Biên lợi nhuận gộp tích cực dù giá cao su đầu vào tăng
CTCP Cao su Đà Nẵng vừa công bố báo cáo tài chính quý I ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể của các chỉ tiêu kinh doanh so với cùng kỳ. Doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng mang về hơn 912,3 tỷ đồng, tăng 13,6%.
Ngoài cải thiện quy mô doanh thu, tỷ suất lợi nhuận gộp đã tăng lên gần 18,2%, dù giảm nhẹ so với quý liền trước (19,8%), nhưng vẫn cao hơn nhiều mức 14,7% trong quý I/2019. Đây cũng là mức cao đáng kể nếu so với biên lãi gộp bình quân trong 4 năm gần đây.
Về các khoản chi, chi phí bán hàng tăng thêm 30 tỷ đồng, chủ yếu do các khoản chi phí dịch vụ mua ngoài. Nhưng bù lại, Cao su Đà Nẵng tiết kiệm được chi phí tài chính (chỉ bằng chưa đến phân nửa năm trước) và giảm nhẹ chi phí quản lý.
Theo báo cáo phân tích của Chứng khoán Bảo Việt, DRC đã nâng giá bán lốp ô tô 3%, lốp xe máy và xe máy lên 5% kể từ tháng 12/2020 trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào đặc biệt là cao su và các khoản chi phí vận tải tăng mạnh thời gian qua. Điều này tác động tích cực lên tỷ suất sinh lời của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh săm lốp này.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý I/2021 của Cao su Đà Nẵng đạt 79,6 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng hơn 70,2% lên 63,7 tỷ đồng. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu quý đầu năm đạt 536 đồng, trong khi cùng kỳ là 315 đồng.
Cao su Đà Nẵng dự kiến tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 28/4 tới đây. Theo tờ trình gửi đến các cổ đông, kế hoạch kinh doanh năm 2021 đặt ra khá thận trọng với doanh thu kế hoạch tăng 6% lên 3.852 tỷ đồng và lợi trước thuế 300 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Với kết quả đạt được trong quý đầu năm, công ty hoàn thành 23,7% mục tiêu doanh thu nhưng đã đạt được 26,5% kế hoạch lợi nhuận.
Đến cuối quý I/2021, Cao su Đà Nẵng trở lại tích trữ tồn kho nhiều hơn, trong đó tăng nhiều nhất là nguyên vật liệu và tồn kho thành phẩm. Sau khi tăng trữ tồn kho lên khá cao trong nửa đầu năm 2020, doanh nghiệp này đã giảm đáng kể quy mô hàng tồn kho trong quý III và quý IV/2020 - cũng là giai đoạn mà các nguyên liệu đầu vào chính của doanh nghiệp săm lốp này tăng giá mạnh.
Từ cuối tháng 1/2021, giá cao su đã hạ nhiệt, dù vẫn đang ở mức cao so với cùng kỳ. Nguyên nhân bởi sự thiếu hụt chip bán dẫn đang khiến chuỗi cung ứng ngành sản xuất ô tô bị đứt gãy dù nhu cầu ô tô đã ghi nhận sự phục hồi đáng kể thời gian qua. Giá trị tồn kho tại ngày 31/3 đạt 847 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cuối năm trước và tương đương 34% quy mô tổng tài sản (2.496 tỷ đồng).
Dự kiến đầu tư nâng công suất nhà máy radial lên 1 triệu lốp/năm từ quý IV/2021
Một trong các nội dung quan trọng được Cao su Đà Nẵng trình cổ đông tại cuộc họp thường niên tới là kế hoạch đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất lốp xe tải radial nâng công suất từ mức 600.000 lốp/năm lên 1 triệu lốp/năm. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý IV/2021 đến quý II/2024.
Theo phương án đầu tư, Cao su Đà Nẵng sẽ xây dựng thêm nhà hỗn luyện 3 tầng, chiều cao 32 m với tổng diện tích sàn 5.700 m2. Đồng thời, công ty cần đầu tư mua dây chuyền hỗn luyện 370 lít, các máy lưu hóa, máy thành hình, máy kiểm tra bọt khí và các thiết bị phụ trợ. Việc đầu tư cũng tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng nhà xưởng, thiết bị hiện có.
Giá trị tổng mức đầu tư dự kiến là 830 tỷ đồng, trong đó huy động từ tài sản cũ 98 tỷ đồng và đầu tư mới 732 tỷ đồng. Cao su Đà Nẵng sẽ sử dụng 40% từ nguồn vốn tự có, cụ thể là quỹ đầu tư phát triển. Vốn vay thương mại chiếm 60% tổng chi phí đầu tư.
Theo báo cáo của công ty, sau hai giai đoạn đầu tư hoàn thành vào năm 2013 và 2018, sản phẩm của nhà máy đạt chất lượng tốt, được thị trường chấp nhận và tiêu thụ hết sản lượng sản xuất. Việc đầu tư mở rộng công suất nhà máy nhằm đón đầu nhu cầu lốp radial được dự báo tăng một phần bởi ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ làm gia tăng sản lượng tiêu thụ lốp radial của Việt Nam sang thị trường Mỹ.
Tỷ lệ nợ vay của Cao su Đà Nẵng khá khiêm tốn, chưa đến 30% tổng nguồn vốn. Ngoài giúp chi phí lãi vay ở mức thấp, điều này còn tạo dư địa sử dụng đòn bẩy tài chính cho dự án đầu tư trong tương lai.