Khu di tích lịch sử Pác Bó, nơi Bác Hồ từng sinh sống và làm việc trong những ngày đầu trở về nước sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài; Thác Bản Giốc và vùng sinh thái đặc biệt Phia Oắc - Phia Đén đang được UBND tỉnh Cao Bằng ưu tiên trong danh mục dự án thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài giai đoạn 2011- 2015.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Bùi Đình Triệu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng cho biết, điểm thuận lợi của Cao Bằng trong việc đặt ra mục tiêu ưu tiên phát triển các dự án này là Khu di tích lịch sử Pác Bó đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án bảo tồn, tôn tạo và được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thác Bản Giốc (danh thắng quốc gia, một trong những thác nước đẹp nhất Việt Nam) cũng đã được Chính phủ phê duyệt. Gắn liền với Thác Bản Giốc là Động Ngườm Ngao (dài trên 2.000 m) - một trong những hang động đẹp của Việt Nam. Khu vực sinh thái Phia Oắc - Phia Đén cách trung tâm Thị xã Cao Bằng khoảng 60 km, với độ cao trung bình từ 1.000 m đến 1.500 m (cao nhất là đỉnh Na Mi, cao 1.931m) cũng là điểm được mời gọi đầu tư. Đây là khu vực có khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ ban ngày trung bình 20 - 25 độ, ban đêm dưới 20 độ... rất thuận lợi cho phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái.
“UBND tỉnh Cao Bằng rất mong các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng đến đầu tư xây dựng Khu du lịch Pác Bó; Thác Bản Giốc, xây dựng quy hoạch tổng thể vùng Phia Oắc - Phia Đén và biến nơi đây thành khu du lịch lý tưởng trong tương lai”, ông Triệu nói.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, việc phát triển lợi thế du lịch đầy tiềm năng của Cao Bằng, cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc, đang đối mặt với những thách thức lớn là hệ thống kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu; đường giao thông duy nhất lên Cao Bằng chỉ có đường bộ, cách xa các trung tâm kinh tế của cả nước, nguồn nhân lực qua đào tạo còn hạn chế…
Lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, để dần tháo gỡ khó khăn này, UBND tỉnh đã xác định ưu tiên đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất; tổ chức thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ các công trình, dự án quan trọng trong kế hoạch 5 năm 2011 - 2015.
Cùng với lựa chọn mũi nhọn chính trong phát triển kinh tế Cao Bằng là du lịch, thì phát triển kinh tế cửa khẩu cũng được xác định là hướng trọng tâm, là bước đi để tạo thêm sức hấp dẫn cho Cao Bằng trong liên kết với các tỉnh miền núi phía Bắc.
Cao Bằng có Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng, các cửa khẩu chính là Trà Lĩnh, Sóc Giang, Lý Vạn, nhiều cửa khẩu phụ và cặp chợ biên giới tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và du lịch phát triển. Chương trình Phát triển kinh tế cửa khẩu giai đoạn 2011-2015 của UBND tỉnh Cao Bằng đang được triển khai thực hiện, trong đó tập trung khai thác hiệu quả hoạt động thương mại - du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
Cao Bằng đã xây dựng Đề án Thành lập Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng, tiếp tục tập trung nguồn vốn để đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu Tà Lùng, Trà Lĩnh, Sóc Giang, với mục tiêu khai thác lợi thế các cửa khẩu để mở rộng quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh hoạt động thương mại, du lịch, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Khánh An