đến một thị trường mới là một cách để đánh thức sự tài giỏi trong mỗi con người Việt Nam.

Dẫn dắt doanh nghiệp Việt “khai phá vùng đất mới”

“Những gì Viettel đang làm đã góp phần tạo nên thương hiệu Việt Nam. Thông qua Viettel, một doanh nghiệp Việt Nam cụ thể với những con người Việt Nam cụ thể, thế giới hiểu hơn về Việt Nam. Chúng ta không chỉ có nông nghiệp phát triển, chúng ta còn có thể đầu tư vào công nghệ cao, chúng ta là những người bạn chân thành và tử tế”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Không những “cho cả thế giới biết đến một tinh thần Việt Nam qua Viettel”, công cuộc khai phá thị trường nước ngoài của Viettel còn tiếp thêm sự tự tin, sức mạnh để nhiều doanh nghiệp khác cùng tìm kiếm cơ hội mới, tự tin cạnh tranh với các công ty toàn cầu. Hôm nay đồng hành cùng họ đã có nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Đó là MB Bank ở Campuchia, hay BIDV, Vietnam Airlines, FPT tại Myanmar... 

Tại buổi Lễ 10 năm Viettel đầu tư ra nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, kết quả đạt của Viettel đã tạo niềm tin cho cộng đồng quốc tế, các đối tác nước ngoài, đồng thời, truyền cảm hứng và sự tự tin cho các doanh nghiệp Việt Nam trong đầu tư kinh doanh ở nước ngoài. Trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng, các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm cách mở rộng thị trường của mình, phải học cách kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng với các tập đoàn quốc tế.

“Chúng ta có quyền tự hào vì đã có một tập đoàn của Việt Nam đầu tư kinh doanh, cạnh tranh được với các tập đoàn toàn cầu. Các dự án đầu tư của Viettel còn là nhịp cầu nối quan trọng giúp tăng cường và thắt chặt quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với các nước”, Thủ tướng nhận định.

Tin liên quan
Tin khác